Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân

09:50, 03/01/2025

Ngày 2/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì hội nghị phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết hiện nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về điện hạt nhân của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là các nhà khoa học, kỹ thuật đầu đàn. Hiện số nhân lực về điện hạt nhân làm việc chủ yếu trong các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, một số trường đại học, Viện nghiên cứu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bên cạnh đó, số lượng giảng viên đào tạo lĩnh vực hạt nhân còn ít; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy thiếu và lạc hậu, nên hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực chuyên ngành hạt nhân còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Báo cáo cũng lưu ý, ngoài nhân lực có chuyên môn trực tiếp liên quan đến điện hạt nhân (như công nghệ hạt nhân, công nghệ lò phản ứng…) thì một lực lượng đáng kể (chiếm hơn 50%) nhân lực phục vụ cho dự án nhà máy điện hạt nhân thuộc các ngành, lĩnh vực khác, như: cơ khí, hóa chất, vật liệu, điện, điện tử, điều khiển tự động, môi trường… Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước có liên quan chưa có kinh nghiệm cũng như sự quan tâm đến đào tạo nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân.

Theo báo cáo của EVN, giai đoạn đến năm 2017 (trước khi dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử tổng cộng 429 sinh viên học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân, tại các trường đại học của Liên bang Nga.

EVN đã cử tổng cộng 31 sinh viên học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân; cử 24 kỹ sư đào tạo cán bộ khung tại Nhật Bản; đã làm việc với đối tác xây dựng kế hoạch đào tạo cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Đến nay, chỉ một số ít trong số nhân lực trên đang làm việc tại EVN, còn phần đông làm việc ở nước ngoài hoặc chuyển sang các ngành khác.

Sau khi nghe báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ và 25 ý kiến phát biểu của đại diện các trường, viện, các đơn vị thuộc Bộ và lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng đánh giá: Các ý kiến đã thống nhất rất cao sự cần thiết phải chuẩn bị từ sớm, từ xa nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, khoa học kỹ thuật cho chương trình phát triển điện hạt nhân, các dự án điện hạt nhân ở Việt Nam. Nó không chỉ dừng lại ở dự án điện hạt nhân mà là hệ sinh thái của điện hạt nhân và công nghệ điện hạt nhân trong tương lai.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN) 

Bộ trưởng khẳng định, điện hạt nhân cần có đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, kỹ thuật rất lớn, đào tạo cơ bản và phải theo từng loại hình công nghệ, cho nên đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề then chốt, quyết định để chúng ta thực hiện chủ trương lớn này.

“Muốn phát triển điện hạt nhân an toàn, bền vững thì nguồn nhân lực phải có trình độ, tiếp thu vận hành được các dự án cụ thể. Đồng thời, phải đủ khả năng để nhận chuyển giao về công nghệ tiến tới làm chủ công nghệ trong tương lai”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị phải đánh giá khả năng thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân và hệ sinh thái năng lượng hạt nhân tại Việt Nam của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở trong và ngoài ngành Công Thương. Ông cũng đề nghị các cơ sở này cần đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được giao chỉ tiêu đào tạo phát triển nguồn nhân lực thông qua các cơ sở đào tạo nghiên cứu của mình và phải làm xong trong quý 2/2025…

 “Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa ra chương trình đào tạo chuẩn cho đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.

Ngoài ra, Bộ trưởng thống nhất việc kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo và thông qua Quy hoạch điện VIII sửa đổi, trong đó có quy hoạch về điện hạt nhân; kiến nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành cơ chế chính sách phù hợp, đủ mạnh, khả thi cho việc phát triển điện hạt nhân, đào tạo nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực, chế độ chính sách cho người lao động trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và năng lượng nguyên tử.

Cùng đó, Bộ sẽ kiến nghị cho chủ trương đàm phán, ký kết hợp tác với các đối tác phát triển để hỗ trợ đào tạo và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; trong giai đoạn đầu cần có sự lồng ghép, đào tạo phát triển nguồn nhân lực vào từng dự án cụ thể; làm tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội.