Tham luận của ông Nguyễn Hồng Quang, chủ tịch VFOSSA trong sự kiện Gặp gỡ ICT 2020
Được sự đồng ý của Hội Tin học Việt Nam, Tòa soạn Công nghệ và Đời sống đăng toàn văn tham luận của ông Nguyễn Hồng Quang, chủ tịch VFOSSA với chủ đề: "Sử dụng và phát triển tài nguyên Nguồn mở đúng để chuyển đổi số tự chủ và bền vững" tại buổi Tọa đàm ICT 2020 "Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức" diễn ra vào ngày 3/7 vừa qua tại Hà Nội, có sự hiện diện của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện 15 hội, hiệp hội, và cộng đồng doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực CNTT-TT.
- Toàn cảnh Gặp gỡ ICT 2020
- Tọa đàm ICT 2020 "Chuyển đổi số: Cơ hội & Thách thức"
- Hội, Hiệp hội ngành và Doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam: Tổ chức gặp gỡ ICT năm 2020
- Ứng dụng thành quả của VLSP và những vấn đề tồn tại trong kết nối dữ liệu và hạ tầng
- Chuyển đổi số: Học, vận dụng công nghệ chứ không đuổi theo công nghệ
- Nguyên lý cái thùng gỗ và Chuyển đổi số phải bắt đầu từ đâu?
Ông Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam
Hôm nay chúng ta tọa đàm tại đây với chủ đề «Chuyển đổi số 2020: cơ hội và thách thức”, CLB PMTDNM xin được tham luận về vấn đề “Sử dụng và phát triển tài nguyên Nguồn mở đúng để chuyển đổi số tự chủ và bền vững”.
Trước hết tôi xin lưu ý cụm từ “tài nguyên Nguồn mở” ở bài này là bao hàm các tài nguyên CNTT-TT được công bố theo tiêu chuẩn và giấy phép sử dụng phỏng theo tư tưởng của phong trào PMTDNM ra đời từ những năm 80 của thế kỷ XX. Có nghĩa là nó bao gồm PMTDNM, tài liệu mở, dữ liệu mở, học liệu mở, phần cứng mở, nghệ thuật mở, v.v…
Có lẽ tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng chuyển đổi số (Digital Transformation) là một trào lưu đã và đang diễn ra lặng lẽ nhưng vô cùng manh mẽ trên khắp thế giới và đó là một xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Trong quá trình này, CNTT giữ vai trò nền tảng và không thể thiếu trong mọi hoạt động của nền kinh tế và xã hội.
Trong công cuộc chuyển đổi số này, các nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định vai trò động lực của NM. Trong một nghiên cứu công bố từ năm 2016 “Nguồn mở thúc đẩy chuyển đổi số DN”, hãng điều tra quốc tế Forester đã chỉ ra rằng “Nguồn mở không chỉ là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu, khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp hiện đại cần nắm lấy các khả năng nguồn mở để tăng tốc các nỗ lực chuyển đổi số của mình và các thành phần nguồn mở ngày càng củng cố các thị trường công nghệ lớn ngày nay. CIO phải coi các công nghệ nguồn mở là một phần của chiến lược công nghệ kinh doanh rộng lớn hơn của họ.”. Báo cáo tháng 5/2019 với tiêu đề “Lót đường cho chuyển đổi số với Nguồn mở” của hãng nghiên cứu 451 Research cũng khẳng định “Phần mềm nguồn mở đang hiện hữu chắc chắn trong lĩnh vực CNTT cho phát triển ứng dụng và các hoạt động CNTT” với tỷ lệ ứng dụng NM trung bình trong tất cả các công ty được hỏi lên đến 73%. Sách trắng tựa đề “Chuyển đổi số, con đường của Nguồn mở” năm 2018 của hãng PMNM nổi tiếng RedHat cũng nhấn mạnh “Sử dụng các nguyên tắc nguồn mở để hợp nhất các nhóm, công nghệ và quy trình”.
Còn nhiều nghiên cứu khác nữa mà chúng tôi chưa kể hết ở đây được. Tóm lại vai trò của NM là hết sức quan trọng và không thể thiếu trong công cuộc Chuyển đổi số.
Ở Việt Nam, NM có được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm, dịch vụ số hóa và chuyển đổi số không? Theo quan sát và đánh giá của chúng tôi thì có và rất nhiều. Ít nhất không có lập trình viên nào không sử dụng các công cụ phát triển PMNM, đa phần điện thoại di động của chúng ta đang dùng chạy hệ điều hành NM, đại đa số máy chủ dịch vụ Internet chạy hệ điều hành và ứng dụng PMNM hoặc dựa trên PMNM, v.v... Tuy nhiên có một thực tế rất ít sản phẩm, dịch vụ của các nhà phát triển Việt Nam được công bố là sản phẩm NM hoặc chí ít dựa trên NM. Những câu hỏi như sản phẩm, dịch vụ được dựa trên sản phẩm NM nào hay vai trò của NM trong hệ thống của bạn hay sản phẩm có tích hợp các thành phần NM thì chúng có tương thích về giấy phép NM hay không thì thường người được hỏi không biết hoặc lảng tránh trả lời. Gần đây khi dữ liệu mở được nhắc đến nhiều thì câu hỏi dữ liệu nào được coi là mở, dữ liệu nào phải/nên được mở, dữ liệu mở được dùng vào những việc gì, dùng thế nào, phái sinh của nó có phải dữ liệu hay không, theo giấy phép gì, v.v… thì phần đông người được hỏi đều còn khá lúng túng, trả lời sai hoặc không biết trả lời. Đánh giá chung của chúng tôi là chúng ta chưa hiểu đúng và dùng đúng tài nguyên NM.
