Thanh tra tỉnh Quảng Bình - đầu mối xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Thanh tra tỉnh có trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo vệ Cơ sở dữ liệu trong phạm vi quản lý của mình. Đồng thời, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) do cơ quan, tổ chức, địa phương quản lý người có nghĩa vụ kê khai.
Việc thực hiện chia làm 3 giai đoạn với mục tiêu cụ thể
Kế hoạch số 2265/KH-UBND ngày 07/11/2023 về triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh Quảng Bình nhằm đảm bảo quản lý theo hướng tập trung, thống nhất trên toàn quốc theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 và Quyết định số 56-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài TSTN (Quy chế).
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN (Cơ sở dữ liệu) phải được cập nhật, lưu trữ, bảo mật và quản lý theo quy định, bảo đảm an toàn thông tin quốc gia; sử dụng công nghệ số vào việc kiểm soát TSTN phù hợp với Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính quyền số. Mặt khác, phải ứng dụng số để chuyển đổi công tác kiểm soát TSTN từ việc “kê khai, xác minh” sang “chủ động kiểm soát, phòng ngừa”. Đặc biệt, phải bảo đảm thực sự hiệu quả, đúng tiến độ, tiết kiệm.
Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Bình cũng đặt mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể. Giai đoạn 2023 - 2024 tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiếp nhận, khai thác các phần mềm ứng dụng để cập nhật, tích hợp dữ liệu, kết nối, chia sẻ bảo đảm khai thác an toàn, thông suốt Cơ sở dữ liệu. Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, nâng cao năng lực của đội ngũ công chức trong thực hiện việc quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu.
Giai đoạn năm 2025 sẽ tiến hành cập nhật dữ liệu về kê khai tài sản tại cơ quan kiểm soát TSTN nhập; tích hợp về Cơ sở dữ liệu quốc gia của Thanh tra Chính phủ theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Quy chế. Hoàn thành số hoá, lưu trữ 100% Bản kê khai TSTN của người có nghĩa vụ kê khai. Kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu quốc gia khác theo quy định. Từng bước thay thế hồ sơ giấy truyền thống nhằm hỗ trợ người có nghĩa vụ kê khai, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc kiểm soát TSTN, đến năm 2025 đạt 50% trở lên.
Giai đoạn sau năm 2025 tâp trung thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát TSTN bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.
Thanh tra tỉnh Quảng Bình là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN trên địa bàn tỉnh. (Ảnh minh họa, nguồn: baochinhphu.vn) |
Thanh tra tỉnh là cơ quan quản lý, khai thác và bảo vệ Cơ sở dữ liệu
Trên cơ sở mục đích, yêu cầu của Kế hoạch, UBND tỉnh Quảng Bình đã đề ra một số giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN” trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, Thanh tra tỉnh có trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo vệ Cơ sở dữ liệu trong phạm vi quản lý của mình. Số hoá, cập nhật dữ liệu kê khai để tạo lập Cơ sở dữ liệu; thực hiện nhận dạng, trích xuất một số trường dữ liệu cơ bản chuyển đổi, chuẩn hoá thông tin về bản kê khai, kết luận xác minh TSTN và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát TSTN theo quy định và được đưa vào Hệ thống Cơ sở dữ liệu qua hệ thống phần mềm.
Mặt khác, tổ chức phân tích, thống kê, báo cáo dữ liệu về kiểm soát TSTN, bao gồm: Phân tích dữ liệu về kiểm soát TSTN; tổng hợp, báo cáo theo từng cơ quan, đơn vị hoặc trên phạm vi toàn tỉnh. Kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu có liên quan để tích hợp, đồng bộ dữ liệu; sử dụng đường truyền chuyên dùng và các giải pháp an toàn bảo mật theo tiêu chuẩn của các cơ quan quản lý nhà nước.
Xây dựng hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về: Quản lý, khai thác, vận hành Cơ sở dữ liệu; kết nối, liên thông, tích hợp dữ liệu về kiểm soát TSTN của Cơ sở dữ liệu với các cơ sở dữ liệu khác; an toàn thông tin của Cơ sở dữ liệu.
Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống, đáp ứng các yêu cầu về: Độ sẵn sàng và độ tin cậy cao; dễ bảo trì, nâng cấp; sử dụng cơ chế xác thực người sử dụng và các cơ chế bảo mật theo quy định; được thiết kế, xây dựng bảo đảm mức độ an toàn thông tin được đặt ở mức độ cao; sử dụng các sản phẩm mật mã, giải pháp mã hoá dữ liệu lưu trữ và dữ liệu trao đổi. Triển khai giải pháp phòng, chống mã độc, phòng, chống tấn công; triển khai giám sát an toàn thông tin cho Hệ thống thông tin.
Vai trò của Thanh tra tỉnh trong triển khai thực hiện Kế hoạch
Về tổ chức thực hiện, với vai trò là cơ quan kiểm soát TSTN theo Luật PCTN năm 2018 và thực hiện Quy chế, Thanh tra tỉnh sẽ tiếp nhận, quản lý, khai thác và bảo vệ Cơ sở dữ liệu trong phạm vi toàn tỉnh theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Quy chế; xây dựng Hệ thông công nghệ thông tin sau khi có hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra trong Kế hoạch số 2265/KH-UBND. Hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ Cơ sở dữ liệu đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả, tính an toàn, bảo mật của hệ thống trong quá trình vận hành; xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định về kết nối, cập nhật, chia sẻ dữ liệu, vận hành, quản lý, khai thác Hệ thống.
Tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin về kiểm soát TSTN do cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương quản lý người có nghĩa vụ kê khai. Bảo vệ, lưu trữ thông tin Cơ sở dữ liệu. Thực hiện các biện pháp sao lưu, dự phòng để đảm bảo khả năng khắc phục sự cố, phục hồi dữ liệu.
Cung cấp thông tin Cơ sở dữ liệu theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xây dựng quy trình chuẩn hoá để kết nối, tích hợp dữ liệu, khai thác, chia sẻ Cơ sở dữ liệu với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự toán kinh phí để triển khai Cơ sở dữ liệu. Thực hiện các biện pháp bảo trì, bảo dưỡng để bảo đảm Cơ sở dữ liệu hoạt động thường xuyên, ổn định.
Ngoài ra, theo dõi, đôn đốc các địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo việc quản lý Cơ sở dữ liệu trong phạm vi toàn tỉnh; định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Thanh tra Chính phủ tình hình triển khai thực, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN nhằm hiện đại hoá, chuyển đổi số công tác kiểm soát TSTN, thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin, các quy trình, quy định phục vụ việc hệ thống hoá, cập nhật, lưu trữ, bảo vệ an toàn và cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời về bản kê khai, kết luận xác minh TSTN theo quy định của pháp luật về PCTN và các quy định khác liên quan để góp phàn phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. |
Theo thanhtravietnam.vn