Ứng dụng công nghệ phát triển du lịch thông minh
Khi thành phố Hồ Chí Minh từng bước kiểm soát được dịch Covid-19, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng tái cấu trúc để thích ứng với tình hình mới và phát triển bền vững. Một trong những giải pháp để thích ứng là tăng cường ứng dụng công nghệ phát triển du lịch thông minh.
- Ứng dụng công nghệ mới trong ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn
- Ứng dụng công nghệ blockchain để đối phó với biến đổi khí hậu
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khánh thành 4 ứng dụng công nghệ ngành tòa án
- Tăng cường trang bị kỹ năng ứng dụng CNTT trong triển khai hoạt động cho cán bộ Hội
Ảnh: minh họa
Chị Phan Thị Kim Thoa (phường 3, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, hơn một năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gia đình chị chưa có chuyến đi du lịch nào. Hiện tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nên chị mong muốn các doanh nghiệp du lịch xây dựng các tour tiện ích và hiệu quả để người dân được đi du lịch an toàn.
Ông Phú Văn Nghĩa, người từng có nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch tại Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành (Ben Thanh Tourist) cho biết, trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện hình thức “du lịch online”. Hướng dẫn viên du lịch có thể không trực tiếp tác nghiệp ngoài thực tế, mà thực hiện tác nghiệp trực tuyến như một hướng dẫn viên ảo.
Trong khi đó, theo Giám đốc Truyền thông - Marketing, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch và thương mại TST (TST Tourist) Nguyễn Minh Mẫn, đẩy mạnh thương mại điện tử trong ngành Du lịch cũng là một hình thức du lịch thông minh. Bộ phận tiếp cận và chăm sóc khách hàng tại các công ty du lịch ít tiếp xúc trực tiếp với khách hàng hơn, còn khách hàng có thể đặt tour, thanh toán... trực tuyến.
“Nếu như khoảng hơn 10 năm trước đây, chỉ có 5% lượng khách thực hiện các thủ tục đặt tour du lịch thông qua hình thức trực tuyến, thì nay tỷ lệ này đã đạt khoảng 20% và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp du lịch nhận thức rất rõ cần phải tiếp tục ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, viễn thông vào khai thác, kinh doanh du lịch. Điều này có vai trò rất quan trọng trong việc thích ứng với tình hình mới”, ông Mẫn cho hay.
Trong năm 2021, doanh thu lĩnh vực du lịch, lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 2.935 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với năm trước. Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, chính quyền và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp, nỗ lực phục hồi ngành Du lịch vào những tháng cuối năm như khai thác các địa điểm du lịch trong thành phố (Cần Giờ, Củ Chi, tour tham quan nội thành...). Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh liên kết với các tỉnh, thành phố, thích ứng an toàn với dịch Covid-19 nhằm từng bước khôi phục hoạt động du lịch và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ hướng đến phát triển du lịch thông minh. Để thực hiện đề án này, bắt đầu từ năm 2022, thành phố sẽ xây dựng trung tâm điều hành du lịch thông minh. Bên cạnh đó, xây dựng ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số du lịch, tham quan thực tế ảo và lên lịch trình du lịch trực tiếp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khách du lịch để phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường tiện ích và trải nghiệm của khách du lịch gắn với nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch; chú trọng phân tích nhu cầu, xu hướng, sở thích du lịch, từ đó dự báo và hoạch định phát triển ngành Du lịch tốt hơn…
Theo/hanoimoi.com.vn