Những công ty khởi nghiệp “AI-native” sẽ định hình lại thế giới khởi nghiệp
AI-native trở thành hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, giải quyết công việc nhanh hơn...
Trong nhiều năm, Amazon đã trải qua nhiều đợt tuyển dụng hàng loạt nhân sự để đạt được vị thế thống trị, rồi tiếp tục thuê thêm người để quản lý đội ngũ khổng lồ đó. Hiện tại, Giám đốc điều hành Andy Jassy đang nỗ lực tinh giản bộ máy cồng kềnh này, với mong muốn đưa Amazon trở nên linh hoạt như một công ty khởi nghiệp.
Nhưng nếu Amazon được thành lập vào ngày nay, liệu mọi thứ có khác đi? Nếu 10 nhân viên đầu tiên của công ty không chỉ là những người “thông minh, sáng tạo, đầy tham vọng” như Jassy mô tả, mà còn là những chuyên gia sử dụng AI, được trang bị các công cụ tự động hóa dịch vụ khách hàng, lên kế hoạch, hay thiết kế mẫu sản phẩm thì liệu Amazon có thể mở rộng nhanh hơn với ít nhân sự hơn không?
Câu hỏi này đang trở thành tiền đề cho một làn sóng công ty khởi nghiệp mới, gọi là “AI-native” - những doanh nghiệp được xây dựng từ đầu với việc áp dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ trong sản phẩm, mà còn là cốt lõi của quy trình làm việc và cơ cấu đội ngũ nhân viên.
Jared Spataro, Giám đốc tiếp thị mảng AI của Microsoft, đã nghiên cứu các công ty AI-native quy mô nhỏ để tìm hiểu cách họ hoạt động. Ông nhận ra, mặc dù mô hình kinh doanh của các công ty vẫn đang trong giai đoạn hiệu quả song cách tiếp cận AI-native giúp họ có thể duy trì công việc suôn sẻ với đội ngũ cực kỳ tinh gọn.
Tại Daydream, một công ty khởi nghiệp về mua sắm thời trang đang trong giai đoạn thử nghiệm, đội ngũ chỉ có vài chục nhân viên. Đồng sáng lập Dan Cary, người từng làm việc hơn một thập kỷ tại Google, nhận xét: “Nếu muốn xây dựng công ty thành công vào thời điểm cách đây ba hoặc bốn năm, bạn sẽ cần nhiều nhân sự hơn rất nhiều. Nhưng giờ đã khác với AI-native”.
Tương tự, Lex - một công ty chuyên viết nội dung sử dụng AI dành cho nhà văn chuyên nghiệp và học giả - chỉ có ba nhân viên, và nhà sáng lập Nathan Baschez muốn giữ nguyên quy mô này dù công ty đang phát triển. Ông nói: “Tôi thích ý tưởng giữ đội ngũ nhỏ để nhóm cốt lõi luôn đồng lòng, động lực cao và dễ dàng trao đổi về mọi vấn đề. Bạn cần một nhóm nhỏ phù hợp, thay vì cứ tăng thêm người”.
Không chỉ nhờ sức mạnh tính toán của AI, các công ty AI-native giữ đội ngũ nhỏ gọn nhờ khả năng của AI trong việc gộp các công việc vốn thuộc nhiều bộ phận khác nhau vào một nhiệm vụ duy nhất, có thể được thực hiện bởi một người hoặc thậm chí không cần người.
Tại Daydream, ngay cả các quản lý sản phẩm không có kỹ năng kỹ thuật cao cũng có thể sử dụng các trợ lý mã hóa AI để tự xây dựng nguyên mẫu sản phẩm, thay vì phải đợi nhà thiết kế hoặc kỹ sư. Đồng sáng lập công ty Daydream - ông Dan Cary giải thích: “Điều này loại bỏ rào cản kỹ thuật trong sáng tạo và đẩy nhanh tiến độ công việc hơn”.
Thay vì thử nghiệm từng ý tưởng như các công ty truyền thống, Daydream thường thử nghiệm đồng thời 15 đến 20 ý tưởng. Cary nhấn mạnh: “Các công cụ AI cực kỳ hiệu quả trong việc giúp chúng tôi nhanh chóng phát hiện sai lầm và tìm ra giải pháp đúng”.
Sự phát triển của các “AI agent” - công cụ có khả năng xử lý các nhiệm vụ đa bước - càng làm tăng hiệu quả của các công ty AI-native. Trong khi một chatbot AI thông thường chỉ có thể soạn thảo email cho khách hàng, một AI agent có thể gửi email, ghi lại phản hồi, và thậm chí lên lịch cuộc gọi dịch vụ nếu cần.
Tại Sailplane, một công ty khởi nghiệp đang phát triển các AI agent cho kỹ sư AI, lịch làm việc của đồng sáng lập kiêm CEO Sam Ramji được quản lý hoàn toàn bởi một AI agent, mô phỏng phong cách và giọng điệu của một trợ lý chuyên nghiệp. Ramji cho biết, Sailplane dự định xây dựng các agent cho bất kỳ lĩnh vực nào mà các giải pháp AI sẵn có chưa đáp ứng được. Hiện công ty chỉ có sáu nhân viên và đặt mục tiêu kết thúc năm với không quá 10 người.
Các công ty AI-native có cơ hội giữ cơ cấu tổ chức gọn nhẹ và linh hoạt hơn, ngay cả so với các startup thông thường. Dù nhân viên tại các startup giai đoạn đầu thường đảm nhận nhiều vai trò, nhưng AI có thể giúp mở rộng khả năng của mỗi người. Ví dụ, các quản lý sản phẩm tại Daydream giờ đây có thể tự tạo nguyên mẫu nhờ công cụ AI.
Ông Spataro từ Microsoft nhận thấy, các công ty AI-native thường tuyển dụng nhiều nhân sự đa năng (generalists). Khi các công cụ AI có thể xử lý các nhiệm vụ chuyên biệt vốn dành cho chuyên gia, việc hiểu toàn bộ quy trình kinh doanh từ đầu đến cuối trở nên giá trị hơn.
Tuy nhiên, làm việc tại một công ty AI-native đòi hỏi ít nhất một kỹ năng đặc biệt: sử dụng AI thành thạo.
Shortwave, một công ty khởi nghiệp phát triển công cụ quản lý email bằng AI, đã giảm đội ngũ từ 15 xuống 6 nhân viên sau khi chia tay những người không sử dụng AI hiệu quả, theo lời nhà sáng lập kiêm CEO Andrew Lee. Lee tin vào tốc độ thực hiện để duy trì lợi thế cạnh tranh, dựa vào các AI agent thay vì các tầng quản lý trung gian.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cần tối ưu hóa đội ngũ với số ít người có khả năng đa chức năng để có tốc độ làm việc cực nhanh. Lợi thế cạnh tranh của chúng tôi sẽ là tốc độ”.