Toàn cảnh Microsoft gặp sự cố dịch vụ quy mô lớn gây ảnh hưởng trên toàn cầu

14:13, 23/07/2024

Ngày 19/7, dịch vụ đám mây Azure, Microsoft 365 và Teams của Microsoft gặp trục trặc khiến hàng nghìn chuyến bay trên toàn cầu bị hoãn, hủy và gây gián đoạn hoạt động tại nhiều sân bay. Nguyên nhân vấn đề được cho là xuất phát từ lỗi trong hệ thống của Công ty an ninh mạng toàn cầu CrowdStrike (Mỹ) - đối tác của Microsoft. Đây được coi là sự cố lớn nhất trong lịch sử với mức độ ảnh hưởng sâu rộng từ giao thông vận tải, ngân hàng đến an ninh, y tế...

Sáng 19/7, lượng người báo lỗi liên quan đến nền tảng đám mây Azure của Microsoft tăng đột biến trên DownDetector (một công cụ cung cấp trạng thái thời gian thực và giám sát hoạt động cho hàng trăm trang web và dịch vụ Internet). Phần lớn khách hàng của Microsoft cho biết không thể đăng nhập hoặc sử dụng các dịch vụ lưu trữ của hãng.

Toàn cảnh Microsoft gặp sự cố dịch vụ quy mô lớn gây ảnh hưởng trên toàn cầu

Lượng người dùng báo lỗi liên quan đến dịch vụ đám mây Azure tăng vọt sáng 19/7 trên DownDetector.

Sau xác nhận của Microsoft, một số hãng hàng không lớn của Mỹ phát thông báo ngừng bay với lý do gặp vấn đề liên lạc. Frontier Airlines cho biết rằng hệ thống ngừng hoạt động do sự cố của Microsoft. Trong thời gian này, việc đặt vé, làm thủ tục, cấp thẻ lên máy bay và một số chuyến bay có thể bị ảnh hưởng. Trang chủ của hãng hàng không giá rẻ Allegiant Air cũng hiển thị "trang web không khả dụng do Microsoft Azure".

Tại Mỹ, tính đến 13h30 ngày 19/7 (giờ địa phương), số chuyến bay nội địa, chuyến bay đến và đi từ Mỹ bị hủy lên tới 2.042 chuyến. Ngoài ra, theo Công ty công nghệ FlightAware (Mỹ), tổng số chuyến bay nội địa, chuyến bay đến và đi từ Mỹ bị chậm trễ lên tới 5.728 chuyến. Trong đó, khoảng 31% chuyến bay của United Airlines, 26% chuyến bay của Delta Airlines và 20% chuyến bay của American Airlines bị hoãn. Số chuyến bay bị hoãn và hủy trên khắp nước Mỹ vẫn đang không ngừng tăng lên.

Hãng hàng không giá rẻ Frontier Airlines đã phải hủy nhiều chuyến bay và tạm dừng các chuyến bay khởi hành trên khắp nước Mỹ vào đêm ngày 18/7, mặc dù lệnh dừng này sau đó đã được dỡ bỏ. Hãng hàng không đã cam kết hoàn tiền cho các hành khách bị ảnh hưởng và cảm ơn sự kiên nhẫn của khách hàng.

Đến 5h sáng ngày 20/7 (giờ ET), các hãng hàng không Mỹ đã có thể khôi phục hoạt động một cách an toàn.

Tại Ấn Độ, hơn 200 chuyến bay đã bị các hãng hàng không hủy do sự cố trên, trong đó, riêng hãng hàng không IndiGo Airlines đã hủy 192 chuyến bay.

Tại Vương quốc Anh, hơn 100 chuyến bay nội địa, chuyến bay đến và đi từ Vương quốc Anh cũng đã bị hủy do sự cố trên.

Theo tờ Independent, các sân bay London Heathrow, Manchester và Edinburgh là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các sân bay ở Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan... cho biết, việc hệ thống dịch vụ ngừng hoạt động đã khiến một số hãng hàng không phải làm thủ tục cho hành khách theo cách thủ công.

Việc các hãng hàng không phải hủy, hoãn hàng loạt chuyến bay khiến cho ngành hàng không toàn cầu gần như ngừng trệ và tại nhiều sân bay trên thế giới. Theo dữ liệu của FlightAware, tính đến khoảng 17h (giờ ET) ngày 19/7, hơn 38.000 chuyến bay đã bị hoãn trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, hãng hàng không Vietjet cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong thông báo chiều 19/7, Vietjet cho biết: "Từ 11h30 đến 14h30 (giờ Hà Nội), hệ thống Microsoft Cloud toàn cầu gặp sự cố làm ảnh hưởng tới việc đặt chỗ, làm thủ tục trực tuyến. Đến 14h30, hệ thống đã hoạt động trở lại, tuy nhiên một số chuyến bay phải điều chỉnh kế hoạch khai thác và một số chuyến chịu ảnh hưởng dây chuyền".

Toàn cảnh Microsoft gặp sự cố dịch vụ quy mô lớn gây ảnh hưởng trên toàn cầu

Thông báo của Vietjet về sự cố của Microsoft.

Theo một số đại lý vé máy bay thông báo cho khách hàng trong chiều 19/7 rằng toàn bộ các hệ thống đại lý vé máy bay của Vietjet và quầy vé tại sân bay đều đã bị tê liệt. Các đại lý không thể đặt chỗ hay tác động vào code vé và hành khách cũng không thể check-in tại sân bay. Tình trạng hành khách không thể check-in đã khiến nhiều chuyến bay của Vietjet bị trì hoãn.

Đến 18h tối 19/7, Vietjet cho biết hệ thống đặt chỗ và làm thủ tục của hãng đã hoạt động ổn định trở lại.

Sự cố xảy ra sau khi Công ty an ninh mạng CrowdStrike cập nhật phần mềm Falcon Sensor của họ, được dùng để bảo vệ cơ sở hạ tầng đám mây Azure và máy tính Windows, đã khiến nhiều hệ thống bị sập và trên các máy chủ hiển thị "màn hình xanh chết chóc", thuật ngữ mô tả sự cố hệ thống trên hệ điều hành Windows của hãng Microsoft.

Đáng chú ý, không chỉ ở Mỹ, nhiều hãng hàng không, đài truyền hình, công ty viễn thông và ngân hàng khắp thế giới đều gặp vấn đề. Sàn giao dịch chứng khoán London cũng đang xem xét vấn đề về kỹ thuật với dịch vụ tin tức RNS. Kênh truyền hình Sky News cũng tạm ngừng phát sóng. Công ty viễn thông Australia Telstra cho biết vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến CrowdStrike và Microsoft làm gián đoạn hệ thống của họ.

Một ngày sau khi sự cố máy tính toàn cầu ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngân hàng, bệnh viện, cơ quan truyền thông và hãng hàng không trên khắp thế giới, nhiều hãng hàng không lớn ở châu Á và châu Âu đã khôi phục hoạt động.

Bộ Hàng không Dân dụng Ấn Độ cho biết hệ thống hàng không tại các sân bay trên khắp quốc gia Nam Á này đã hoạt động bình thường kể từ đầu ngày 20/7.

Tính đến chiều 20/7, các hãng hàng không Mỹ và các sân bay trên khắp châu Á thông báo đã nối lại hoạt động, với các dịch vụ làm thủ tục được khôi phục ở Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và sân bay Changi của Singapore.

Đến ngày 20/7, các dịch vụ ở Australia hầu như đã trở lại bình thường, nhưng Sân bay Sydney vẫn ghi nhận tình trạng trễ chuyến. Chính phủ Australia đã cảnh báo về nguy cơ gia tăng các hành vi lừa đảo sau sự cố, trong đó có thể kể đến những lời đề nghị giúp khởi động lại máy tính và yêu cầu thông tin cá nhân hoặc chi tiết thẻ tín dụng.

Toàn cảnh Microsoft gặp sự cố dịch vụ quy mô lớn gây ảnh hưởng trên toàn cầu

Tại châu Âu, các sân bay lớn, trong đó có sân bay Berlin (Đức) thông báo đã nối lại hoạt động, cho phép các chuyến bay khởi hành và đón chuyến bay đến sau khi hoãn toàn bộ các chuyến bay khi sự cố xảy ra.

Trước đó, vào tháng 01/2024, dịch vụ đám mây của Microsoft cũng ngừng hoạt động trên toàn cầu, ảnh hưởng đến dịch vụ từ Outlook đến Teams. Khi đó, Microsoft xác định nguyên nhân là do thay đổi kết nối mạng.

Theo Tạp chí An toàn thông tin

https://antoanthongtin.vn/hacker-malware/toan-canh-microsoft-gap-su-co-dich-vu-quy-mo-lon-gay-anh-huong-tren-toan-cau-110403