Sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm là nhiệm vụ của cộng đồng
Sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm không phải là một sự lựa chọn mà là nhiệm vụ của cộng đồng, của các nhà phát triển, triển khai công nghệ và người dùng.
Tọa đàm trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2023) - Ảnh: Trần Quỳnh
Đây là ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ tại hội thảo "Sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm", do Đại sứ quán Anh tổ chức ngày 21/9 tại TPHCM trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2023).
Công nghệ mang lại giá trị nếu được phát triển, sử dụng có trách nhiệm
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trí tuệ nhân tạo (AI) đang nhận được quan tâm, đầu tư của các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp và đã cho thấy sự phát triển vượt bậc. Đặc biệt trong thời gian gần đây, có rất nhiều sản phẩm AI được ứng dụng vào thực tiễn và thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Các sản phẩm AI cho thấy tiềm năng và khả năng đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đặt ra một số thách thức. Một trong số đó chính là việc sử dụng AI có trách nhiệm.
"Sử dụng AI có trách nhiệm không phải là một sự lựa chọn mà là một nhiệm vụ của cộng đồng, của các nhà phát triển, triển khai công nghệ và người dùng", ông Dương Anh Đức nói.
Hiện vấn đề này đang được thảo luận sôi nổi ở các quốc gia trên thế giới, trong đó EU và một số quốc gia bước đầu đã dự thảo hoặc ban hành những quy định và công cụ để quản lý AI một cách có trách nhiệm.
Tại Việt Nam, trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã quan tâm tới việc phát triển AI. Ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030.
UBND TPHCM cũng ban hành Quyết định số 575/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TPHCM giai đoạn 2020-2030 với mục tiêu đưa Thành phố trở thành một trong những trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu, triển khai và chuyển giao các ứng dụng AI; có trình độ phát triển AI nằm trong nhóm các thành phố dẫn đầu trong khu vực ASEAN.
"Chúng tôi xác định việc tuân thủ các quy tắc đạo đức, trách nhiệm trong việc phát triển, ứng dụng AI là điều cực kỳ quan trọng", ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Chia sẻ về những cơ hội của AI, bà Emily Hamblin, Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TPHCM cho biết, công nghệ AI ngày nay đã phát triển rất nhanh, đạt được nhiều tiến bộ giúp thay đổi cuộc sống, đồng thời mở ra cơ hội lớn đối với nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Đơn cử AI được ứng dụng trong các nghiên cứu trong lĩnh vực y tế, giúp phát triển loại kháng sinh diệt siêu vi khuẩn. Hay ở công sở, AI giúp chúng ta thoát khỏi các công việc lặp đi lặp lại hằng ngày để tập trung tốt hơn vào việc tạo ra giá trị.
Tuy nhiên đi kèm theo đó là những rủi ro nếu AI phát triển quá nhanh mà không có các biện pháp bảo vệ phù hợp.
"Cả Vương quốc Anh và Việt Nam đều ban hành chiến lược quốc gia về AI vào năm 2021. Nếu chúng ta bảo đảm một công nghệ có thể phát triển an toàn, công bằng, trách nhiệm thì công nghệ đó sẽ mang lại giá trị cho chúng ta", bà Emily Hamblin nhấn mạnh.
AI4VN 2023 thu hút người xem trình diễn công nghệ AI - Ảnh: Trần Quỳnh
Cải cách pháp lý nhưng không nóng vội
Tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam (FISU) cho biết, chỉ số sẵn sàng của Chính phủ về AI tại Việt Nam (2022) đang đứng thứ 55 trên toàn thế giới, đứng thứ 6 khu vực ASEAN, tăng 7 bậc so với năm 2021. Tuy nhiên, ông Bùi Thu Lâm cũng chỉ ra một số thách thức gồm vấn đề đào tạo nhân lực, cơ sở dữ liệu...
TS. Nguyễn Bích Thảo, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong bối cảnh hiện nay, AI đang đặt ra thách thức đối với hệ thống pháp luật, đồng thời tạo ra các giải pháp pháp lý - công nghệ để góp phần giải quyết một cách hiệu quả, tối ưu hơn các vấn đề pháp lý truyền thống.
Việc phát triển công nghệ AI đòi hỏi hệ thống pháp luật phải có sự cải cách bằng cách tạo lập nền tảng thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo; điều chỉnh kịp thời những mô hình kinh doanh, công nghệ, mối quan hệ xã hội mới xuất hiện. Tuy nhiên, quá trình cải cách pháp luật không thể nóng vội.
Chia sẻ về hướng tiếp cận các quy định AI của Anh, TS. Allaine Cerwonka, Viện Alan Turing cho biết, Vương quốc Anh đã ban hành Chiến lược phát triển AI và Sách trắng quy định về AI.
Theo TS. Allaine Cerwonka, các quy định AI thể hiện ở nhiều khía cạnh và cần tiếp cận ở góc độ con người, kết nối cộng đồng để cùng nhau giải quyết các thách thức. Đồng thời khuyến nghị Việt Nam cần triển khai các khung thể chế thử nghiệm (sandbox) và tiêu chuẩn để định dạng sản phẩm AI (như ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe, y tế)…
Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam 2023 có chủ đề "Sức mạnh cho cuộc sống", diễn ra trong hai ngày 21-22/9 TPHCM. Ngày 21/9, đã diễn ra 3 workshop trước thềm Phiên toàn thể với chủ đề về giải pháp AI trong các lĩnh vực đời sống như: Xu hướng ứng dụng AI trong lĩnh vực Tài chính; Ứng dụng AI và dữ liệu lớn vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; Tương lai của AI tạo sinh trong doanh nghiệp.
Cũng trong ngày 21/9, đã có hơn 1.000 người tham quan, trải nghiệm lễ tân AI, hệ thống giám sát, thiết bị thông minh và loạt sản phẩm AI tại các gian hàng của AI4VN.
AI4VN 2023 do Bộ KH&CN chỉ đạo, báo VnExpress tổ chức. Sự kiện được tổ chức thường niên nhằm giúp cộng đồng, doanh nghiệp hiểu hơn về việc ứng dụng công nghệ AI trong cuộc sống và là cầu nối giúp các bộ, ban, ngành và doanh nghiệp bàn về các chính sách, phương pháp hỗ trợ phát triển bền vững AI tại Việt Nam.
Theo Báo Điện tử Chính phủ