Quá nhiều trẻ tử vong trên đường do sự bất cẩn của người lớn
Riêng TP.HCM, mỗi năm, tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng khoảng 200 trẻ trong độ tuổi 1-14
Việt Nam: 7.300 trẻ chết/năm do tai nạn thương tích
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 830.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong vòng 6 năm (2005 - 2010), mỗi năm có hơn 7.300 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, bình quân khoảng 20 em/ngày. Riêng TP.HCM, mỗi năm, tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng khoảng 200 trẻ trong độ tuổi 1-14. Đáng báo động là số ca chết do tai nạn này năm sau thường cao hơn năm trước. Địa điểm xảy ra tai nạn chủ yếu tại nhà, trên đường đi, ở trường học,…
Chi phí cho việc điều trị, phục hồi chức năng, tử vong và mất khả năng lao động ở Việt Nam rơi vào khoảng 30 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó riêng cho trẻ em ước tính khoảng 11.000 tỷ đồng/năm.
Chở con đi học va vào xe buýt, con bị xe buýt cán chết
Khoảng 6h15 phút sáng nay (6/3/2014), chị Nguyễn Thị Lệ Thu (ngụ phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) chở 2 con trai từ quận Tân Phú đến trường học ở quận Bình Thạnh bằng xe máy mang BKS: 59D1 – 215.33. Khi đến ngã 4 Phan Đăng Lưu – Phan Xích Long, do va chạm với xe buýt tuyến số 55 mang BKS: 53N – 4204 làm cả ba mẹ con chị ngã xuống đường. Cháu Trác không may bị bánh xe buýt cán trúng và tử vong tại chỗ, chị Thu và người con kia may mắn chỉ bị thương nhẹ.
Chiếc xe buýt cán qua người em học sinh ngày 6/3/2014.
Chứng kiến cảnh con mình chết thảm, người mẹ vô cùng hoảng loạn. Trong nỗi đau đớn, chị ôm con kêu gào thảm thiết giữa ngã tư, khiến bao người đi đường không cầm được nước mắt.
Sau khi gây tai nạn, tài xế xe buýt tên Phượng đã rời khỏi hiện trường. Cảnh sát giao thông quận Phú Nhuận kịp thời có mặt để giải quyết vụ việc. Sự cố đã gây tắc đường nghiêm trọng trong hơn 2 tiếng đồng hồ.
Trong khi dư luận còn chưa hết bức xúc về những vấn đề liên quan đến xe buýt, trong đó nhấn mạnh đến tình trạng chạy ẩu loại phương tiện công cộng này, một lần nữa lại dóng lên hồi chuông cảnh báo cho những người tham gia giao thông.
Dắt cháu nội đến trường, vừa buông tay, cháu đã bị xe cán chết
Chiều ngày 1/11/2013, nhiều người bàng hoàng chứng kiến một học sinh lớp 1 chết thảm trong một vụ tai nạn thương tâm xảy ra trước cổng Trường Tiểu học Cây Da, đường Hồ Văn Tắng (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM). Nạn nhân là em Nguyễn Sơn Tùng 7 tuổi, học sinh lớp 1 của trường.
Đưa cháu nội đến cổng trường, chưa kịp quay về, ông Nguyễn Văn Chuông (66 tuổi) đã chứng kiến cháu mình chết tức tưởi dưới bánh xe tải.
Vừa rời tay ông nội và bước vào cổng được vài bước, từ bên trong trường, 1 chiếc xe buýt đưa rước học sinh phóng ra. Hoảng quá, cháu Tùng quay ngược lại, chạy nhanh ra phía đường Hồ Văn Tắng. Lúc này, xe tải BKS 54L-6424 đang chạy trên đường Hồ Văn Tắng hướng từ Tỉnh lộ 15 đi Quốc lộ 22 lao tới không phanh kịp, cán qua người khiến Tùng tử vong tại chỗ.
Ngồi bên thi thể cháu nội, ông Chuông nước mắt tuôn dài, nghẹn ngào cho biết: “Thấy cháu chạy ra đường nhưng chân tôi bị đau, không chạy theo kéo lại kịp. Nào ngờ, vừa rời tay ông, cháu đã bị xe tải cán chết”.
