Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

16:37, 18/09/2021

Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở Ninh Bình góp phần tăng giá trị, chất lượng sản phẩm; giảm chi phí sản xuất và những tác động xấu đến môi trường. Ðó là hướng đi mới, phương thức chuyển đổi tư duy canh nông thuần túy, sang làm kinh tế nông nghiệp dựa trên cơ sở tổ chức sản xuất hàng hóa tiên tiến, bền vững.

Ứng dụng điện thoại thông minh trong chăm sóc rau ở Công ty cổ phần đầu tư Công nghệ xanh (Ninh Bình).

Sau nhiều năm tích tụ đất đai, trăn trở làm kinh tế nông nghiệp thời công nghệ 4.0, chị Lê Thị Dung ở xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh (Ninh Bình), đã thỏa mãn ước mơ làm giàu trên quê hương, nhờ thực hiện thành công mô hình: Sản xuất nông sản sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp ứng dụng IoT (internet vạn vật). Nhờ đó, các nhóm rau củ, quả dài ngày như, dưa lê, cà chua, bầu, bí; đến nhóm rau ăn lá gồm xà lách, rau cải, mồng tơi, đậu đũa của chị Dung cung cấp ra thị trường bảo đảm tươi ngon, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Ðây là nông dân đầu tiên ở tỉnh Ninh Bình ứng dụng công nghệ IoT để loại bỏ hình thức sản xuất bằng kinh nghiệm. Công nghệ IoT là quá trình áp dụng công nghệ viễn thông, điện tử kết nối máy tính, điện thoại thông minh  điều khiển, giám sát hoạt động sản xuất, từ đó đưa ra quyết định phù hợp khi chăm sóc, bón phân, tưới nước cho cây trồng ở mọi nơi, mọi lúc. Bây giờ, chị Dung là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Công nghệ xanh (gọi tắt là Công ty CPÐTCNX), có quy mô đất sản xuất 11 ha, có 6.000 m2 nhà kính, nhà lưới chuyên sản xuất rau, quả an toàn, năng suất bình quân đạt 750 tấn/ha/năm (cao gấp bốn lần so với năng suất rau, quả sản xuất bình thường). Ðến nay, sản phẩm của công ty được chứng nhận VietGAP, được cấp mã QR, cho nên nhiều cửa hàng nông sản sạch, nhà hàng ở các khu điểm du lịch trong tỉnh và nhiều siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng tin tưởng đặt hàng sử dụng. Chị Dung nói: “Ứng dụng công nghệ IoT, công ty giảm được 70% lao động trực tiếp là nông dân; nguồn nước, phân bón cũng giảm tối đa, góp phần sản xuất thân thiện với môi trường”.

Ở Ninh Bình, nhiều nông dân khác cũng đang nỗ lực chuyển đổi số thông qua Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ðến nay, nhiều sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh. Trong đó, có 21 sản phẩm xếp hạng bốn sao, được thị trường tiếp nhận qua sàn thương mại điện tử. Anh Mai Quang Kìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa, huyện Yên Mô (Ninh Bình) cho biết: Nhờ tích cực ứng dụng chuyển đổi số, sản phẩm “cá trạch sụn kho niêu” của HTX có bao bì, nhãn mác đẹp, có tem truy xuất nguồn gốc. Qua giao dịch trên sàn thương mại điện tử, các nhóm bạn hàng Zalo, Facebook, sản lượng tiêu thụ tăng lên 4,5 lần, so với trước; thu nhập lao động đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng. Những mô hình sản xuất như của chị Lê Thị Dung, anh Mai Quang Kìn, cùng với hơn 400 mô hình ứng dụng công nghệ cao; gần 100 đề tài, dự án khoa học được tỉnh Ninh Bình triển khai đã góp phần làm cho nông nghiệp của Ninh Bình từng bước chuyển dịch sản xuất từ số lượng sang chất lượng; giá trị sản xuất đạt hơn 138 triệu đồng/ha/năm.

Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình, Ðinh Văn Khiêm cho biết: “Mục tiêu phát triển nông nghiệp ở Ninh Bình là chú trọng nông nghiệp công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững. Từ lựa chọn đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng liên quan, luôn quán triệt quan điểm “ba đúng” là chủ trương đúng, chính sách đúng và quyết định đúng. Chủ trương là Nghị quyết số 05 do Tỉnh ủy Ninh Bình đề cập rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, phấn đấu tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đến năm 2030 đạt 200 triệu đồng/ha canh tác. Chính sách đúng là HÐND tỉnh ban hành các cơ chế hỗ trợ: Phát triển thương hiệu; xây dựng chỉ dẫn địa lý; xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hàng hóa. Và quyết định đúng là hình thức phân bổ kinh phí đúng trọng tâm, trọng điểm do UBND tỉnh thực hiện như: Ðầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm cho vùng sản xuất rau màu tập trung chuyên canh có diện tích 20 ha ở hai huyện Yên Khánh, Yên Mô; nâng cấp đường giao thông vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ven biển Kim Sơn...”. Ðến nay, tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm tăng từ 24,6% lên 34,6%, nhất là ở vùng trồng na trái vụ với diện tích 200 ha thuộc huyện Nho Quan; vùng trồng hoa cảnh quan phục vụ du lịch trải nghiệm ở huyện Hoa Lư. Tỷ lệ sản phẩm nông - lâm nghiệp - thủy sản được sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc tương đương tăng từ 3,4% lên 10,3%. Ngành nông nghiệp Ninh Bình nhanh chóng cơ cấu lại toàn diện, hiện đại; dịch chuyển theo định hướng thị trường, gắn với bảo quản, chế biến. Công nghệ cao, công nghệ thông minh được áp dụng trên lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm lợi thế, riêng có của Ninh Bình như: Sản phẩm nước dứa, nước  lạc tiên  đóng hộp; sản phẩm đông lạnh từ dứa, vải, xoài, ngô ngọt xuất khẩu với số lượng lớn sang thị trường EU của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao.

Ðối với lĩnh vực thủy sản, nổi bật là mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà chóp bằng lưới. So với các tỉnh khác ở phía bắc, chỉ có nông dân Ninh Bình nuôi được tôm ba vụ/năm, giá trị đạt 9 tỷ đồng/ha/năm đến 10 tỷ đồng/ha/năm. Trong đó nổi bật là vụ tôm qua đông (nuôi tôm trong mùa đông giá rét). Anh Ðặng Thanh Tân, ở thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn cho biết: Gia đình anh nuôi 4 ha tôm, được Trạm thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh hỗ trợ tập huấn công nghệ nuôi tôm thương phẩm theo quy trình BIOFLOC, phòng được dịch bệnh, vừa hạn chế xả thải ra môi trường. Nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ cao, năng suất nuôi tôm của anh Tân đạt từ 30 tấn/ha/vụ đến 40 tấn/ha/vụ. Anh Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh  khẳng định: “Áp dụng công nghệ cao nuôi tôm trong nhà lưới vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao vừa hạn chế được rủi ro”.

Mặc dù đạt nhiều kết quả  phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, song thực tế sản xuất nông nghiệp của Ninh Bình còn nhiều hạn chế. Ðó là chưa hình thành được vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn; một số  mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, sản xuất rau, củ quả an toàn có hiệu quả nhưng chậm nhân rộng. Việc tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết “bốn nhà” theo chuỗi giá trị hạn chế; quyền sử dụng đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn trong việc tích tụ đất đai xây dựng mở rộng vùng sản xuất; việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả còn nhiều vướng mắc; đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh hướng tới chuyển đổi số đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, nhưng nguồn vốn của nông dân lại hạn hẹp; nhiều hộ, nhiều HTX, doanh nghiệp nông nghiệp còn tư tưởng trông chờ hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh. Do vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền ở Ninh Bình đang tích cực cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp; tập trung hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến nông sản lớn cho Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao; khuyến khích hỗ trợ hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xúc tiến  hoạt động thương mại điện tử đối với các sản phẩm hiện có; tăng cường thu hút các dự án công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, mới, tạo đà cho nông nghiệp của tỉnh tiếp cận chuyển đổi số nhanh hơn.

Theo/nhandan.vn