Trình chiếu bức tranh 3D “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tại thủ đô Hà Nội
Bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” - tác phẩm nghệ thuật đồ sộ khắc họa rõ nét “Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã được trình chiếu bằng công nghệ 3D Mapping phục vụ người dân Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đến thưởng lãm.
Các đại biểu dự lễ khai mạc sự kiện trình chiếu bức tranh về chiến dịch Điện Biên Phủ bằng công nghệ 3D mapping.
Tối ngày 3/5/2024, với mong muốn mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng hướng về Điện Biên Phủ để tưởng nhớ, tri ân và hồi tưởng lại những ngày tháng bi tráng, hào hùng của lịch sử dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc trình chiếu bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" bằng công nghệ 3D Mapping” tại Tượng đài Cảm tử, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sự kiện có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á Nguyễn Việt Hanh, và lãnh đạo của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan cùng sự chứng kiến của đông đảo nhân dân Thủ đô.
Thời gian trình chiếu bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” bằng công nghệ 3D Mapping là từ 18h30 - 23h các ngày từ ngày 3 - 7/5.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng: “Việc trình chiếu bức tranh 3D “Chiến dịch Điện Biên Phủ” không chỉ là một trải nghiệm mà sẽ góp phần quảng bá, nuôi dưỡng sự trân trọng sâu sắc hơn với lịch sử, với cha anh, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước”.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Với mong muốn truyền tải trọn vẹn giá trị lịch sử tới người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, hiểu thêm về những hy sinh to lớn của cha ông, hiểu hơn về giá trị của hòa bình và độc lập, Bộ TT&TT phối hợp cùng UBND TP. Hà Nội đưa bức tranh này từ Điện Biên về Hà Nội thông qua công nghệ trình chiếu 3D Mapping. Đây là kỹ thuật sử dụng ánh sáng, hình ảnh, âm thanh để tạo hiệu ứng giúp người xem trải nghiệm bức tranh một cách sống động và chân thực nhất".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng: “Việc trình chiếu bức tranh 3D “Chiến dịch Điện Biên Phủ” không chỉ là một trải nghiệm mà sẽ góp phần quảng bá, nuôi dưỡng sự trân trọng sâu sắc hơn với lịch sử, với cha anh, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước”.
Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo trong không gian 360o, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m với tổng diện tích là 3.225m² tái hiện sống động hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ kết hợp với phần nghệ thuật sắp đặt, trưng bày các hiện vật.
Người dân Hà Nội chiêm ngưỡng trường đoạn 3 và 4 của bức tranh “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Chương trình trình chiếu 3D Mapping bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” dự kiến qua 4 trường đoạn:
Trường đoạn 1: Toàn dân ra trận - Hình ảnh người dân dắt xe thồ hỗ trợ tiền tuyến và những người chiến sĩ quả cảm kéo pháo lên đỉnh đồi chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ cùng với những tiếng hò dô khích lệ tinh thần nhau, xen kẽ vào đó là hình ảnh những bữa ăn đơn sơ của người lính.
Trường đoạn 2: Khúc dạo đầu hùng tráng - Những người lính tiến lên xung phong ra trận, cùng với những tiếng hô “xung phong” và hàng loạt tràng pháo mặt đất. Bên cạnh đó là hình ảnh những cán bộ quân y đang chăm sóc những người lính bị thương.
Trường đoạn 3: Cuộc đối đầu lịch sử - Người lính bò qua các hầm đào cùng với các hành động bắn súng, tiếng hô “xung phong” và những người lính tử trận trên chiến trường cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh.
Trường đoạn 4: Khúc khải hoàn mừng chiến thắng - Lá cờ Việt Nam tung bay phấp phới trên nắp hầm tướng DeCastries và các chiến sĩ dẫn giải tướng DeCastries và các tù binh ra khỏi hầm.
3D Mapping là kỹ thuật dùng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D cho bề mặt mà nó tiếp xúc nhằm tạo các khối hình ảnh trong không gian ba chiều. Có thể hiểu 3D mapping là sự kết hợp giữa 3D và công nghệ làm phim thông qua việc dựng mô hình có tỉ lệ kích thước giống hoàn toàn 100% so với vật thể thật, kết hợp các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng 3D để trình chiếu cho người xem./.
Theo mic.gov.vn