Thủ tướng chỉ đạo thực hiện các giải pháp bình ổn giá lương thực, thực phẩm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện ngay các giải pháp bình ổn giá thịt trên thị trường.
Sáng 21/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì họp Ban Chỉ đạo để thống nhất công tác quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu có biến động mạnh trong thời gian dịch COVID-19.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo, mặt bằng giá quý I/2020 diễn biến theo hướng tăng mạnh vào tháng 1, giảm vào các tháng 2 và 3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 so với tháng 12 năm ngoái tăng 0,34%. Bình quân quý I năm nay, CPI tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng bình quân quý I cao nhất trong 5 năm qua.
Ngoài nguyên nhân giá cả tăng vào dịp Tết Nguyên Đán thì giá thịt lợn có mức tăng khá cao so với dự báo. Giá thịt lợn quý I/2020 tăng tới gần 59% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 2,47%. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 tác động làm giá vật tư y tế, điện, nước sinh hoạt tăng cao.
Trước hết, các bộ, ban, ngành cần kiểm tra giá thành, đặc biệt là ở các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm.
Về những nhiệm vụ cụ thể, đối với điều hành giá cả mặt hàng thịt lợn, Thủ tướng nêu rõ tình trạng trung gian chiếm tỷ lệ quá cao. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra kéo giảm giá loại mặt hàng này với mục tiêu là sớm giảm giá thịt lợn xuống khoảng 60.000 đồng/kg.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt lợn, trước hết là kiểm tra giá thành, các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, để có biện pháp hữu hiệu, yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm.
Đồng thời, hỗ trợ kinh phí tái đàn, việc này "nhiều địa phương chưa làm đến nơi đến chốn". Thủ tướng chỉ đạo tăng cường kiểm tra khâu giá thành và giá bán, đặc biệt là khâu trung gian, từ doanh nghiệp chăn nuôi đến thương lái, vận chuyển, giết mổ kiểm duyệt và đưa vào thị trường chợ đầu mối, sao cho đảm bảo lợi ích của các khâu. "Nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi phải xử lý theo quy định pháp luật", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đi liền với việc tăng nguồn cung ứng trong nước, tăng nhập khẩu để đảm bảo cân đối cung cầu thịt lợn cả trước mắt và lâu dài; trong đó phải kiểm tra, giám sát nhập khẩu thịt lợn và thị trường; giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu thịt lợn chính ngạch và tiểu ngạch, nhất là tại các đường mòn, lối mở; tăng cường vận động người dân sử dụng thịt đông khi cần thiết.
Đối với vấn đề đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ, ngành nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động ảnh hưởng, có đề án cụ thể trình các cấp thẩm quyền theo quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tiếp tục đề xuất một số chính sách tái đàn bổ sung.
Đối với mặt hàng gạo, Thủ tướng nhấn mạnh sở dĩ có chủ trương xuất khẩu có kiểm soát là bởi một số nước xuất khẩu gạo lớn gặp khó khăn, trong khi một số nước gia tăng nhu cầu nhập khẩu gạo; do đó nếu không có sự quản lý, để cho thị trường tự do sẽ dẫn tới tình trạng tư thương mua vét để xuất khẩu vì quyền lợi trước mắt.
Nhắc lại việc người dân từng đổ xô đi mua tích trữ gạo sau khi công bố ca nhiễm COVID-19 số 17, Thủ tướng cho rằng, khi đó nếu không có gạo dự trữ thì không thể ổn định tình hình, vì vậy cần có biện pháp quản lý giá lương thực trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của nông dân trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, không để xảy ra tình trạng khan hiếm lương thực nhằm bảo vệ quyền lợi của đại bộ phận nhân dân.
PV(T/h)