Nhân lực trong nước có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp chip bán dẫn?

13:52, 23/05/2024

Triển vọng các nhà đầu tư nước ngoài về công nghiệp chip bán dẫn sẽ đầu tư vào Việt Nam đã mở ra sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden năm 2023. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ thực sự giá trị nếu chúng ta đáp ứng được nguồn nhân lực.

Cần hành động nhanh và ngay

Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người, từ trình độ đại học trở lên. Có như vậy mới có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư về lĩnh vực này.

Không lâu sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người. Theo các chuyên gia, nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ).

Tuy nhiên, do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn, vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Mỹ. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm nay 2 đề án quan trọng. Thứ nhất là Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch.

Thứ hai là Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.

Ngay trong hội nghị nói trên, 5 trường đại học lớn đã cùng ký kết hợp tác liên minh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn. Đó là Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Theo đó, các trường thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để tăng số lượng người học từ xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và tạo dựng đội ngũ chuyên gia xuất sắc về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục đại học.

Ảnh minh hoạ.

Các trường sẽ hợp tác chia sẻ, khai thác chung cơ sở dữ liệu, tài liệu và học liệu số, bản quyền phần mềm, dịch vụ chế thử MPW, nhân sở hữu trí tuệ mở cho giảng dạy trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và liên quan, trong đó chíp bán dẫn là chủ đề ưu tiên.

Để giải quyết vấn đề vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài, giải pháp hàng đầu hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn. Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý và cam kết đầu tư đào tạo 30.000 - 50.000 chuyên gia bán dẫn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành. Ông Trương Gia Bình mong muốn, Trường Đại học FPT nhận được đầu tư để đào tạo kỹ sư chuyên về thiết kế chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động trong các lĩnh vực quan trọng này.

Nói về vai trò của kỹ sư thiết kế trong ngành sản xuất chip, ông Nguyễn Thanh Yên - Quản trị Cộng đồng vi mạch Việt Nam khẳng định, nếu Việt Nam tập trung phát triển mạnh đội ngũ kỹ sư thiết kế, thì chắc chắn sẽ thu “trái ngọt” trong 5 - 10 năm tới. Theo ông, Nhà nước cần tập trung tối đa nguồn lực đầu tư công cho đào tạo. Ví dụ, các nguồn lực đầu tư của Nhà nước sẽ trực tiếp đưa về các cơ sở đào tạo dưới những hình thức như giảm học phí cho sinh viên đăng ký học các học phần liên quan đến vi mạch, tăng phụ cấp cho thầy, cô giáo đào tạo các môn học thiết kế chip… Hiệu quả đầu tư sẽ được đo bằng số doanh nghiệp vi mạch mới thành lập hàng năm và số sinh viên được đào tạo chuyên ngành về vi mạch ra trường có việc làm hàng năm.

Không dễ chút nào

Xung quanh sự quyết tâm của các đại học và doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước, GS TSKH Trần Xuân Hoài – một chuyên gia về lĩnh vực này cho biết, nhân lực thiết kế chip phải là những bộ óc tài năng từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau với một điều kiện bắt buộc là sử dụng thành thạo công nghệ thông tin như là một công cụ. Vì vậy, thật kỳ lạ khi có những trường đại học ở Việt Nam tuyên bố sẽ mở mã ngành thiết kế chip. Cho đến nay, trên thế giới chẳng có đâu có thể mở được một ngành đào tạo như vậy.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết là thực tế Việt Nam đã quan tâm và có những bước đi khá căn bản về bán dẫn từ những năm 1960. Lúc đó, tại Bộ môn Vật lý Chất rắn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS Đàm Trung Đồn là người đầu tiên xây dựng tổ chuyên môn về vật lý bán dẫn và bắt đầu nghiên cứu về linh kiện bán dẫn Germanium do các chuyên gia Liên Xô giúp đỡ. Lứa cán bộ đầu tiên về bán dẫn đã được đào tạo từ đây, ra trường quãng 1962 – 1964. Sau đó, một số người được tiếp tục đào tạo cao hơn ở Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Hungary với hàng trăm sinh viên sang đó học tập.

Sau năm 1973, một phòng thí nghiệm khá đồng bộ do các nước nói trên viện trợ đã được xây dựng ở Viện Vật lý với sản phẩm là hàng loạt transistor bằng công nghệ hiện đại nhất khi đó. Sau đó, quân đội cũng nhảy vào lĩnh vực này với sự đầu tư khá lớn của nhà nước, dùng thiết bị của Pháp và Tây Âu. Trên cơ sở đó, Nhà máy Z181 đã được thành lập năm 1979. Những người trong ngành coi đó là khởi đầu của công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Tuy nhiên, Nhà máy Z181 đã dừng sản xuất năm 1990 và công nghiệp bán dẫn Việt Nam coi như lụi tàn.

Theo ông, nay đã đến lúc phải nghĩ đến và tham gia vào thiết kế và chế tạo chip bán dẫn. Song tự Việt Nam thì chắc chắn không thể nào làm được dù có tiềm năng và nhiều người đến mấy. Vì vậy, phải tìm mọi cách để có được đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Nếu người Việt Nam chịu học hỏi và nhà đầu tư thiện chí lan toả thì hy vọng sau đó hàng chục năm, người Việt có thể thay thế trên 50% chuyên gia quốc tế.

Cũng nên biết rằng, chuyên gia quốc tế được các đại doanh nghiệp tuyển dụng là loại đặc biệt, tài năng thực sự, và họ được trả lương gấp 3 – 5 lần các tiến sĩ khác không làm việc cho các doanh nghiệp công nghệ cao. Không hề ngạc nhiên vì lương trung bình của một nhà thiết kế chip gấp 3 – 4 lần lương của Tổng thống Mỹ (khoảng 200.000 USD/năm) cũng là chuyện bình thường.

Qua thí dụ nói trên, chúng ta có thể mường tượng Việt Nam nên đào tạo nhân lực cho ngành thiết kế chip như thế nào. Không có một ngành công nghệ cao nào lại phụ thuộc nhiều vào những con người sáng tạo ở trình độ cao như ngành bán dẫn. Nếu chi trả lương cho nhà thiết kế chip Việt Nam bằng lương của Tổng thống Mỹ và nhân lực của chúng ta thay thế được khoảng ½ nhân lực ngoại thì việc thiết kế một con chip 7 nm ước tính sẽ tiết kiệm được khoảng 50 triệu USD. Một con số không hề nhỏ!

Tuy nhiên theo GS TSKH Trần Xuân Hoài thì chúng ta cũng đừng ngại, vì cũng có thể thiết kế những sản phẩm rẻ hơm và dễ thực hiện hơn. Chỉ cần đầu tư dưới chục triệu USD cùng vài chục nhân sự là khởi nghiệp được. Và cũng không loại trừ sẽ phát triển thành nhà cung cấp một số loại chi cho ô tô, vũ khí, y tế, thiết bi dân dụng… Các công ty của Châu Âu, Trung Quốc và Nga hiện cũng đa phần thuộc loại này..

Thế nhưng GS TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài lại cho biết một thực tế khác. Đó là bán dẫn thì không thể thiếu đất hiếm được. Hiện Trung Quốc chiếm 70% đất hiếm của thế giới (khoảng trên 44 triệu tấn), còn Việt Nam có trữ lượng đứng thứ 2 thế giới (22 triệu tấn), rõ ràng đây là "vũ khí kinh tế" để đảm bảo sự phát triển trong tương lai khi công nghệ đang phụ thuộc lớn vào loại tài nguyên này.

Và thật may mắn cho Việt Nam, khi chúng ta bắt đầu mở cửa đã có dầu thô để xuất khẩu, đem về ngoại tệ cho đất nước, tạo 20% thu ngân sách hằng năm. Bây giờ, khi tiến đến một bước ngoặc mới, chúng ta phát hiện và có kế hoạch khai thác đất hiếm.

Theo Tạp chí in số 1 tháng 4/2024