Một thực tế nữa là chúng ta đang “tận dụng” NM rất phổ biến và triệt để, song phần “đóng góp trở lại” cho cộng đồng quốc tế của người Việt nói chung là rất nhỏ nhoi. Số PMNM do người Việt sáng tạo ra, làm chủ và vẫn đang được sử dụng có lẽ đếm chưa hết đầu ngón 1 bàn tay. Còn contributor người Việt trong các dự án PMNM quốc tế thì cực kỳ hiếm hoi, trong khi tên Trung Quốc, Ấn Độ, Sing là những nước gần ta thì nhan nhản, đâu cũng có mặt. Đây cũng là một vấn đề quan trọng mà chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân và cần có giải pháp thích hợp.
Chúng tôi đề cập những vấn đề này vì rất nhiều bài học trên thế giới và cả ở Việt Nam đã chỉ ra rằng nếu NM không được sử dụng đúng, cụ thể là không hiểu đầy đủ về giấy phép hoặc cố tình “lờ” giấy phép đi thì hệ lụy có thể xảy ra và nguy cơ là không đo đếm được. Tài nguyên NM của nhân loại là vô cùng phong phú và cần được tận dụng để rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, song đó cũng là con dao hai lưỡi, nếu dùng không đúng nó sẽ chém lại chính chúng ta. Việc đóng góp trở lại cho cộng đồng thế giới cũng cần được xem là trách nhiệm và nghĩa vụ vì đây chính là đóng góp cho phát triển bền vững, cũng là nằm trong đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của Việt Nam chúng ta. “Cho đi sẽ lấy lại được nhiều hơn” là một kinh nghiệm đã được cộng đồng NM thế giới đúc rút ra từ lâu mà chúng ta cần thấm nhuần.
Trong thời gian gần đây, chúng tôi rất vui mừng nhận thấy đã có những dịch chuyển rất tích cực từ phía cơ quan QLNN, cụ thể là Bộ TT&TT, hướng về NM. Lần đầu tiên, Bộ đã chủ trì phát triển một PMNM Make in Vietnam là ứng dụng Bluezone đóng góp cho việc chống dịch COVID-19 và VFOSSA đã được mời tham gia hỗ trợ nhóm phát triển dự án trong việc thẩm định và phát hành mã nguồn theo đúng thông lệ thế giới. Những bài học rất tốt về công bố nguồn mở và cách mở mã nguồn đã được rút ra từ dự án này. Giải pháp hội nghị trực tuyến xây dựng trên PMNM Jitsi của Liên minh Comeet gồm 6 DN hội viên VFOSSA đã được Bộ bảo trợ và tổ chức lễ ra mắt trọng thể gần đây. Những ý kiến của chúng tôi đã được Bộ trưởng và các Lãnh đạo của Bộ chăm chú lắng nghe trong Hội nghị giao ban trực tuyến 4 tháng đầu năm. Hơn thế, Bộ trưởng còn chỉ đạo Cục THH phối hợp với VFOSSA để tổ chức một Đại hội PMNM và cuối tháng 8 năm nay và chuẩn bị Chiến lược Nguồn mở của Bộ TT&TT trình Bộ trưởng phê duyệt và ban hành. Hai công việc này hiện đang được Cục THH tích cực triển khai với sự hợp tác chặt chẽ của VFOSSA. Chúng tôi sẽ sớm công bố thời gian, địa điểm và chủ đề của ĐH để các DN và cộng đồng có thể tham gia, đóng góp. Nhân diễn đàn này, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng và Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng đã dành cho NM nói chung và VFOSSA nói riêng. VFOSSA cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục THH để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã được Bộ giao phó.
Để có Việt Nam hùng cường, để tự chủ về công nghệ, Make in Việt Nam thì PMNM và NM nói chung là không thể bỏ qua và cần được tận dụng tối đa. Ngoài ra, chúng ta cũng cần thể hiện trách nhiệm đóng góp trở lại cho cộng đồng quốc tế để hòa nhập và phát triển bền vững. Chúng tôi kiến nghị với Chính phủ và Bộ TT&TT cần quan tâm hơn nữa với việc phát triển và ứng dụng NM rộng rãi cho CQNN thông qua các chính sách phù hợp nhằm tạo động lực cho DN mạnh dạn ứng dụng NM và tự hào công bố ứng dụng của mình là NM hoặc dựa trên NM. Để làm điều đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ và Bộ cần sớm đưa ra danh mục những ứng dụng nào của CQNN cần/nên/ưu tiên được xây dựng từ đầu hoặc chuyển thành PMNM, danh sách giấy phép PMNM khuyến cáo dùng cho ứng dụng của CQNN. Chúng tôi đề xuất Bộ chủ trì xây dựng và duy trì một kho PMNM dùng chung cho CQNN theo mô hình kho Joinup của Cộng đồng Châu Âu. Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ và Bộ có chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của các cộng đồng NM, ghi nhận và khuyến khích DN và cộng đồng NM Việt Nam đóng góp cho kho PMNM của Chính phủ và đóng góp trở lại cho cộng đồng NM thế giới.
Là tổ chức XHNN có sứ mệnh quảng bá tư tưởng NM và hỗ trợ mọi dự án, sáng kiến phát triển và áp dụng NM tại Việt Nam, VFOSSA đã có nhiều nghiên cứu và nhiều bài học thực tiễn về lĩnh vực NM nói chung, PMTDNM nói riêng. Chúng tôi luôn sẵn lòng hợp tác với Chính phủ, Bộ TT&TT, với mọi tổ chức, DN có nhu cầu phát triển và áp dụng NM đúng cách theo thông lệ thế giới và phát triển bền vững.
Xin trân trọng cám ơn.