Pháp thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo

18:15, 25/03/2024

Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ mang tính chiến lược, dẫn đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ, tối ưu hóa và nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống. Do đó, AI trở thành lĩnh vực nóng được các quốc gia quan tâm và cạnh tranh phát triển. Là thành viên trụ cột của Liên minh châu Âu (EU), Pháp có nền tảng nghiên cứu về AI vững chắc qua đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực này. Bài báo sẽ trình bày quá trình phát triển và các giải pháp thúc đẩy phát triển AI của Pháp.

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN AI Ở PHÁP

Từ những năm 1970 và 1980, Pháp đã thành lập một số nhóm nghiên cứu cơ bản về thuật toán và hỗ trợ ra quyết định liên quan đến AI. Nhờ có lợi thế vượt trội về toán học và khoa học thông tin, Pháp đã quy tụ được nhiều nhân tài, các tổ chức và nhóm nghiên cứu về AI. Điều này đã thúc đẩy sự tiến bộ của công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh doanh liên quan đến AI.

Thành tựu nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực toán học và AI

Từ nền tảng nghiên cứu toán học và khoa học thông tin, nhiều nhà khoa học Pháp đã đạt được thành tựu trong nghiên cứu cơ bản lĩnh vực AI, như mạng nơ-ron tích chập (Convolutional Neural Network). Thuật toán này được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như thị giác máy tính, nhận dạng giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS) dẫn đầu về phát triển tế bào thần kinh nano nhân tạo có độ ổn định cao, có thể nhận biết các âm sắc khác nhau và xử lý nhanh chóng dữ liệu lớn theo thời gian thực, mở đường cho việc sản xuất các vi mạch tiết kiệm năng lượng hơn [1].

Lực lượng nghiên cứu AI đông đảo

Môi trường đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao của Pháp đã tạo điều kiện cho việc quy tụ các nhân tài AI. Theo thống kê của Bộ Kinh tế, Tài chính, Chủ quyền Công nghiệp và kỹ thuật số Pháp, tính đến năm 2021 Pháp có 81 cơ sở nghiên cứu liên kết cao cấp, đa ngành về AI, đứng đầu châu Âu. Trong số đó, CNRS là một trong những tổ chức nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng nhất ở Pháp và thậm chí cả châu Âu, đồng thời cũng là nơi có lực lượng nghiên cứu hàng đầu về AI.

Làn sóng đổi mới và khởi nghiệp trong lĩnh vực AI

Các công ty khởi nghiệp Pháp trong lĩnh vực AI duy trì xu hướng tăng trưởng, qua đó thúc đẩy ứng dụng công nghệ AI. Để khuyến khích đổi mới công nghệ và khởi nghiệp, Chính phủ Pháp đã đưa ra các chương trình hỗ trợ dài hạn như “La French Tech” nhằm tạo môi trường chính sách thuận lợi cho đổi mới và khởi nghiệp, qua đó thúc đẩy ươm tạo các công ty khởi nghiệp AI. Tính đến năm 2021, có 502 công ty khởi nghiệp về AI ở Pháp, tăng 11% so với năm 2020. Các thị trường ứng dụng chính như lái xe tự động, tài chính, robot, máy bay không người lái và in 3D.

Với năng lực đổi mới công nghệ mạnh mẽ, các công ty nội địa Pháp đã thu hút được nhiều công ty công nghệ quốc tế đến hợp tác đầu tư. Một số dự án đào tạo ngôn ngữ tự nhiên dựa trên tiếng Pháp hấp dẫn các hãng công nghệ hàng đầu như Google và Facebook, công ty học máy Moodstocks, công ty robot Aldebaran Robotics và một số công ty hàng đầu khác của Pháp đã được Google và SoftBank (công ty Internet và viễn thông đa quốc gia) của Nhật Bản đầu tư, qua đó huy động được nguồn lực toàn cầu tới Pháp.

CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN AI CỦA PHÁP

Triển khai các chiến lược về AI

Chính phủ Pháp có kế hoạch phát triển AI một cách hệ thống. Tháng 3/2017, Pháp ban hành “Chiến lược AI của Pháp” [5], nêu rõ Chính phủ Pháp nên phát triển công nghệ AI từ góc độ chiến lược, tích hợp các nguồn lực khoa học công nghệ trong lĩnh vực AI và đảm bảo rằng Pháp sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu về AI ở châu Âu. Chiến lược tích hợp AI vào các chiến lược và sáng kiến đổi mới hiện có; đề xuất hơn 50 biện pháp chính sách để thúc đẩy phát triển AI, tập trung vào nghiên cứu và phát triển, công nghệ, đào tạo nhân tài, chuyển đổi ứng dụng, đạo đức và an toàn,...

