Nhiều công nghệ lần đầu được áp dụng sửa chữa cầu Thăng Long
Các công nghệ được sử dụng lần này là hàn đinh neo lên bề mặt cầu theo công nghệ plasma, đặt lưới thép đổ bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao, tăng độ bám dính...
Cầu Thăng Long đưa vào sử dụng từ năm 1985 bắc qua sông Hồng, nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh. Sau 35 năm sử dụng, cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng. Tính đến nay, cầu Thăng Long đã trải qua 2 lần đại tu và hàng trăm lần sửa chữa nhỏ.
Tuy nhiên, mặt cầu nhanh chóng hư hỏng trở lại. Để xử lý triệt để tình trạng này, trong lần đại tu thứ 3, rất nhiều công nghệ hiện đại đã lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, để sửa chữa cầu Thăng Long.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng hư hỏng nghiêm trọng bề mặt cầu Thăng Long là do lớp bê tông nhựa không bám dính được vào bề mặt bản thép bên dưới. Chênh lệch nhiệt độ cao do điều kiện thời tiết khiến cho lớp bê tông nhựa này thường xuyên bị xô lệch, bong tróc.
Việc sửa chữa mặt cầu dự kiến hoàn thành trong năm nay.
Để giải quyết triệt để tình trạng này, các kỹ sư sẽ sử dụng phương pháp hàn đinh neo dài 5 cm lên bề mặt cầu theo công nghệ plasma tốc độ nhanh, để không gây biến tính vật liệu thép. Sau đó, đặt lưới thép lên rồi đổ bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao. Bề mặt bê tông cũng được thử nghiệm nhiều phương án để sau khi trải lớp bê tông nhựa lên trên có độ bám dính tốt nhất.
Hiện tại bề mặt thép của cầu đang được cạo hết lớp nhựa được phủ lên từ những năm 1980. Tuy nhiên, để đảm bảo có một bề mặt thật sạch, sáng bóng như lúc mới ra lò, lần đầu tiên trong quá trình sửa chữa cầu, các kỹ sư đã ứng dụng phương pháp bắn hạt thép áp lực cao để làm sạch.
Sử dụng rất nhiều công nghệ cao nên điều kiện thi công cũng phải đảm bảo không bị tác động bởi thời tiết. Những công nhân này đang lắp đặt hệ thống ray trượt cho mái che di động. Phương pháp này giữ cho bề mặt cầu luôn khô ráo và không vượt quá 40 độ C, điều kiện tốt nhất để đổ bê tông cường độ cao.
Sau 3 lần sửa chữa lớn, đây là lần đầu tiên cầu Thăng Long được sử dụng hệ thống mái che di động như thế này, giúp quá trình thi công toàn bộ cây cầu không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tự nhiên hay thời tiết. Mái che này có chiều dài 120m và được đơn vị thi công dùng máy tời để kéo đi suốt toàn bộ chiều dài cây cầu, giúp đảm bảo công nghệ bê tông UHPC được thi công một cách tốt nhất
Tổng mức đầu tư của dự án sửa mặt cầu là gần 270 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ. Việc sửa chữa dự kiến hoàn thành trong Quý IV/2020.
Công tác sửa chữa mặt cầu Thăng Long được đánh giá là cấp bách bởi tuyến cầu cạn vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long đang hoàn thiện và dự kiến khánh thành trong năm nay.
Thùy Chi (T/h)