Không gian mạng, mặt trận nóng bỏng trong công tác chống hàng giả
Hiện nay, hoạt động kinh doanh trên các nền tảng không gian mạng như Website, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội zalo, facebook, tiktok … phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô, thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân tham gia.
- "Những kẻ theo dõi vô hình" trên không gian mạng
- INFOGRAPHICH: 24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng
- Một số hoạt động của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
- Giải pháp bảo vệ truyền thông trên không gian mạng tại các tổ chức tín dụng
- Dự án Chống lừa đảo bảo vệ mọi người trên không gian mạng
- Giả mạo website Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để lừa đảo
- Đẩy mạnh ngăn chặn và phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng
- FPT IS đề xuất giải pháp chủ động phòng chống lừa đảo không gian mạng
- Thông số Bits/Pixel là gì?
Chính sự phát triển nhanh chóng đó, kèm theo mức lợi nhuận mang lại ngày càng lớn, không ít các đối tượng đã tận dụng các kẽ hở của không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm, đưa đến nhiều rủi ro cho người tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, uy tín của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.
Cùng với sự phát triển của xã hội, sự tiến bộ của khoa học công nghệ, mấy năm trở lại đây, xu hướng mua bán hàng hóa, dịch vụ trên không gian mạng, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nền tảng mạng xã hội này hiện được đánh giá là một trong những kênh tiêu thụ hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến. Đây chính là mặt trận mới – mặt trận nóng bỏng trong công tác chống hàng giả của các lực lượng chức năng trong thời gian tới, đặc biệt là lực lượng Quản lý thị trường (QLTT).
Chống hàng giả trên không gian mạng - mặt trận nóng bỏng.
Trong những năm qua, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường TMĐT không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nguy hiểm hơn, nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh,… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh trên các nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, phần lớn các đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng.Nhiều đối tượng chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian, đăng sản phẩm trên website nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời.Sự tiện lợi của giao dịch điện tử giúp hoạt động mua bán dễ dàng trên phạm vi cả nước, thậm chí cả nước ngoài. Tuy nhiên, việc triệt phá, xử lý hoạt động giao dịch, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ qua kênh thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, thách thức, do các đối tượng sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng có thể mở các trang giao dịch điện tử để mua bán, sau đó dễ dàng khóa trang, hoặc thay đổi nội dung để xóa dấu vết. Hàng hóa mua bán qua môi trường TMĐT được vận chuyển qua doanh nghiệp chuyển phát trung gian cho nên lực lượng chức năng có xác định được phương tiện chở hàng cấm, hàng lậu, hàng giả cũng khó xử lý ngay vi phạm…
Mặc dù đã có nhiều quy định về hoạt động TMĐT nhưng các đối tượng vẫn cố tình không thực hiện các quy định để tối đa hóa lợi nhuận bán hàng, trốn tránh việc nộp thuế, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Điều này gây không ít khó khăn cho các cơ quan quản lý và lực lượng thực thi pháp luật. Do đặc thù không gian mạng không bị giới hạn bởi không gian và thời gian nên việc tìm kiếm, truy vết các vi phạm gặp nhiều khó khăn, các đối tượng vi phạm thường ẩn danh nên không dễ để xác định địa chỉ; các dấu hiệu, hành vi vi phạm bị xóa, tẩu tán tương đối nhanh nên rất khó phát hiện, củng cố vi bằng để có căn cứ kiểm tra, xử lý vi phạm.
Xác định lĩnh vực chống hàng giả là lĩnh vực trọng tâm, môi trường TMĐT là mặt trận chính, Tổng cục QLTT đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành như: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính… để cùng triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả trên môi trường TMĐT; từ làm sao để chống thất thu thuế trên TMĐT đến làm thế nào dùng những biện pháp kỹ thuật internet để truy tìm được dấu vết của những người bán hàng trên mạng; kiểm tra các đối tượng bán hàng trên mạng....
