Quy trình về công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, khoa học
Hệ thống các quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ của TP. Hà Nội ngày càng chặt chẽ, khoa học, phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương...
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới
Về công tác cán bộ, nhiệm kỳ 2020-2025, dự thảo báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ Hà Nội khóa XVII để chuẩn bị Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ TP. Hà Nội nêu rõ, Hà Nội tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Thành ủy Hà Nội tiếp tục xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vì vậy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo".
Hệ thống các quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ tiếp tục được hoàn thiện, ngày càng chặt chẽ, khoa học, phù hợp với thực tiễn. Khắc phục cơ bản những hạn chế, tồn tại, nhất là ở những khâu khó, khâu yếu trong công tác cán bộ, như công tác đánh giá cán bộ, công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác; việc bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương...
Hà Nội tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới - Ảnh: VGP
Xác định việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài, Thành ủy đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt Quy định số 07-QĐ/TU ngày 17/11/2021 về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức với cách làm bài bản, khoa học, thận trọng, dân chủ, công khai, minh bạch, tuân thủ các quy trình, quy định về công tác cán bộ.
Việc luân chuyển, điều động cán bộ đã gắn với việc thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải người địa phương, không giữ chức vụ quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp.
Từ năm 2022 đến nay, toàn thành phố đã thực hiện luân chuyển, điều động đối với 2.580 lượt cán bộ; đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với tổng số trên 3.270 lượt cán bộ, công chức.
Trong quá trình thực hiện, Thành ủy luôn coi trọng công tác tư tưởng, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Nhờ đó mối quan hệ giữa luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ được giải quyết tốt; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị, tạo điểm nhấn và dư luận tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đến nay có 28/30 bí thư quận, huyện, thị ủy và 22/30 chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã không phải người địa phương; có 68,39% bí thư cấp ủy, 61,13% chủ tịch UBND xã phường, thị trấn không phải người địa phương; 38,88% cán bộ là phó bí thư thường trực, Phó chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương; 45,9% cán bộ là phó bí thư thường trực, Phó chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương.
Tiên phong trong đánh giá cán bộ hàng tháng
Hà Nội là địa phương đầu tiên sử dụng phần mềm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hàng tháng trong cả hệ thống chính trị của Thành phố, đảm bảo thông suốt, hiệu quả.
Công tác đánh giá cán bộ đã thực sự là tiền đề quan trọng trong các khâu của công tác cán bộ, giúp cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đi vào thực chất, lựa chọn "đúng, trúng" cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ của Thành phố tiếp tục vào nền nếp, số lượng, chất lượng quy hoạch cán bộ ngày càng được nâng lên rõ rệt, thực hiện nghiêm túc phương châm "động" và "mở", đảm bảo tiến độ, công khai, minh bạch.
Nguồn quy hoạch cán bộ ở các cấp đã đảm bảo cơ cấu 03 độ tuổi, quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở cho cấp trên, quy hoạch cấp ủy làm cơ sở cho quy hoạch chính quyền; nguồn quy hoạch cho các chức danh lãnh đạo, quản lý khá dồi dào; trình độ đào tạo, cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ có bước tiến bộ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng được coi trọng, gắn với quy hoạch, sử dụng cán bộ, đề ra nhiều giải pháp mang tính căn cơ, đột phá, thiết thực, tập trung vào nhóm đối tượng cán bộ nguồn quy hoạch các cấp, cán bộ diện Ban Thường vụ các cấp ủy quản lý để cập nhật, trang bị những kiến thức mới, kỹ năng lãnh đạo quản lý, kỹ năng xử lý tình huống, kết hợp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thực tiễn trong nước với đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài nhằm bổ sung kỹ năng hoạch định, xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, tăng cường khả năng thích ứng, hội nhập quốc tế.
Tăng cường phân cấp triển khai thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ của từng khối, gắn với đối tượng quản lý; tập trung vào các nội dung, lĩnh vực chuyên môn còn yếu, cần đáp ứng ngay yêu cầu thực tiễn như quy hoạch, đô thị, xây dựng, văn hóa, chuyển đổi số, quản lý nhân lực...
Công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử tiếp tục nghiêm túc, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch với các quy trình chặt chẽ gắn với các tiêu chí, nguyên tắc cụ thể. Triển khai thí điểm đổi mới thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng, bước đầu đạt hiệu quả.
Đánh giá về công tác cán bộ trong nhiệm kỳ 2020-2025 cho thấy, đội ngũ cán bộ có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt; chất lượng, trình độ, năng lực, phẩm chất, kỹ năng, phương pháp công tác được nâng lên, từng bước ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.

