Thi ĐH-CĐ năm 2014: Nhiều thay đổi về chính sách
Ngày 11/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy năm 2014. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh năm nay có nhiều thay đổi về chính sách.
Quyết định cho 62 ngành tuyển sinh trở lại
Như thông tin trước (Xã Hội Thông Tin) đã đưa, sau khi Bộ GD&ĐT tuyên bố dừng đào tạo 207 ngành học, nhiều trường đã có văn bản giải trình và đề nghị được tiếp tục tuyển sinh đối với những ngành học bị dừng. Ngày 5/3, Bộ GD&ĐT đã cho phép 62/207 ngành học được tuyển sinh trở lại.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bùi Anh Tuấn, 62 ngành học được tuyển sinh trở lại vì các trường đã kịp thời bổ sung các điều kiện, hoặc cơ cấu lại các ngành đào tạo (của trường) cho phù hợp.
Với nhiều thay đổi trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, các em học sinh thêm hào hứng.
Các trường được tuyển sinh 2 lần/năm
Theo quy chế tuyển sinh năm nay, Bộ cho phép các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy tổ chức 1 đến 2 lần tuyển sinh thay vì chỉ có 1 như trước đây.
Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2014, các trường được tổ chức tuyển sinh riêng, thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh (gồm: Xây dựng Đề án tự chủ tuyển sinh có nội dung quy định; Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: Ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi (nếu có); Xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; Giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh; Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi; Công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát; Công khai kết quả tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác...). Kết quả thi của thí sinh thi vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành.
Ngoài ra, các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi chung có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí của trường và đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.
Bộ GD&ĐT quy định cụ thể thời gian tuyển sinh, các trường được thực hiện thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Bỏ điểm sàn
Theo Điều 33 của Thông tư, đã sửa đổi điểm a, b khoản 2 theo nguyên tắc, các trường căn cứ vào: Chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh các trường Dự bị đại học được phân về trường); Thống kê điểm do máy tính cung cấp đối với các đối tượng và khu vực dự thi; Quy định về khung điểm ưu tiên và vùng tuyển; Và tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định, Ban Thư ký (Hội đồng tuyển sinh) trình HĐTS của trường xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển.
Các trường có thể xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành đào tạo tương ứng với các khối thi.
Căn cứ kết quả thi của thí sinh, Bộ sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển vào học ĐH, CĐ đối với từng khối thi, từng ngành đào tạo.
Theo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), việc sửa đổi này để thực hiện việc xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây.
Sau khi công bố phương án điểm trúng tuyển, các trường công bố danh sách thí sinh trúng tuyển; Chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển bổ sung (nếu còn chỉ tiêu để xét tuyển), gửi các sở GD&ĐT giấy triệu tập đối với thí sinh trúng tuyển, giấy chứng nhận kết quả thi trong đó ghi rõ kết quả thi của thí sinh (có đóng dấu đỏ của trường) đối với tất cả các thí sinh còn lại, kể cả thí sinh thi năng khiếu để các sở GD&ĐT thông báo hoặc chuyển cho các thí sinh.
Với những trường có ngành năng khiếu, nếu không tổ chức thi vào những ngành này, trường được xét tuyển thí sinh trong vùng tuyển, đã dự thi vào ngành đó tại trường khác có thi môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT.
Thêm cơ hội xét tuyển cho thí sinh
Năm 2014, tất cả các thí sinh chưa trúng tuyển, kết quả thi được mang đi xét tuyển theo quy định của từng trường. Như vậy, nếu tham gia cả 2 kỳ thi ĐH và CĐ, thí sinh sẽ được cấp 6 giấy chứng nhận để đem đi xét tuyển, tăng thêm 2 giấy so với năm 2013.
Thí sinh dự thi ĐH theo đề thi 3 chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ĐH ngay năm đó để nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển và có yêu cầu điều kiện đầu vào phù hợp.
Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển. Các chi tiết liên quan đến điều kiện xét tuyển và thời gian xét tuyển được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trang thông tin điện tử về tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Các trường CĐ được kéo dài thời gian xét tuyển. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31/10 hằng năm đối với trường ĐH, nhưng trường CĐ kéo dài đến 15/11.