Một số vụ việc điển hình của lực lượng QLTT kiểm tra trên môi trường TMĐT như: Kiểm tra kho hàng của “hot girl” livestream chốt hàng nghìn đơn mỗi ngàyMailystyle.com; kiểm tra hộ kinh doanh do bà Trương Ngọc Quyên tại Gia Lai livestream bán qua mạng xã hội facebook cá nhân dưới tên “Ngọc Quyên Gia Lai”với hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; Kiểm tra Tiệm vàng lớn nhất thành phố Long Xuyên, An Giang đối với Tài khoản Facebook gắn tick xanh “Tiệm vàng Kim Hương Dinh”…
Ngăn chặn các vi phạm trên môi trường TMĐT không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành công thương mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Theo số liệu thống kê, tính chung cả năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022); phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm (tăng 19%); chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 37%). Thu nộp ngân sách trên 501 tỷ đồng (tăng 2,2%). Trong đó, thực hiện theo Kế hoạch 888, lực lượng đã kiểm tra phát hiện, xử lý 12.177 vụ vi phạm, số tiền xử lý vi phạm hành chính gần 431 tỷ đồng; trong lĩnh vực thương mại điện tử, xử lý 1.102 vụ vi phạm; xử phạt gần 10 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 437 triệu đồng. Còn trong quý I/2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra 13.805 vụ, phát hiện, xử lý 10.936 vụ vi phạm; thu nộp NSNN trên 131 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực thương mại điện tử: phát hiện, xử lý 318 vụ, xử phạt hành chính trên 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 11,1 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm SHTT, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán trên không gian mạng đã, đang và vẫn tiếp tục là một mặt trận nóng bỏng vì có đến 80-90% hàng giả được ghi nhận là mua bán trên mạng. Đây là một mặt trận vô cùng khó khăn, bởi xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn rất nhiều.
Hình thức làm hàng giả, hàng nhái rất tinh vi, đa dạng, từ mặt hàng có giá trị thấp đến mặt hàng có giá trị cao, từ mặt hàng đơn giản đến mặt hàng có công nghệ cao, từ hàng hóa phục vụ sản xuất đến hàng tiêu dùng, giải trí…Sản phẩm nhái, giả ngày càng tinh vi, khó phân biệt nếu không có hàng thật đối chứng. Nhiều sản phẩm của các thương hiệu nước ngoài bị nhập lậu, trốn thuế và bán với giá chỉ bằng 1/2 giá hàng nhập khẩu chính thức. Tình trạng này đang gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu, doanh thu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và xâm phạm quyền lợi chính đáng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
Có thể nói, ngăn chặn các vi phạm trên môi trường TMĐT không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành công thương mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Các lực lượng chức năng cần tích cực chủ động phối hợp, thực hiện rà soát nắm bắt thông tin phát hiện xử lý hoạt động vi phạm thông qua bán hàng online, các đầu mối vận chuyển hàng hóa,… Phải tập trung rà soát các quy định về pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi); cần yêu cầu bổ sung trách nhiệm của các chủ mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT. Bên cạnh đó, phải tăng cường quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán; giám sát hàng hóa lưu thông trên môi trường mạng nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong thời gian tới. Ngoài ra, người dân cũng cần góp sức ngăn ngừa hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trong vai trò là người tiêu dùng, không tiêu thụ hàng giả trên không gian mạng, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát giác hành vi vi phạm việc vận chuyển, tiêu dùng hàng hoá vi phạm.
Trong giai đoạn hiện nay, không gian mạng thực sự là một mặt trận nóng bỏng, một chiến trường không tiếng súng nhưng đầy cam go, khó khăn đối với các lực lượng chức năng. Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục bám sát các quy định pháp luật, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Bộ Công Thương về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT để từ đó siết chặt vòng vây, không để hàng giả và các vi phạm trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có cơ hội phát triển trên không gian mạng. Tổng cục xác định, chống hàng giả trên không gian mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng QLTT từ nay đến năm 2025.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo