TP. HCM khuyến khích doanh nghiệp sớm đổi mới công nghệ sản xuất

09:30, 25/11/2021

Ngày 24/11, Sở Công Thương TP. HCM phối hợp cùng Ban Quản lý các Khu chế xuất - khu công nghiệp thành phố (HEPZA), Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố (SHTP) tổ chức Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2021 (SFS 2021).

Hội nghị năm nay diễn ra trong ba ngày 24, 25 và 26/11, với khoảng 100 nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng và đã có hơn 230 cuộc kết nối đăng ký trực tiếp và trực tuyến.

Hội nghị có sự tham gia của 22 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI thuộc các lĩnh vực điện tử - điện, cơ khí chế tạo và ngành chế tạo kỹ thuật cao phục vụ y tế tham gia kết nối trực tiếp và kết hợp trực tuyến với hơn 100 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2021.

Đặc biệt, hơn 20 doanh nghiệp là nhà đầu tư, sản xuất công nghiệp tham gia với vai trò nhà mua hàng, gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronic Việt Nam, Panasonic Việt Nam, BOSCH Việt nam, Juki Việt Nam, Schindler Việt Nam...
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp tham gia hội nghị cũng có thể tham quan khu trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sản xuất công nghiệp hỗ trợ...

Hay khu trưng bày sản phẩm của nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP. HCM; sản phẩm công nghiệp công và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu TP. HCM.
Tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, đây là hoạt động được ngành công thương TP. HCM duy trì tổ chức thường niên từ năm 2018 đến nay với mục tiêu kết nối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nhà sản xuất công nghiệp có chiến lược nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam giao thương, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cung ứng và từng bước thao gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phó giám đốc Sở Công Thương TP. HCM Nguyễn Thị Kim Ngọc nhận xét: “Sau một thời gian tổ chức, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp rất nỗ lực sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn, yêu cầu của doanh nghiệp FDI để tiếp cận được các công nghệ mà doanh nghiệp FDI chuyển giao. Qua từng năm, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp đã mạnh dạn đổi mới nhà xưởng, máy móc thiết bị để đáp ứng yêu cầu. Dần dần các nhà cung cấp và nhà đầu tư FDI cũng có điểm gặp nhau. Hy vọng trong thời gian tới, sự kết nối này sẽ mạnh hơn, tỉ lệ thành công sẽ cao hơn”.

Các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại hội nghị.

Trong khuôn khổ sự kiện còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu trực tiếp các sản phẩm tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ. Cộng đồng doanh nghiệp có thể tham quan khu trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sản xuất công nghiệp hỗ trợ... hay khu trưng bày sản phẩm của nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP.HCM; sản phẩm công nghiệp công và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu TP.HCM.

Theo Ban tổ chức, sẽ có hơn 230 cuộc kết nối được sắp xếp tại sự kiện. Bên cạnh những đại điện quen thuộc thì hội nghị năm nay có sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI mới đến từ EU, Mỹ, Nhật…Các doanh nghiệp tham gia hội nghị năm nay đưa ra danh mục hơn 400 chi tiết, linh kiện cần tìm nhà cung cấp trong nước thuộc các ngành nghề: điện, điện tử, cơ khí chế tạo cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot, tự động hóa…

 Chân Hoàn (T/h)