Mở rộng đối tượng ưu tiên
Năm nay đối tượng tuyển thẳng vào ĐH được mở rộng hơn. Cụ thể: Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức và đã tốt nghiệp trung học phổ thông, được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải. Thí sinh đoạt giải Khuyến khích (trong Hội thi này) được tuyển thẳng vào hệ CĐ theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải. Thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải trong Hội thi khoa học kỹ thuật, nếu chưa tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được bảo lưu kết quả đến khi tốt nghiệp trung học.
Bộ GD&ĐT cũng quy định cho các đối tượng nêu trên khi được ưu tiên xét tuyển vào ĐH. Cụ thể: Thí sinh đã tốt nghiệp trung học sau khi thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy đủ số môn quy định theo đề thi chung, có kết quả thi đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT quy định trở lên và không có môn nào bị điểm 0 thì được hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định cho vào học.
Quy chế cũng đã bổ sung nhiều đối tượng ưu tiên, gồm:
Đối tượng 1, bổ sung Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 được quy định tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 1/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015”.
Đối tượng 3, bổ sung quân nhân, công an nhân dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đã xuất ngũ có thời gian phục vụ từ 18 tháng trở lên theo quy định.
Đối tượng 4, bổ sung: Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% trở lên; Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hóa học.
Đối tượng 5, bổ sung: Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn; Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng Dân quân tự vệ nòng cốt, Dân quân tự vệ đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nòng cốt từ 12 tháng trở lên, dự thi vào ngành Quân sự cơ sở.
Người khuyết tật nặng được bổ sung vào đối tượng ưu tiên 7.
Mỗi thí sinh có 3 giấy chứng nhận kết quả thi
Điểm mới năm nay là Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường in 3 giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ cho thí sinh. Giấy chứng nhận kết quả thi chỉ cấp 1 lần và đóng dấu đỏ của trường. Trường hợp thí sinh để mất thì không cấp lại mà chỉ cấp giấy xác nhận điểm thi.
Bộ cho phép các trường in 3 giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ. Giấy chứng nhận kết quả thi chỉ cấp 1 lần, có đóng dấu đỏ của trường. Trường hợp thí sinh để mất thì không cấp lại mà chỉ cấp giấy xác nhận điểm thi.
Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31/10 hàng năm đối với các trường ĐH và 15/11 hàng năm đối với các trường CĐ.
Tăng trách nhiệm của hiệu trưởng
Quy chế sửa đổi có bổ sung quy định cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan vi phạm một trong các lỗi sau: Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ ĐKXT vào trường; Xác định điểm trúng tuyển không đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng do Bộ quy định; Tuyển sinh những ngành chưa được giao nhiệm vụ mở ngành; Xác định sai chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định và tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Điểm mới trong hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2014 và hướng dẫn cách ghi
Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã gửi các Sở GD&ĐT mẫu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2014 và hướng dẫn cách ghi hồ sơ.
TS. Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT giải đáp về những đổi mới trong kỳ thi năm nay.
Yêu cầu đối với các thông tin trên hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) là thí sinh phải ghi đầy đủ, rõ ràng, sạch sẽ vào các mục theo yêu cầu và không sửa chữa, tẩy xoá. Theo quy định, trong hồ sơ, nếu là số, ghi bằng chữ số Ả rập (0, 1, 2, 3,…), không ghi bằng chữ số La mã (I, II, III,…).
Mẫu phiếu đăng kí dự thi năm 2014 về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2013, nhưng có bổ sung thêm một số nội dung, phục vụ cho thí sinh đăng kí vào các trường tổ chức tuyển sinh riêng.
Cụ thể, thí sinh có nguyện vọng học tại các ngành của những trường ĐH, CĐ tổ chức tuyển sinh riêng và có tổ chức thi tuyển theo đề thi chung, sau khi đã khai mục 2 trong phiếu ĐKDT:
Nếu có nguyện vọng sử dụng kết quả của kỳ thi chung để xét tuyển, cần đánh dấu vào ô "Tham gia kỳ thi chung của Bộ"; Nếu có nguyện vọng xét tuyển theo phương án tuyển sinh riêng, cần đánh dấu vào ô "Tham gia đề án tuyển sinh riêng của trường "; Nếu có cả hai nguyện vọng, cần đánh dấu vào cả hai ô.
