Nhức nhối hành vi xâm phạm bản quyền sách trên không gian mạng: Cần chế tài xử lý nghiêm minh

14:17, 18/07/2024

Hiện nay, không gian mạng là môi trường trung gian tiếp tay cho các hành vi xâm phạm bản quyền sách diễn ra phổ biến và dễ dàng hơn, là thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ bản quyền sách.

Khảo sát vi phạm bản quyền của Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua streaming, mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin trực tuyến. Đặc biệt, chưa bao giờ tình trạng đánh cắp, vi phạm bản quyền diễn ra nhanh, nguy hiểm, có hệ thống và gây ra nhiều nguy hại cho các nhà sản xuất, phát hành nội dung như thời kỳ công nghệ số.

Thực tế, nhờ có internet, các nhà xuất bản dễ dàng giới thiệu sách mới đến tay độc giả bằng hình thức sách điện tử (e-book) hoặc sách nói (audiobook). Bên cạnh mặt tích cực, internet cũng là phương thức được các cá nhân, tổ chức xâm phạm bản quyền bất hợp pháp sử dụng nhằm mục đích trục lợi thương mại. Hàng loạt sách mới, best sellers do các nhà xuất bản trong nước nắm giữ bản quyền được bày bán, phát tán công khai trên các trang điện tử. Những trang này đã tạo ra các dạng sách nói chia sẻ trên cộng đồng mạng nhằm thu phí hoặc tính lượt truy cập để phục vụ mục đích kinh doanh quảng cáo.

Việt Nam hiện có 5 nhà cung cấp ebook bản quyền đang phải cạnh tranh với hàng ngàn website cung cấp ebook không bản quyền. Kết quả tìm kiếm với từ khóa “tải ebook miễn phí” trên google cho ra hơn 2,5 triệu kết quả còn với từ khóa “mua ebook có bản quyền” chỉ với 10 kết quả. Việc số lượng địa chỉ cung cấp ebook vi phạm bản quyền tràn ngập trên internet khiến các nhà phát hành ebook chân chính rất khó cạnh tranh.

Vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng xuất phát từ một số nguyên nhân. Trong đó, vẫn còn đối tượng chạy theo lợi nhuận, vì lợi ích cá nhân mà xâm hại quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng chưa ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ về quyền tác giả, quyền liên quan; mua sách rẻ mặc dù có thể biết hoặc không biết đó là sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền.

Một số tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt là các chủ sở hữu quyền như nhà xuất bản, khi có tranh chấp, vẫn chưa cung cấp đủ bằng chứng/chứng cứ liên quan về quyền của mình và về hành vi vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa. Một số cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm còn có biểu hiện né tránh trách nhiệm, chưa phối hợp đồng bộ nhịp nhàng...

Liên quan đến vấn đề này, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết, hiện nay nạn sách giả, sách lậu đã có thể gọi là “quốc nạn”. Nó giống như một thứ vi rút, một thứ dịch bệnh liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng. Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa của Việt Nam nói riêng. Với một quốc gia mà nạn xâm phạm bản quyền diễn ra ngang nhiên từ năm này qua năm khác với quy mô ngày càng lớn, các nhà đầu tư hiển nhiên sẽ dè dặt khi hợp tác. Dẹp hay không dẹp được tệ nạn này, nó sẽ cho thấy năng lực quản lý và quyết tâm của nhà nước trong việc làm trong sạch hóa môi trường văn hóa và kinh doanh của đất nước.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền với các quy định bảo vệ bản quyền tại Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản liên quan. Cùng với đó là nhiều hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia hỗ trợ doanh nghiệp và tác giả để bảo vệ bản quyền như: Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội quyền sao chép, Trung tâm Bản quyền tác giả văn học, Trung tâm Bản quyền số... Tuy vậy, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam khá phức tạp. “Các giải pháp của các cơ quan Chính phủ, các hội và của doanh nghiệp, chủ sở hữu tác phẩm, tác giả đang gặp nhiều khó khăn do thách thức mới của công nghệ, nhất là công nghệ số, với sự phát triển các hình thức truyền thông và thương mại điện tử trên không gian mạng”, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam lý giải.

Trước vấn nạn xâm phạm bản quyền xuất bản phẩm trên không gian mạng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng như hiện nay, bà Phan Thị Thu Hà Chủ tịch HĐTV - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ đưa ra kiến nghị một số giải pháp cơ bản, như: Cần quy định rõ về cách thức, cơ chế quản lý người dùng trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, Nhà nước cần có quy định rõ về việc quản lý xác minh danh tính của “người dùng” trên mạng xã hội. Cụ thể, cần có một quy định pháp luật yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, doanh nghiệp quản lý các trang mạng xã hội thiết lập cơ chế lưu thông tin người dùng bằng căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ liên hệ và bắt buộc phải cung cấp những thông tin này cho cơ quan nhà nước khi có yêu cầu.

Cùng với đó, xây dựng một cơ chế phối hợp chung giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ, các nhà mạng với các đơn vị xử lý các vấn đề vi phạm bản quyền; tăng cường công tác giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm về quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.

“Để tăng cường ý thức đó, cần có sự nỗ lực lớn của các đơn vị làm xuất bản trong việc truyền thông đến độc giả về chất lượng sách, dấu hiệu nhận dạng sách thật, kể cả những địa chỉ, cửa hàng, gian hàng uy tín trên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, cơ quan báo đài, truyền thông trong việc tuyên truyền ý thức mua và đọc sách thật, sách có bản quyền đến với độc giả.”- bà Phan Thị Thu Hà phân tích.

Bà Phan Thị Thu Hà nhấn mạnh: Cần duy trì hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ các đơn vị làm xuất bản trước các hành vi xâm phạm bản quyền trên không gian mạng, đồng thời cần có chế tài, xử lý thật nặng đối với những hành vi xâm phạm bản quyền đã bị phát hiện. Các cơ quan thực thi pháp luật cần đẩy mạnh việc theo dõi, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm bản quyền trên không gian mạng hoặc có biện pháp hỗ trợ kịp thời các đơn vị xuất bản khi các đơn vị đó phát hiện xuất bản phẩm của mình bị xâm phạm.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

https://sohuutritue.net.vn/nhuc-nhoi-hanh-vi-xam-pham-ban-quyen-sach-tren-khong-gian-mang-can-che-tai-xu-ly-nghiem-minh-d230051.html