TPHCM đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý đô thị
Với tốc độ đô thị hóa nhanh và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, TPHCM đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Việc áp dụng chuyển đổi số trong quản lý đô thị không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, cải thiện chất lượng sống của người dân mà còn là chìa khóa để Thành phố duy trì được vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Chuyển đổi số trong quản lý đô thị giúp nâng cao hiệu quả quản lý, cải thiện chất lượng sống của người dân
Cơ hội và thách thức
Tại tọa đàm "Chuyển đổi số trong quản lý đô thị: Xu hướng và giải pháp cho TPHCM" diễn ra ngày 19/9, các chuyên gia cho rằng, TPHCM đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa, bao gồm tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quản lý hạ tầng kỹ thuật và nhiều vấn đề khác liên quan đến chất lượng sống của người dân. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng các giải pháp chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để giải quyết những thách thức này một cách hiệu quả và bền vững.
Để làm được điều này, TPHCM cần phải xác định rõ các xu hướng chủ đạo trong chuyển đổi số, từ đó xây dựng các chiến lược và giải pháp cụ thể. Một trong những xu hướng quan trọng là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý đô thị.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 TPHCM, nhấn mạnh, thách thức lớn nhất hiện nay của chuyển đổi số ở nước ta là nền tảng dữ liệu. Để quản lý đô thị TPHCM thì số hóa là công cụ. Tuy nhiên, để công cụ này phát huy hết hiệu quả thì TPHCM cần phải làm nhiều việc, như một cuộc cách mạng ở hầu hết các lĩnh vực và cần phải có lộ trình.
Đó là số hóa và chuyển đổi số hoàn toàn dịch vụ công; số hóa trong lĩnh vực xây dựng; điều chỉnh những quy định không phù hợp với quá trình số hóa cũng như xử lý, chế tài nghiêm những vi phạm; cần những trung tâm dữ liệu BigData để phục vụ chuyển đổi số.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM cho biết, mô hình liên quan dữ liệu không gian phục vụ quản trị đô thị Thành phố trong thời gian tới gồm nhiều lớp dữ liệu. Chẳng hạn như xây dựng (quản lý, cấp phép xây dựng, chống ngập); quy hoạch đô thị (công bố quy hoạch đô thị); giao thông (hạ tầng, giao thông thông minh; xây dựng (quản lý hạ tầng); đất đai (giá đất, quy hoạch sử dụng đất, đăng ký đất đai)... Đây là nội dung Thành phố đang làm với Ngân hàng Thế giới và Trung tâm chuyển đổi số đang hoàn thiện.
"Chúng ta đẩy mạnh chuyển đổi số thì cái gốc giải quyết triệt để là tạo lập dữ liệu và duy trì cập nhật thường xuyên bằng hệ thống thông tin chuyên ngành, trên cơ sở đó, ứng dụng công nghệ", bà Trinh nhấn mạnh.
Ông Lý Minh Tuân, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở TT&TT TPHCM chia sẻ về các giải pháp công nghệ mà Thành phố đang triển khai
TPHCM triển khai nhiều giải pháp công nghệ
Ông Lý Minh Tuân, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM cho biết Sở TT&TT Thành phố đang hướng đến triển khai một số giải pháp công nghệ.
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, ứng dụng GIS. Theo đó, tiếp tục phát triển và mở rộng Trung tâm dữ liệu thành phố, đảm bảo khả năng lưu trữ, xử lý và chia sẻ dữ liệu lớn từ nhiều nguồn khác nhau.
Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý đô thị ứng dụng công nghệ GIS, BIM như dữ liệu về đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường, an ninh trật tự...
Thứ hai, triển khai các công nghệ thu thập dữ liệu tự động. Cụ thể như sử dụng rộng rãi các cảm biến IoT để thu thập dữ liệu thời gian thực về các yếu tố môi trường, giao thông, an ninh...Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và thị giác máy tính để phân tích hình ảnh, video từ camera giám sát, giúp phát hiện các sự cố, vi phạm và dự báo các tình huống có thể xảy ra.
Thứ 3, ứng dụng các công cụ phân tích dữ liệu lớn, GIS và trí tuệ nhân tạo: Sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để xử lý, phân tích lượng lớn dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, phát hiện các xu hướng, mô hình và đưa ra các dự báo.
Phát triển các mô hình AI để hỗ trợ ra quyết định tự động trong các tình huống khẩn cấp, các vấn đề thường xuyên lặp lại, giúp giảm tải công việc cho cán bộ quản lý và nâng cao hiệu quả xử lý công việc.
Thứ 4, đảm bảo an ninh, bảo mật thông tin cho hệ thống: Xây dựng và triển khai các giải pháp, chính sách an ninh mạng tiên tiến để bảo vệ hệ thống dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng, đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật của dữ liệu.
Ông Lý Minh Tuân cho biết, thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ tiên tiến này, TPHCM kỳ vọng sẽ xây dựng được một hệ thống quản lý đô thị thông minh, hiệu quả, minh bạch và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.