Sau G7, NATO kêu gọi chính sách cứng rắn đối phó Trung Quốc
Tổng thư ký NATO cho rằng các nhà lãnh đạo của liên minh nên xây dựng chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: AFP).
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CBC của Canada ngày 13/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng Trung Quốc hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và đang đầu tư ồ ạt vào các loại vũ khí quân sự mới. Ông Stoltenberg cho rằng điều này "ảnh hưởng đến an ninh" của NATO.
"Trung Quốc không có chung các giá trị với chúng ta", ông Stoltenberg nói, đề cập tới các vấn đề tại Hong Kong, Tân Cương…
"Tất cả những điều đó khiến NATO cần phải có một chính sách, củng cố chính sách của chúng ta, khi đối phó với Trung Quốc", ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Phát biểu của Tổng thư ký NATO được đưa ra khi hội nghị thượng đỉnh G7 vừa kết thúc ở Anh với một lập trường tập thể mạnh mẽ hơn nhằm vào Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng các quyền tự do cơ bản và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Stoltenberg thừa nhận rằng, điều quan trọng là các quốc gia khác phải đối phó với Trung Quốc trong các vấn đề chung như biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí.
Tổng thư ký NATO cũng chỉ trích việc Bắc Kinh tiếp tục giam giữ 2 công dân Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, với cáo buộc gián điệp là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Canada cáo buộc việc Trung Quốc giam giữ 2 công dân trên là "tùy tiện", coi đó là hành động trả đũa đối với việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei theo yêu cầu của Mỹ.
"Khi một quốc gia làm điều mà họ không thích, họ sẽ phản ứng theo những cách hung hăng", ông Stoltenberg nói về Trung Quốc.
Tổng thư ký NATO từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Hồi tháng 4, ông Stoltenberg cảnh báo NATO "phải tỉnh táo với những thách thức tạo ra do sự trỗi dậy của Trung Quốc". Ông lưu ý rằng, Trung Quốc đang tìm cách nâng cao năng lực quân sự để tương xứng với sức mạnh kinh tế bằng việc tăng gấp 3 chi tiêu quân sự trong vòng một thập niên qua.
"Chúng ta đã thấy những hành động ngày càng bành trướng của Trung Quốc nhằm thách thức trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc. Họ công khai đe dọa Đài Loan, đe dọa các nước láng giềng trong khu vực và cản trở tự do hàng hải ở Biển Đông", Tổng thư ký NATO nói.
Trước đó, hồi tháng 3, Tổng thư ký NATO cũng kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cải thiện quan hệ nhằm ngăn động thái của Trung Quốc mà ông cáo buộc là "bắt nạt các nước khắp thế giới".
Tổng thư ký NATO thừa nhận rằng, các cuộc thảo luận giữa các đồng minh của tổ chức này từng gặp nhiều thách thức dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, ông Stoltenberg khẳng định liên minh NATO vẫn "cực kỳ vững chắc và mạnh mẽ".
Ông Trump thường phàn nàn rằng các thành viên khác của NATO không đóng góp công bằng cho ngân sách quốc phòng chung. Cựu Tổng thống Mỹ thậm chí còn đề cập tới việc rời khỏi liên minh.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ông Stoltenberg nói rằng NATO "đã có một tổng thống Mỹ, Tổng thống Biden, người cam kết mạnh mẽ với NATO, với an ninh châu Âu và sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào NATO".
Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, mối quan hệ giữa Mỹ và NATO, liên minh quân sự giữa 30 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, đang được cải thiện.
Ngày 13/6, Tổng thống Biden đã di chuyển từ Anh đến Brussels (Bỉ) - nơi các nhà lãnh đạo của 29 quốc gia thành viên NATO đang tập trung để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của liên minh vào ngày 14/6.
Theo Reuters