Sân chơi bổ ích từ cuộc thi khoa học kỹ thuật

09:57, 27/12/2024

Những năm qua, Bộ GD&ĐT và các địa phương, cơ sở GD đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, tích cực tham gia các cuộc thi...

Sân chơi bổ ích

Những ngày cuối tháng 12, một số địa phương tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS và THPT cấp tỉnh nhằm lựa chọn những đề tài xuất sắc nhất tham dự cuộc thi cấp quốc gia dự kiến tổ chức tại TPHCM vào tháng 3/2025.

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 thành phố Hà Nội thu hút được số lượng lớn học sinh tham gia. Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cuộc thi tạo môi trường cho học sinh được vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, chia sẻ ý tưởng khoa học với bạn bè trong và ngoài nước, góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh trung học. Đây là sân chơi bổ ích, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện mà ngành đã đặt ra.

Học sinh tự tin tham gia cuộc thi. Ảnh: TG

Nhiều năm học liên tiếp, Trường THPT Chu Văn An là cơ sở giáo dục dẫn đầu thành phố Hà Nội về số lượng đề tài và có nhiều học sinh giành giải cao trong cuộc thi khoa học kỹ thuật. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp, nhiều năm qua, trường luôn chú trọng bồi đắp tình yêu khoa học, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh nghiên cứu khoa học.

Từ đầu năm học, nhà trường khuyến khích học sinh đăng ký đề tài, hướng dẫn các em phương pháp nghiên cứu, cử giáo viên có chuyên môn hướng dẫn thực hiện đề tài. Không chỉ là sân chơi bổ ích cho học sinh trong quá trình học tập tại trường, đây cũng là dịp chuẩn bị cho các em tác phong nghiên cứu khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp.

Được thầy, cô khích lệ, Trần Nguyên Bảo Anh - học sinh lớp 11, Trường THPT Chu Văn An và các bạn đã vận dụng kiến thức được học để đăng ký đề tài “Đánh giá năng lực số thanh thiếu niên Việt Nam”. Nhờ sự hướng dẫn của thầy, cô cùng việc ứng dụng thực tế và vận dụng kiến thức liên môn, nhóm đã hoàn thiện sản phẩm.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Hà Nam năm học 2024 - 2025 đã thành công tốt đẹp với sự tham dự của 47 dự án thuộc các nhóm ngành Khoa học xã hội và hành vi, Hóa sinh, Hóa học, Hệ thống nhúng, Kỹ thuật cơ khí, Năng lượng Vật lý, Vật lý và Thiên văn, Robot và máy thông minh, Phần mềm hệ thống.

Ông Nguyễn Quang Long - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam cho biết, các dự án dự thi năm nay thể hiện sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, có chiều sâu ở các lĩnh vực. Nhiều dự án được đầu tư công phu về thời gian, trí tuệ, vận dụng kiến thức liên môn.

Các đề tài hướng tới giải quyết những vấn đề xã hội, thực tiễn cuộc sống đặt ra như: Thân thiện với môi trường, lan tỏa tinh thần sống xanh, thực hiện mục tiêu “Net Zero”, phòng ngừa bạo lực học đường; cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, thiết bị cảnh báo sạt lở đất, hỗ trợ người khuyết tật…

san-choi-bo-ich-tu-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-2.jpgHọc sinh Hà Nội tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh trung học. Ảnh: TG

Khắc phục hạn chế

Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được thực hiện theo quy chế mới của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2024, thay thế quy chế cũ ban hành năm 2012. Quy chế mới có một số thay đổi quan trọng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo ra sân chơi khoa học bổ ích, thiết thực cho học sinh.

Ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) đánh giá, qua hơn 10 năm tổ chức cho thấy, cuộc thi đã tạo ra sân chơi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật bổ ích, giúp các em từng bước được thực hành, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức đã học vào giải quyết một đề tài khoa học cụ thể, rèn luyện, phát triển tư duy khoa học, năng lực, kỹ năng thuyết trình, phản biện, làm việc nhóm…

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, thời gian qua, việc tổ chức cuộc thi đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Có thể kể đến việc nhiều nhà trường chạy theo “bệnh thành tích”, làm mất đi ý nghĩa của cuộc thi khi tăng tính phức tạp của đề tài, dự án. Với trình độ, kiến thức được học ở bậc phổ thông, học sinh khó để thực hiện được những nội dung nghiên cứu này.

Dư luận không phải không có lý khi đặt câu hỏi về tình trạng sao chép từ các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ; tình trạng thầy cô làm thay học trò… rồi mang “sản phẩm nghiên cứu” đi dự thi. Tất cả việc này khiến cuộc thi trở thành cuộc đua thành tích, không mang lại hiệu quả.

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, quy chế cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã thay đổi về mục đích, yêu cầu, quy trình tổ chức.

Cuộc thi “khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, kỹ thuật” thay vì “khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật”, đồng thời bỏ nội dung “khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, nghiên cứu, tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học” để tránh tình trạng can thiệp, làm thay.

Về yêu cầu của cuộc thi, quy chế mới nhấn mạnh yếu tố phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, năng lực, sở trường của học sinh, tinh thần tự nguyện, sự trung thực, nghiêm túc khi bổ sung nội dung: “Nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh”.

Đặc biệt, nếu quy chế cũ cho phép giáo viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu, nhà khoa học tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, quy chế mới nêu rõ, cơ sở giáo dục cử giáo viên, nhân viên hướng dẫn học sinh, đồng thời tổ chức đánh giá, lựa chọn dự án của học sinh để gửi đơn vị dự thi...

Như vậy, chỉ có giáo viên, nhân viên của cơ sở giáo dục được phép hướng dẫn học sinh. Điều này sẽ chấm dứt việc nhiều giảng viên đại học, nhà khoa học tham gia hướng dẫn học sinh triển khai dự án như trước đây dễ dẫn tới tình trạng nhà khoa học cho học sinh “mượn” đề tài, kết quả nghiên cứu của mình hoặc nghiên cứu những đề tài vượt quá khả năng của học sinh.

Nhiều năm đồng hành với các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, quy chế mới của Bộ GD&ĐT sẽ giúp cuộc thi khoa học kỹ thuật trở lên hấp dẫn, thực chất hơn. Kiên trì triển khai cuộc thi khoa học kỹ thuật đã giúp học sinh làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng học tập. Đây cũng là cơ hội để các em vận dụng những kiến thức đã học vào thực hiện ý tưởng khoa học.