Tháng 11/2018, Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Pháp đã ban hành “Chiến lược nghiên cứu và phát triển AI quốc gia”, để thúc đẩy xây dựng mạng lưới AI liên ngành, tăng cường giáo dục và đào tạo, đầu tư vào sức mạnh tính toán cho nghiên cứu,... Tháng 11/2019, Bộ Quốc phòng Pháp đã ban hành “Lộ trình ứng dụng AI vào Quốc phòng”, trong đó nêu 5 khía cạnh chính: yêu cầu phần cứng dữ liệu; chiến lược nghiên cứu (R&D) đổi mới; khuôn khổ đạo đức và pháp lý; cơ chế tổ chức và nhiệm vụ trọng tâm; hợp tác quốc tế.

Tháng 11/2021, Pháp công bố “Chiến lược phát triển AI quốc gia giai đoạn hai 2021-2025” [6], trong đó làm rõ các nhiệm vụ cốt lõi và các biện pháp chính để phát triển AI trong các năm tới. So với chiến lược phát triển giai đoạn đầu, chiến lược giai đoạn hai tăng cường đầu tư tài chính (2,22 tỷ Euro từ năm 2021 đến năm 2025), chuyển trọng tâm từ phát triển cơ bản sang đào tạo nhân tài cũng như tích hợp và ứng dụng công nghệ thông minh vào nền kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành về AI

Pháp tích cực thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, tập trung vào ba vấn đề chính là: “giáo dục và đào tạo, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng”. Trung tâm nghiên cứu liên ngành AI được điều phối bởi Viện Nghiên cứu Khoa học máy tính và Tự động hóa quốc gia (INRIA), đồng thời được các cơ quan chính phủ, tổ chức nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp đồng tài trợ. Việc tập hợp các doanh nghiệp và đội ngũ nghiên cứu chuyên gia hàng đầu có lợi cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới AI.

Chú trọng đào tạo nhân tài

Pháp rất coi trọng việc bồi dưỡng nguồn nhân lực về AI. Năm 2021, Chính phủ Pháp đã đầu tư 781 triệu Euro để triển khai hai kế hoạch đào tạo nhân tài AI kéo dài 5 năm, bao gồm “Kế hoạch đào tạo nhân tài về AI” và “Kế hoạch đào tạo quy mô lớn về AI”. Một mặt, mở rộng các môn học, ngoài các môn cơ bản như toán, khoa học máy tính; phát triển các khóa đào tạo đa ngành về AI, robot và kỹ năng dữ liệu; tăng cường giáo dục liên ngành như AI và an ninh mạng, AI và khoa học đời sống, AI và điện toán đám mây. Mặt khác, xây dựng chương trình đào tạo dành cho những người không chuyên (bên cạnh hệ thống học thuật chuyên nghiệp) để tăng nguồn nhân lực cho phát triển AI. Bên cạnh đó, Pháp thành lập 210 trường kỹ thuật, xây dựng mới các chuyên ngành đào tạo AI trong các trường cao đẳng và đại học này.

Tăng cường ứng dụng AI trong các lĩnh vực trọng điểm

Trong khuôn khổ “Kế hoạch đầu tư tương lai”, Pháp tăng nguồn tài trợ cho các dự án liên quan đến AI. Từ năm 2018, PIA đã tài trợ cho 10 dự án liên quan đến AI, bao gồm các dự án ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế, xe tự hành,… Năm 2020, Ngân hàng Đầu tư quốc gia Pháp (Bpifrance) triển khai chương trình tài trợ “Thách thức AI” (Challenge AI) dành cho các công ty khởi nghiệp AI, tập trung vào bốn lĩnh vực chính là y tế, giao thông, môi trường và an ninh quốc phòng. Đồng thời, Pháp triển khai nhiều dự án về nhóm dữ liệu trong các lĩnh vực nông nghiệp (AgDataHub), hậu cần (IACargo), xử lý giọng nói tự động (VoiceLab), thiết lập nền tảng AI chung (Aleia).

Trong các lĩnh vực ứng dụng AI, Pháp ưu tiên lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng. Năm 2019, Chính phủ Pháp đã thành lập Trung tâm Dữ liệu Y tế, được kết nối với Hệ thống Dữ liệu Y tế quốc gia (SNDS) để tích hợp và lưu trữ dữ liệu sức khỏe của công dân.