Thí sinh có nguyện vọng học tại các ngành của trường ĐH, CĐ tổ chức tuyển sinh riêng và không tổ chức thi theo đề thi chung: Nếu có nguyện vọng sử dụng kết quả của kỳ thi chung để xét tuyển, sau khi đã khai mục 2 trong phiếu ĐKDT (không ghi mã ngành, chuyên ngành) cần đánh dấu vào ô "Tham gia kỳ thi chung của Bộ" và khai đầy đủ trong mục 3 (tên trường có nguyện vọng học, kí hiệu trường, khối thi và mã ngành). Nếu có nguyện vọng xét tuyển theo phương án tuyển sinh riêng, cần đánh dấu vào ô "Tham gia đề án tuyển sinh riêng của trường" và khai đầy đủ trong mục 3 (tên trường có nguyện vọng học, kí hiệu trường, khối thi và mã ngành); Nếu có cả hai nguyện vọng, sau khi đã khai mục 2 trong phiếu ĐKDT (không ghi mã ngành, chuyên ngành) cần đánh dấu vào cả hai ô và khai đầy đủ trong mục 3 (tên trường có nguyện vọng học, kí hiệu trường, khối thi và mã ngành).
Thí sinh có nguyện vọng đăng kí vào các ngành, các trường tổ chức tuyển sinh riêng, bên cạnh việc điền các nội dung trong phiếu đăng kí dự thi, cần nộp đầy đủ hồ sơ đăng kí xét tuyển theo yêu cầu của trường. Hồ sơ đăng kí xét tuyển được quy định trong Đề án tự chủ tuyển sinh của trường (công bố trên trang thông tin điện tử của trường, của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Những thí sinh chưa nộp đủ hồ sơ theo quy định, cần ghi rõ trong phiếu đăng kí dự thi những giấy tờ còn thiếu.
Đối với những thí sinh thuộc dạng ưu tiên, phải nộp và ghi đầy đủ phần chứng nhận ưu tiên. Thí sinh có nguyện vọng dự thi vào trường nào thì mua hồ sơ ĐKDT, gồm một túi đựng hồ sơ (đây chính là một phiếu ĐKDT) và phiếu số 1, số 2.
Thí sinh phải ghi đầy đủ các mục ở mặt trước túi hồ sơ và phiếu số 1, số 2 theo hướng dẫn ghi ở mặt sau phiếu số 2 rồi nộp cho nơi nhận hồ sơ kèm theo bản sao (có công chứng) các giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên (con liệt sĩ, con thương binh...), các giấy tờ theo yêu cầu của trường tuyển sinh riêng (nếu có) và 2 ảnh cân dung cỡ 4x6 - chụp trong vòng 6 tháng, có ghi rõ họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, tỉnh, huyện và mã số đơn vị ĐKDT vào mặt sau tấm ảnh, 2 ảnh này đựng trong một phong bì nhỏ.
Ngoài ra phải dán thêm 1 ảnh vào mặt trước túi đựng hồ sơ. Thí sinh dự thi vào những trường tuyển sinh riêng cần ghi rõ những giấy tờ còn thiếu so với yêu cầu của trường (như học bạ, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông...) vào phần cuối của phiếu đăng ký dự thi. Các giấy tờ này phải nộp bổ sung cho trường trước thời hạn qui định của từng trường.
Nơi thu hồ sơ giữ lại túi hồ sơ, phiếu số 1 và 2 ảnh, trả lại phiếu số 2 cho thí sinh sau khi đã ký và đóng dấu xác nhận. Thí sinh lưu giữ phiếu số 2 này để nhận giấy báo thi, giấy chứng nhận kết quả thi, báo điểm và trong trường hợp bị thất lạc giấy báo thi hoặc có những sai sót trước lúc thi, thí sinh đem phiếu này kèm theo giấy giới thiệu của nơi thu hồ sơ trực tiếp tới trường để làm thủ tục dự thi.
Thanh Trà (tổng hợp)