Ra mắt ứng dụng hỗ trợ khẩn cấp trong mùa mưa bão
Mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” trên Zalo sẽ giúp người dân nhận được các cảnh báo rủi ro kịp thời, tìm hiểu kiến thức và kết nối cứu trợ trong các tình huống khẩn cấp.
Mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” công cụ hỗ trợ khẩn cấp trong mùa mưa bão.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) vừa phát hành mini app "Phòng chống thiên tai Việt Nam" trên nền tảng Zalo,.
Một trong những tính năng nổi bật nhất của mini app này là “Kết nối cứu trợ”, giúp người dân nhận được sự ứng cứu kịp thời trong các tình huống nguy cấp. Người dân có thể thông qua tính năng này để cung cấp thông tin liên lạc, gửi định vị kèm mô tả và hình ảnh để lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời. Bên cạnh đó, danh sách số điện thoại và đường dây nóng sẽ được hiển thị trên màn hình để người dân có thể liên lạc cơ quan chức năng của địa phương ngay lập tức trong tính năng “Liên lạc khẩn cấp”.
Với tính năng “Phản ánh thiên tai”, người dùng có thể gửi đến cơ quan chức năng tình trạng, nguy cơ tiềm ẩn hoặc tình hình thiên tai tại khu vực sinh sống.
Mini app “Phòng chống thiên tai” cũng giúp người dân cập nhật kiến thức qua tính năng “Tìm hiểu thiên tai”. Theo đó, mọi thông tin, hình ảnh, kỹ năng chủ động ứng phó trước, trong và sau mỗi loại hình thiên tai đều được trình bày một cách nhất quán, khoa học và dễ hiểu. Để phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, mini app bố trí các nút thông tin dành cho đồng bào dân tộc thiểu số như tiếng Dao, tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Khmer.
Trước đó, sau gần 3 năm hoạt động, trang Zalo chính thức của Ban Chỉ đạo đã thu hút hơn 311.000 người quan tâm. Trung bình mỗi năm có hơn 120 triệu tin nhắn khẩn cấp được gửi đến người dân các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, góp phần đảm bảo hệ thống thông tin xuyên suốt, chính xác đến cộng đồng.
Từ hiệu quả trên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) kỳ vọng mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” trên Zalo sẽ là công cụ mới thiết thực, giúp người dân trên cả nước được cảnh báo kịp thời các rủi ro, đồng thời kết nối cứu trợ, nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ từ địa phương.
Đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 19/22 loại hình thiên tai. Trong đó có 1 áp thấp nhiệt đới; 27 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; 148 trận dông lốc, sét, mưa đá; 211 vụ sạt lở bờ sông; 137 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển… Đặc biệt mùa hè năm nay đến sớm, gay gắt và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm. Tính đến ngày 5/7, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại kinh tế hơn 308 tỷ đồng. Cũng trong năm nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo sẽ có khoảng 12-14 cơn bão mạnh và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Từ tháng 7, số lượng bão và áp thấp nhiệt tới trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Ông Lê Minh Nhật, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Bình quân 20 năm trở lại đây, mỗi năm thiên tai làm khoảng hơn 300 người chết và mất tích, gây ra thiệt hại về kinh tế khoảng 1 - 1,5% GDP. Tính đến ngày 5/7/2023, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại kinh tế hơn 308 tỷ đồng.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, trong năm 2022, các vùng miền của cả nước đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần). Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng. Con số này cao gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021.
Theo Báo Điện tử Dân Sinh
https://baodansinh.vn/ra-mat-ung-dung-ho-tro-khan-cap-trong-mua-mua-bao-20230717104646.htm