Tàu SpaceX ghép nối với trạm ISS ở độ cao hơn 400 km

13:03, 07/06/2021

Tàu chở hàng Dragon tự động ghép nối với Trạm Vũ trụ Quốc tế phía trên Nam Thái Bình Dương lúc 16h09 hôm 5/6 (giờ Hà Nội).

Tàu chở hàng Dragon tự động ghép nối với Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Phi hành gia Shane Kimbrough và Megan McArthur (NASA) trên trạm ISS theo dõi vụ ghép nối tự động giữa tàu chở hàng Dragon CRS-22 của SpaceX với module Harmony của trạm vũ trụ này. Sự kiện diễn ra khoảng 40 tiếng sau khi tên lửa Falcon 9 mang tàu Dragon rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida, Mỹ, hôm 4/6. Vào thời điểm ghép nối, con tàu và trạm ISS đang bay ở độ cao khoảng 415 km phía trên Nam Thái Bình Dương.

"Đó là một chuyến tiếp cận tuyệt vời. Thật ngoạn mục khi theo dõi con tàu tiến lại gần và chúng tôi rất mừng vì nó đã đến nơi", Shane Kimbrough chia sẻ.

Dragon CRS-22 là tàu chở hàng nâng cấp thứ hai của SpaceX ghép nối với trạm ISS mà không cần sự trợ giúp của các phi hành gia. Trước đó, họ thường sử dụng cánh tay robot Canadaarm2 của trạm để tóm các tàu chở hàng và gắn chúng vào một cách thủ công. Ngoài ghép nối tự động, bản nâng cấp còn giúp tăng khả năng chở hàng lên 20%.

Sự xuất hiện của Dragon CRS-22 nâng tổng số phương tiện của SpaceX ghép nối với trạm ISS lên thành hai. Phương tiện còn lại là tàu chở người Crew Dragon. Con tàu này đã chở 4 phi hành gia lên trạm vũ trụ vào tháng 4 trong nhiệm vụ Crew-2 và cũng đang gắn với module Harmony.

Tàu Dragon CRS-22 mang theo khoảng 4 tấn hàng hóa lên trạm ISS, trong đó có các tấm pin mặt trời mới, gấu nước và mực bánh bao dùng để thí nghiệm. Con tàu sẽ ở lại ngoài không gian khoảng một tháng, sau đó hạ cánh xuống Đại Tây Dương.

Dragon CRS-22 đánh dấu nhiệm vụ chở hàng thứ hai mà SpaceX thực hiện theo hợp đồng Dịch vụ Tiếp tế Thương mại thứ hai (CRS-2) với NASA. SpaceX ký hợp đồng thứ nhất vào năm 2008, ban đầu nhằm thực hiện 12 chuyến chở hàng lên trạm vũ trụ từ năm 2012 - 2016. Năm 2015, NASA đã gia hạn hợp đồng này để thực hiện tổng cộng 20 chuyến chở hàng bằng tàu Dragon, với tổng chi phí khoảng 700 triệu USD.

PV