TP.HCM: Đóng cửa Bệnh viện dã chiến đầu tiên
Trong ngày 16/10, TP Hồ Chí Minh sẽ đóng cửa Bệnh viện Dã chiến số 1 tại ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
- Tập đoàn Hòa Phát tài trợ thiết bị y tế và nội thất cho Bệnh viện Dã chiến Hoàng Mai
- Đồng Nai: Đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến số 11 với quy mô 3.000 giường bệnh
- Cần Thơ: Hoàn thành lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin tại 5 bệnh viện dã chiến
- Hoàn thiện hạ tầng và thiết bị CNTT cho Bệnh viện dã chiến tại Thủ Đức trong một ngày
- Bộ Xây dựng lập tổ công tác đặc biệt hỗ trợ xây bệnh viện dã chiến ở miền Nam
- Bảo đảm kết nối không gián đoạn tại các bệnh viện dã chiến
Trước việc số ca mắc COVID-19 mới đang giảm dần, TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch từ giữa tháng 10 đến tháng 12/2021 đóng cửa các bệnh viện dã chiến. Đặc biệt, ưu tiên đóng cửa sớm các bệnh viện dã chiến bố trí tại các trường học và ký túc xá, trả lại mặt bằng cho học sinh, sinh viên chuẩn bị trở lại trường học.
Liên quan đến việc tiêm phòng vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế đã có tờ trình gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố về dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi tại Thành phố theo công văn hướng dẫn của Bộ Y tế ngày 14/10. Dự kiến việc tiêm chủng bắt đầu từ ngày 22/10 và sẽ có khoảng 780.000 trẻ em trong độ tuổi này được tiêm chủng.
Do đối tượng lần này là trẻ em nên Sở sẽ lên kế hoạch chu đáo và tiến hành tiêm cẩn thận để đảm bảo an toàn cao nhất. Với năng lực, tốc độ tiêm chủng hiện nay, có thể trong 1 tuần TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho đối tượng này.
Trong ngày 16/10, Thành phố sẽ đóng cửa Bệnh viện Dã chiến số 1 tại ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Chia sẻ về việc phân cấp độ dịch của Thành phố hiện nay, ông Tăng Chí Thượng thông tin: Theo 3 tiêu chí đánh giá của Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” TP Hồ Chí Minh đang ở tạm mức 3 – vùng cam và có thể sẽ chuyển xuống cấp độ mức 2 - vùng vàng trong vài ba ngày tới.
Ông Tăng Chí Thượng nhận định: "Rất cần tiếp tục có sự chung sức của người dân cùng có ý thức tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, giúp Thành phố sớm bước sang cấp độ 2, rồi mới tiến tới mức độ thấp nhất là mức độ 1 – bình thường mới".
Thời gian tới, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ ban hành hướng dẫn các quận, huyện, phường, xã tiêu chí phân loại cấp độ để đánh giá và áp dụng các biện pháp phòng dịch theo từng địa phương.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố đã giảm dần trong 14 ngày qua, ở mức từ 1.000-1.500 ca mắc mới/ngày. Số lượng bệnh nhân xuất viện cũng cao hơn số nhập viện, số ca bệnh nặng giảm dần, số ca tử vong giảm liên tục. Tuy nhiên, căn cứ vào tiêu chí tỷ lệ ca mắc/100.000 dân/tuần thì TP Hồ Chí Minh vẫn đang ở mức cao. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine của Thành phố đã đạt 98% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 và 7% đã tiêm mũi 2. Dựa theo cấp độ dịch mà Nghị quyết 128 của Chính phủ vừa ban hành thì TP Hồ Chí Minh đang tạm ở mức 3 – vùng cam. |
PV (T/h)