Còi xe quá to, bé giật mình ngã và bị xe bồn cán chết
Một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra vào lúc 9h ngày 14/6/2010 tại đường Kha Vạn Cân (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM).
Vào thời điểm trên, chị Lê Thị Loan (31 tuổi, ngụ phường Bình Chiểu, Thủ Đức) chạy xe Attila 52X1-3392 chở con gái Đinh Phương Vy (2 tuổi) ngồi phía trước bằng chiếc ghế nhựa, lưu thông từ hướng chợ Thủ Đức về Linh Xuân. Cùng lúc này, chiếc xe bồn chở oxy y tế thuộc Công ty Hơi kỹ nghệ - Que hàn (Sovigaz) mang BK: 57L-0967 do tài xế Nguyễn Văn Tuân (24 tuổi, ngụ Nam Định) điều khiển lưu thông cùng chiều đã bấm còi xin đường để vượt lên.
Tiếng còi xe quá to khiến bé Vy giật mình ngã về phía trước. Chị Loan vội buông 1 tay giữ lấy con, theo phản xạ tay còn lại của chị bóp chặt thắng. Cú thắng gấp khiến chị Loan và chiếc xe ngã vào lề đường. Riêng bé Vy văng ra phía ngoài, bị bánh chiếc xe bồn cán ngang người, tử vong tại chỗ.
Thấy con bị xe cán ngang, chị Loan như điên như dại lao vào ghì chặt con khóc thảm thiết. Hàng trăm người tham gia giao thông trên đường không thể kìm lòng được trước cảnh tượng thảm thương. Dù được nhiều người can ngăn nhưng chị Loan vẫn ôm chặt xác con, máu bé Vy thẫm đẫm người chị.
Ngay sau đó, chồng chị Loan và bà nội bé Vy cũng có mặt. Lúc này chị Loan đã ngất lịm, trên tay là thi thể không còn nguyên vẹn của con gái. Các nhân viên chở xác có mặt ở hiện trường không thể lấy đứa bé khỏi tay người mẹ trẻ. Cuối cùng các nhân viên này phải đưa cả hai mẹ con về bệnh viện.
Người mẹ trẻ ghì chặt xác con gái trong lòng
Trẻ dễ gặp nạn vì bố mẹ đèo con hớ hênh
Trong những tình huống trẻ có thể gặp nạn, tai nạn trong khi tham giao thông dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của các bé nhất.
Anh T. Long (Q.3, TP.HCM) là một ví dụ điển hình. Anh nổi tiếng ở cả dãy chung cư (anh ở) vì có chiêu một tay lái xe, một tay bế con 11 tháng tuổi phóng xe trên đường.
Ai nói, ai khuyên gì anh cũng cười, gạt đi và bỏ ngoài tai: “Có gì mà phải lo lắng chứ, quan trọng là tay lái có nghề. Cứng tay mới làm được như thế, đeo địu vào vướng víu, quê lắm". Thế là khi nào thấy anh ôm con chạy xe, mọi người lại được một phen thót tim vì chỉ sợ thằng bé gặp nạn.
Không như anh Long, sau một bận tai nạn xảy ra với con, chị Thủy (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) đã hoàn toàn “tỉnh ngộ”, luôn nhắc mình cẩn thận trong mọi hành động để giữ an toàn tuyệt đối cho con.
Đó là một lần chị Thủy đến đón con (tên gọi ở nhà là bé Bu) 2 tuổi ở trường. Cứ nghĩ đoạn đường từ trường về nhà có một đoạn ngắn, nên ngày nào chị cũng để Bu ngồi ở đằng sau và dặn con phải ôm chặt lấy mẹ, thi thoảng chị cẩn thận luồn tay ra sau để giữ con. Đang trên đường đèo con về nhà, chợt chiếc xe ô tô phía sau bấm còi inh ỏi, bé Bu giật mình buông tay ôm mẹ và rơi xuống đường. Hết hồn, chị vội vàng dừng xe và hô hoán mọi người gọi xe cấp cứu giúp. Chị ngất lịm trên xe cứu thương khi nhìn thấy đầu con có máu chảy thành từng dòng. Tại viện Nhi Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán bé bị tổn thương não. May mắn cho cả gia đình chị, các bác sĩ đã giúp bé qua được cơn hiểm nghèo và dần bình phục.
