Trung Quốc không xấu hổ khi “ăn cắp ý tưởng” công nghệ?
Tiên phong trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc đồng nghĩa “tự thắt cổ mình”. Việc “người người sao chép, nhà nhà sao chép” đã thành văn hóa ở quốc gia này?
- Trung Quốc chiếm ngôi đứng đầu sản xuất chip của Mỹ?
- Bất ổn thị trường Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro cho ngành sản xuất chip Mỹ
- Mỹ nghi tin tặc Trung Quốc tấn công mạng dữ liệu Chính phủ để tống tiền
- Trung Quốc bị cấm mua bộ xử lý Intel vì… thử nghiệm hạt nhân?
- “Apple Trung Quốc” tham vọng trở thành bá chủ
- Chiếc Nexus Phone tiếp theo sẽ không là hàng Trung Quốc
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
“Người người sao chép, nhà nhà sao chép” thực sự phổ biến tại Trung Quốc?
So với việc tự mình sáng tạo hoặc phát minh ra các giải pháp, sản phẩm mới trong lĩnh vực công nghệ như Mỹ và các nước phương Tây thì việc sao chép các sản phẩm, công nghệ của các công ty khác được đánh giá cao hơn ở Trung Quốc. Có nhiều nguyên do cho hành động này, chẳng hạn như rủi ro ít hơn, chi phí sản xuất thấp hơn, hay hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cụ thể, trước khi Sina Weibo trở thành dịch vụ tiểu blog (microblogging) lớn nhất, được xem như “Twitter Trung Quốc” thì ý tưởng này đã được công ty Fanfou cho ra đời đầu tiên trước đó. Họ đánh bại tất cả các đối thủ lớn trong và ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nhưng chính phủ lo ngại microblogging này sẽ trở thành phương tiện tuyên truyền của các thế lực thù địch nên dịch vụ microblogging của Fanfou bị cấm và đóng cửa sau đó.
Không để cơ hội vụt mất, hai ông lớn công nghệ Sina và Tencent đã triển khai dịch vụ microblogging tương tự, song song với việc vận động hành lang làm dịu đi mối quan ngại của chính phủ để phát triển ra Sina Weibo như hiện nay. Mặc dù sau đó, khi quy định đã rõ ràng, microblogging của Fanfou mở cửa trở lại nhưng rất khó để cạnh tranh với Sina Weibo vì dịch vụ này đã bỏ quá xa so với công nghệ của Fanfou.
Tại Trung Quốc, việc “người người sao chép, nhà nhà sao chép” đã trở nên quá quen thuộc và không bị kỳ thị ghê gớm như ở Mỹ và các nước phương Tây. Bên cạnh đó, hành động sao chép ý tưởng đã thành công từ các công ty Mỹ hay châu Âu sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tránh được nguy cơ thất bại vì ý tưởng đó đã được các công ty nước ngoài thực nghiệm thành công. Lại nữa, luật sở hữu trí tuệ tại châu Âu lại không hề có hiệu lực nếu áp dụng tại Trung Quốc. Đó cũng là những nguyên do khiến cho việc “ăn cắp ý tưởng”, sao chép sản phẩm công nghệ của các công ty khác tại Trung Quốc lại trở nên phổ biến đến vậy.
Kết quả là từ điện thoại di động, máy ảnh số, đồng hồ thông minh đến hàng tiêu dùng như mỳ tôm, sữa, chất tẩy rửa… đều có thể được làm “nhái” ở Trung Quốc.
Trong cuốn sách “Trung Quốc trong 10 từ”, tác giả Yua Hua có viết: “Ngay sau khi một chiếc điện thoại di động nhái làm mưa làm gió tại Trung Quốc, những chiếc camera số nhái, máy MP3 nhái, máy game console nhái, những sản phẩm ăn cắp bản quyền và bắt chước ồ ạt ra đời. Những thương hiệu nhái nhanh chóng mở rộng sang các sản phẩm như mỳ tôm, soda, sữa, thuốc, chất tẩy rửa, giày thể thao và từ ‘nhái’ đã xâm nhập sâu sắc vào từng lĩnh vực cuộc sống của người dân Trung Quốc.”
Hậu quả từ hành vi “vay mướn ý tưởng” của Trung Quốc gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế của đất nước này.
Trước thực trạng sao chép sở hữu trí tuệ từ các công ty nước ngoài được coi là “không sao cả” tại Trung Quốc, các công ty nước ngoài ngày càng trở nên dè dặt hơn khi quyết định rót vốn đầu tư vào đại lục này.
Thậm chí, một số công ty nước ngoài sẵn sàng rời bỏ Trung Quốc hoặc không muốn mang tài sản về sở hữu trí tuệ thâm nhập vào Trung Quốc vì lo ngại tài sản trí tuệ của họ sẽ bị các công ty Trung Quốc đánh cắp và nhân bản.
Ngoài ra, một tác hại nghiêm trọng khác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của quốc gia này từ hành vi sao chép sở hữu trí tuệ là sự cải tiến và sáng tạo sẽ dần bị “bóp chết” để nhường đường cho việc học vẹt và giành sự ủng hộ của các nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm mục đích kiếm lợi nhuận một cách nhanh nhất.
Về lâu dài, nếu tình trạng ăn cắp ý tưởng vẫn tiếp diễn rộng rãi thì Trung Quốc sẽ không bao giờ tạo ra được những sản phẩm tiên phong độc đáo đóng góp cho thế giới và mãi vẫn chỉ là một nước theo sau, luôn đi vay mượn ý tưởng trong lĩnh vực công nghệ.
Hậu quả mà Trung Quốc sẽ gánh chịu trong thời gian tới cũng là bài học cho tất cả các tổ chức, doanh nghiệp hoặc quốc gia nào chỉ muốn nhanh chóng kiếm lợi nhuận bằng cách đánh cắp ý tưởng thay vì tập trung vào sự đổi mới, sáng tạo.
Thiện Hoàn