Chú ý đến vấn đề rủi ro và đạo đức trong ứng dụng AI

Pháp rất coi trọng các vấn đề đạo đức và an toàn do ứng dụng AI mang lại. Ủy ban Quốc gia về thông tin và quyền tự do của Pháp (CNIL), với tư cách là cơ quan quản lý dữ liệu của quốc gia này, đã ban hành một số quy định và hướng dẫn bảo mật. Về mặt an toàn thuật toán, công bố báo cáo “Rủi ro đạo đức về AI và thuật toán” [7], trong đó phân tích cụ thể một loạt các vấn đề đạo đức có thể do thuật toán AI gây ra và đề xuất các biện pháp quản trị. Về mặt bảo mật hệ thống, ban hành “Tự đánh giá hệ thống AI” và “Hướng dẫn bảo mật hệ thống AI”, cung cấp cho các tổ chức chuyên ngành và chuyên gia các kiến thức, công cụ lý thuyết và hướng dẫn triển khai về bảo mật AI, đồng thời đưa ra các khuyến nghị vận hành nhằm tăng cường bảo mật của hệ thống AI. CNIL cũng ban hành hướng dẫn để các tổ chức chuyên ngành tự đánh giá mức độ trưởng thành của hệ thống AI dựa trên các quy định dữ liệu của EU.

Ngoài CNIL, Chính phủ Pháp cũng đã tích cực hợp tác với khu vực tư nhân để ban hành các văn bản hướng dẫn phát triển AI lành mạnh. Tháng 9/2019, Liên minh Công nghiệp Kỹ thuật số Pháp (AFNUM) phối hợp với các cơ quan chính phủ và các tổ chức nghiên cứu ban hành “Hướng dẫn thực hành về đạo đức AI” để hướng dẫn các công ty phát triển hệ thống AI đáng tin cậy. Ngoài ra, Pháp cũng đã thành lập Ủy ban đạo đức quốc gia để giám sát sự phát triển AI trong lĩnh vực quân sự.

Tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên EU

Khi tham gia Dự án HBP (Human Brain Project) của EU, Pháp đã nhận được 1 tỷ Euro hỗ trợ để tăng cường nghiên cứu về lý thuyết mạng nơ-ron, khoa học nhận thức và đạo đức. Năm 2018 Pháp cũng hợp tác với 24 quốc gia châu Âu khác cùng ký “Tuyên bố hợp tác AI” [4] để giải quyết các thách thức của AI đối với kinh tế, xã hội và đạo đức, cải thiện trình độ nghiên cứu và phát triển chung của châu Âu về lĩnh vực AI.

KẾT LUẬN

Các quốc gia trên thế giới đang tìm cách phát triển và khẳng định mình là trung tâm AI, do đó công nghệ AI có tầm quan trọng chiến lược đối với các chính phủ trên toàn cầu. Với lợi thế nền tảng khoa học kỹ thuật, Pháp đã tăng cường đầu tư, nghiên cứu cơ bản, thúc đẩy ứng dụng và chuyển đổi công nghệ lĩnh vực AI. Qua đó đạt được nhiều kết quả nổi bật, tác động chuyển đổi to lớn trong mọi mặt đời sống xã hội, từ kinh tế, giáo dục, y tế đến cả quân sự và chính trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. https://www.secrss.com/articles/59182.

[2]. https://business.linkedin.com/content/dam/me/business/zh-cn/talent-solutions/Event/july/lts-ai-report/领英《全球AI领域人才报告.pdf.

[3]. https://www.inp.cnrs.fr/sites/institut_inp/files/download-file/INP_LIVRET%20GDR_2021_vENG.pdf.

 [4]. https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/news/eu-member-states-sign-cooperate-artificial-intelligence.

[5]. https://www.aiforhumanity.fr/en/.

[6].https://www.gouvernement.fr/sites/default/files/contenu/piece-jointe/2021/11/08112021_dp_ strategie_nationale_pour_ia_2eme_phase.pdf.

[7]. https://www.cnil.fr/sites/cnil/files/atoms/files/cnil_rapport_ai_gb_web.pdf.

[8]. https://www.dataversity.net/ai-for-humanity-french-industry-engages-on-artificial-intelligence/

Theo Tạp chí An toàn thông tin

https://antoanthongtin.vn/chinh-sach---chien-luoc/phap-thuc-day-phat-trien-tri-tue-nhan-tao-109892