Tương lai nào cho công nghệ ngôn ngữ ở Việt Nam trước những thách thức của ChatGPT?
Những ngày gần đây, công nghệ trả lời tự động bằng cả tiếng Việt của ChatGPT đã trở thành một chủ đề nóng ở Việt Nam và gây được sự chú ý từ nhiều phía. Theo thống kê của Google Trends, "ChatGPT", "OpenAI" liên tục nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều tại Việt Nam.
ChatGPT là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển từ mô hình GPT-3.5 của công ty khởi nghiệp OpenAI, được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống một cuộc trò chuyện với người thật. Dù hoạt động miễn phí, người sử dụng cần có tài khoản trên nền tảng của OpenAI. Dịch vụ chưa hỗ trợ mở tài khoản ở Việt Nam. Người dùng trong nước muốn trải nghiệm phải sử dụng mạng riêng ảo (VPN), thuê số điện thoại nước ngoài với giá khoảng 1 USD, dùng thẻ thanh toán quốc tế để đăng ký, hoặc mua tài khoản từ người khác.
Theo TS.Đặng Minh Tuấn - một chuyên gia CNTT có nhiều nghiên cứu về xử lý ngôn ngữ, ChatGPT tạo được mối quan tâm lớn bởi lần đầu có một sản phẩm AI được giới thiệu rộng rãi, trí tuệ nhân tạo nhưng đem đến cảm giác rất gần trí tuệ của con người. Điểm hấp dẫn của ChatGPT là khả năng trả lời đa dạng câu hỏi ở nhiều lĩnh vực, từ câu hỏi liên quan đến tri thức cho đến việc tạo ra nội dung theo yêu cầu, như kịch bản phim, hay thậm chí lập trình, sửa lỗi.
Tuy nhiên TS.Đặng Minh Tuấn cho biết, những sản phẩm mới như ChatGPT sẽ có tính hai mặt.
Về mặt tốt, người dùng có thể tận dụng AI để thu thập thông tin kiến thức, nhờ gợi ý các ý tưởng theo dữ liệu mà ChatGPT được huấn luyện. Giải pháp của OpenAI có thể giúp tiết kiệm thời gian bằng cách trả lời nhanh, đi thẳng vấn đề, thay vì đưa ra danh sách đường link và người dùng phải tự tổng hợp như khi sử dụng Google.
Ngược lại, đây cũng có thể trở thành vấn đề nguy hiểm nếu câu trả lời sai sót về mặt thông tin. "ChatGPT chỉ là một mô hình ngôn ngữ, có thể trả lời sai hoặc chưa chính xác, không có link dẫn nguồn để minh chứng kết quả đưa ra", ông Tuấn nói. Ngoài ra, trong những cuộc trò chuyện, ChatGPT không hiểu bối cảnh hoặc cảm xúc của người dùng, nên có thể trả lời không phù hợp hoặc gây tác động xấu đến trải nghiệm.
Với sức mạnh của AI như ChatGPT, người dùng nên sử dụng với mục đích phù hợp và có trách nhiệm. Họ chỉ nên coi ChatGPT như một tài nguyên tham khảo, với mục đích học tập hoặc tìm kiếm thông tin, chứ không nên coi nó là một nguồn tin tuyệt đối, hoặc dùng để đưa ra các quyết định, hành động có tác động đến người khác. Đồng thời, cần cẩn thận với thông tin gây tranh cãi hoặc gây tổn hại cho cá nhân hoặc tổ chức.
Đã có một cơ quan báo chí ở Việt Nam thực hiện phỏng vấn với ChatGPT và với câu hỏi: “Đâu là xu hướng ứng dụng ChatGPT ở Việt Nam?” thì câu trả lời tự động là: “Hiện tại, xu hướng sử dụng OpenAI GPT tại Việt Nam chủ yếu bao gồm: xây dựng chatbot (Chatbot là một trong những ứng dụng phổ biến của ChatGPT tại Việt Nam, được sử dụng trong các lĩnh vực như tư vấn khách hàng, giải đáp thắc mắc…); xử lý ngôn ngữ tự nhiên (gồm các tác vụ như phân tích cảm xúc, phân tích nghĩa, dịch ngôn ngữ…); tự động hóa công việc (ChatGPT cũng được sử dụng để tự động hóa các công việc như tạo ra văn bản, trả lời câu hỏi, tự động hóa giao dịch). Tuy nhiên, việc triển khai và sử dụng ChatGPT tại Việt Nam cần phát triển thêm và cần nhiều nguồn lực hơn, cả nguồn lực lập trình và dữ liệu”
Qua câu trả lời tự động của ChatGPT trên đây, có thể nói vẫn còn nhiều cơ hội cho giới công nghệ ngôn ngữ trong nước và vấn đề là chúng ta sẽ phải làm gì. Đương nhiên, không nói tới các chuyên gia CNTT về lĩnh vực này thì phải nói đến ngành ngôn ngữ học Việt Nam và họ không thể đứng mãi ngoài cuộc trước những vận động mạnh mẽ của CNTT liên quan đến ngôn ngữ học suốt nhiều năm qua.
Bình luận về phát biểu của một lão làng ngành ngôn ngữ học là “CNTT ra yêu cầu và ngôn ngữ học trả lời cho những yêu cầu đó”, đã có nhiều người trong ngành CNTT muốn hỏi lại chuyên gia này là liệu các vị đã biết gì về lập trình, về trí tuệ nhân tạo và cơ sở dữ liệu… để chúng tôi “đặt hàng” cho việc trả lời những câu hỏi được đặt ra?
Dẫu sao cũng đáng mừng là tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam hồi tháng 7/2022, lần đầu tiên CNTT đã được đưa vào Nghị quyết của Đại hội. Tuy nhiên, được biết sau Đại hội thì dường như lãnh đạo Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng chưa có bất cứ động thái nào để cụ thể hoá cho nội dung này.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó là sự phát triển của các ngành khoa học mà không ai đợi ai. Vậy bản thân các chuyên gia trong ngành ngôn ngữ học Việt Nam nghĩ gì về bước phát triển mới nhất với dấu ấn của ChatGPT? Câu trả lời xin chờ lãnh đạo Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Viện Ngôn ngữ học.
Trịnh Nguyễn