"Ô tô động cơ xăng, dầu sẽ bị xóa sổ vào năm 2042"
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, xu thế sử dụng ô tô đang dần thay đổi và các loại động cơ dùng xăng, dầu sẽ bị loại bỏ hoàn toàn sau khoảng 20 năm nữa.
"Xe hơi động cơ xăng, dầu sẽ xóa sổ vào năm 2042. Thay vào đó là các nguồn năng lượng khác thân thiện với môi trường. Nền công nghiệp ô tô thế giới sẽ phát triển theo 5 xu hướng chính: công nghệ vật liệu mới, công nghệ xe điện, công nghệ xe tự lái, công nghệ sản xuất thông minh và liên tục đổi mới".
Đó là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Mai (Cố vấn công nghệ, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải) đưa ra tại Hội thảo "Công nghệ mới trên các dòng ô tô hiện đại", do Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức tại Cần Thơ, ngày 9/1.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, xu hướng di chuyển bằng phương tiện ô tô ngày càng phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Hiện toàn cầu có khoảng 1,7 tỷ xe ô tô; trung bình 3,8 người có 1 xe ô tô. Bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận của loại phương tiện này, thì tốc độ gia tăng chóng mặt của nó cũng kéo theo những hệ lụy. Trong đó, nặng nề nhất chính là ô nhiễm môi trường từ khí thải của động cơ xăng, dầu; rác thải từ các xe phế liệu; tai nạn giao thông nghiêm trọng; kẹt đường... Chính điều đó thúc đẩy các nhà nghiên cứu, các tập đoàn ô tô tìm kiếm những giải pháp cải tiến công nghệ, tự động hóa, nguyên liệu điện mặt trời...
Về xu hướng công nghệ vật liệu mới trong sản xuất vỏ xe ô tô, thay vì sử dụng hoàn toàn bằng thép, các nhà sản xuất hiện đang dịch chuyển sang sử dụng vật liệu nhôm, magie, composite và nhựa kỹ thuật mang lại hiệu suất cao.
Để phù hợp với các vật liệu này, các kỹ thuật sản xuất mới thông minh cũng đang được áp dụng và cải tiến liên tục để phù hợp với tốc tộ phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Đó là công nghệ in 3D, cho phép sản xuất các bộ phận có kích thước phức tạp, cũng như dễ dàng thay đổi mẫu mã một cách nhanh chóng nhất.
Về xu hướng phát triển của dòng xe ô tô điện, nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, cho rằng xe điện là hướng phát triển tất yếu trong tương lai gần, do những ưu điểm thân thiện với môi trường, chi phí chỉ bằng 10% so với xe truyền thống. Dự báo đến năm 2030, xe ô tô điện sẽ chiếm 30% doanh số bán ô tô mới.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của dòng xe điện chính là vấn đề lưu trữ pin nhiên liệu hydrogen và thời gian sạc điện cho ắc quy. Giải pháp tạo những trạm sạc năng lượng nhanh trên dọc các tuyến đường, các điện lưới sạc điện cảm ứng không dây, hay hoán đổi ắc quy... sẽ là những lựa chọn hàng đầu trong tương lai. Điều này góp phần gia tăng thời gian sử dụng năng lượng sạch cho động cơ xe, giảm giá thành pin từ 48% tổng giá trị xe xuống chỉ còn khoảng 18%.
Về công nghệ tự động trên các dòng xe mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Văn Tuấn - Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh - cho biết, các dòng xe tự lái, xe tự động kết hợp điều khiển bằng điện thoại thông minh đang ngày càng định hình và phổ biến. Xe tự lái hoạt động dựa trên các thuật toán, đảm bảo cho xe tự vận hành với vận tốc thích hợp và chạy đúng phần đường của mình một cách an toàn cho cả người trong xe và những phương tiện cùng tham gia giao thông bên cạnh.
Do đó, các hệ thống camera, rada, cảm biến... được lắp trên xe sẽ vận hành đồng bộ, đưa thông tin về bộ xử lý trung tâm để cho ra các quyết định đối với những tình huống cụ thể và liên tục trong suốt hành trình. Dự kiến đến năm 2035, xe ô tô tự lái sẽ đạt cấp độ 5 nhờ sự gia tăng bộ nhớ cũng như tốc độ của máy tính. Xe sẽ trở thành thực thể cảm nhận được môi trường xung quanh. Ở cấp độ này, xe tự lái có thể giúp giảm hơn 90% các vụ tai nạn giao thông. Hiện nay, chúng ta đang có xe tự lái ở cấp độ 2: giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước, thay đổi làn và tự đỗ xe.
Thiên Thanh (T/h)