Trên thực tế, vẫn có rất nhiều ông bố, bà mẹ chủ quan trong quá trình đèo con tham gia giao thông. Nhiều bậc phụ huynh thản nhiên cho rằng, việc mình để con ngồi sau kèm theo lời nhắc nhở "con ngồi im"; "ôm chặt lấy mẹ"; "không được ngủ gật"... là trẻ sẽ nghe lời và không thể gặp sự cố gì.
Trẻ ngồi trên xe ô tô cũng không ngoại lệ
Như trường hợp của anh anh Thiện (Q1, TP.HCM) là một ví dụ. Thấy bạn bè của mình được bố mẹ mở cửa trên cho thò đầu ra hóng mát, bé Bảo Nhi - con gái anh, cũng đòi bố mở cửa ra cho mình. Cho rằng không ảnh hưởng gì nên anh cũng chiều con. Thế là hôm nào tối mát trời, anh lại mở cửa gió trên nóc xe ra cho con đứng tha hồ ngắm đường phố và nghịch ngợm. Một lần bé bị xước mặt khi bố lái xe vào đúng chỗ có cành cây thấp. Thấy cây lòa xòa trước mặt, bé Nhi còn thò tay ra với lấy cành cây để nghịch, hậu quả là bé còn bị chảy máu mặt và tay do bị cành cây quệt phải.
Tham gia giao thông bằng ô tô, nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ rằng ôm bé trên tay là hoàn toàn an toàn. Nhưng điều đó thực sự không hẳn đúng. Bởi chỉ cần một va chạm nhỏ xảy ra cũng có thể làm em bé bị tổn thương, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng của bé.
Chị Chiến (Q.7, TP.HCM) là một ví dụ về trường hợp này. Bé Mầm (21 tháng tuổi) cứ khi nào được lên xe ô tô là đòi bố mẹ cho ngồi đằng trước. Chị Chiến cũng chắc mẩm rằng chỉ cần ẵm bé trên tay là mọi việc an toàn.
Thế nhưng một lần, khi chị đang ôm con trên tay, bên kia là tay lái của anh Bách - chồng chị. Đang chạy, anh bỗng phanh gấp và bị lạng tay lái vì có một em bé chạy sang đường, làm xe đâm vào cột đèn, dù túi khí kịp thời bật ra nhưng bé Mun vẫn bị chấn thương nặng do bị ma sát quá mạnh từ túi khí.
Túi khí có thể cứu mạng bạn, với điều kiện phải mang dây an toàn. Khi có tai nạn, túi khí bung ra rất nhanh và mạnh để mọi người ngồi trong xe không bị theo lực quán tính va người về phía trước, đập mạnh vào kính xe. Túi khí đuợc thiết kế cho nguời lớn, nhưng đối với trẻ em (đặc biệt khi người lớn bế con đặt trước ngực) có thể gây chấn thương rất nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng bé.
Trường hợp để bé ngồi độc lập trên ghế ô tô của người lớn thì khả năng tai nạn giao thông cũng vẫn cao bởi đai an toàn chưa thích hợp với bé. Trong trường hợp này, các chuyên gia về Nhi khuyên cha mẹ nên đầu tư ghế chuyên dụng để cho bé tham gia giao thông bằng ô tô một cách an toàn.
Trên đây, chỉ là những sự bất cẩn của các bậc cha mẹ trong lúc tham gia giao thông. Đối với các bé, đặc biệt là trẻ sơ sinh và ở lứa tuổi mẫu giáo, sự bất cẩn của cha mẹ, ông bà hay người trông giữ có thể là nguồn cơn của những nguy cơ đối với các bé bất cứ lúc nào và với bất cứ nguyên nhân nào: Điện, nước, độ cao (ở chung cư chẳng hạn), vật sắc nhọn, v.v.
Thanh Trà (tổng hợp)