Thiếu hụt nhân lực ngành blockchain
Blockchain đang là một trong những mảng thuộc ngành công nghệ đang phát triển khá "nóng" tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Do đó, nhu cầu nhân sự rất lớn nhưng thực tế cả nước đang "cung không đủ cầu", không chỉ riêng blockchain mà toàn ngành công nghệ thông tin (CNTT) nói chung.
Việt Nam hiện có gần 160 trường có đào tạo chuyên ngành về CNTT, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin. Hằng năm, số sinh viên tốt nghiệp thuộc nhóm chuyên môn này vào khoảng 50.000. Nếu tính cả bậc đào tạo nghề ở cao đẳng, trung cấp thì con số này hơn 62.000. Tuy nhiên, số lượng này là không đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp CNTT hiện nay, chưa nói tới khả năng cung cấp nhân lực chuyên biệt cho lĩnh vực blockchain.
Theo ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), nhân lực ngành blockchain có vai trò rất quan trọng vì đây là lĩnh vực mở, nhiều nhân sự sẽ chọn làm việc từ xa và đây cũng là khó khăn mà doanh nghiệp mảng này đang gặp phải.
Thực tế, việc tuyển dụng nhân lực blockchain đang vô cùng khó khăn. Nguyên nhân đầu tiên chính là chuyên môn. Blockchain vẫn còn khá mới mẻ, lại chưa có trong các chương trình đào tạo ở các trường, cơ sở giảng dạy, kể cả những đơn vị chuyên về CNTT. Chính vì vậy Việt Nam vẫn chưa có được nhân sự chuyên sâu cho ngành. Hiện nay mọi người đều phải tự tìm tòi, học hỏi ở các tài liệu nước ngoài hoặc trong quá trình làm việc.
Kế đến là thu nhập, với đòi hỏi về nhân sự có kiến thức chuyên ngành, lương dành cho người làm blockchain cũng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Tuy nhiên dù trả cao, các công ty cũng không dễ gì tìm người. Hiện nay, mức lương cơ bản cho một người làm IT ở doanh nghiệp dao động từ 12 - 20 triệu đồng (600 - 900 USD) và có thể cao hơn gấp đôi nếu làm blockchain.
"Công ty tuyển người làm blockchain nhưng đưa ra thu nhập dưới 1.000 USD mỗi tháng sẽ khó có cơ hội tìm được ứng viên", một chuyên gia tuyển dụng nhận định.
Thứ ba chính là môi trường làm việc. Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định ứng tuyển của nhân sự chính là câu chuyện về khả năng làm việc từ xa như ông Phan Đức Trung đã đề cập. "Trong thế giới công nghệ mới, nhân sự có thể làm việc từ xa. Có thể thấy các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon đang giữ người rất tốt trong vấn đề này", Phó chủ tịch VBA chia sẻ thêm.
Ông Huy Nguyễn, nhà sáng lập KardiaChain kiêm Phó chủ tịch VBA đánh giá hiện blockchain là ngành có biến động lớn, đặc biệt về mức đãi ngộ với nhân sự khi họ được trả mức lương khá cao so với mặt bằng chung, đặc biệt có những công ty trả lương bằng token. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng việc trả bằng token có mặt tốt và không tốt bởi nếu giá lên cao sẽ không sao, nhưng khi giá đi xuống thì ảnh hưởng tới tâm lý của nhân viên.
Lãnh đạo VBA nhận định tương lai blockchain sẽ được phổ cập rộng rãi tới nhiều tầng lớp khác nhau như sinh viên, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, với tiềm năng trở thành ngành công nghiệp 1 triệu nhân sự.
Các chuyên gia đồng quan điểm cho rằng để tham gia ngành blockchain, những người quan tâm, có kiến thức có thể bắt đầu bằng cách tham gia trực tiếp vào thị trường, tìm hiểu trên internet hoặc học hỏi những người đi trước... Tuy nhiên kiến thức cần được truyền tải dưới nhiều góc độ để tạo động lực cho người muốn học hỏi.
Hiện nay, Việt Nam bắt đầu xuất hiện những tổ chức đứng ra tạo "sân chơi" để gắn kết và cung cấp thông tin tới cộng đồng blockchain trong nước, cũng như hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc tạo ra hành lang pháp lý để cho lĩnh vực phát triển thuận lợi hơn. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng để blockchain sớm mở rộng tính ứng dụng và được đón nhận nhờ những mặt tích cực mà công nghệ này mang lại.
Quang Minh (T/h)