Ứng dụng tốt CNTT – thủ tục thông quan và nộp thuế đơn giản hơn bao giờ hết

Thùy Dung 13:43, 19/06/2020

Ðại diện Tổng cục Hải quan cho biết, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cũng là một trọng tâm được ngành thường xuyên chú trọng, những TTHC không cần thiết đã được cắt bỏ…. thủ tục thông quan hàng hóa và nộp thuế giờ đây chỉ tính bằng giây.

Bước “chuyển mình” lớn nhất trong thủ tục hành chính

Năm 2014 đánh dấu sự kiện quan trọng của ngành khi Luật Hải quan có hiệu lực thi hành. Với cơ sở pháp lý vững chắc này, ngành hải quan đã triển khai hàng loạt hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý.

Tiêu biểu là việc hợp tác với Chính phủ Nhật Bản đưa vào vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCISS. Theo đó, khác với việc thực hiện thủ tục hải quan thủ công hoặc bán điện tử như trước, hệ thống đã tự động phân luồng hàng hóa xuất, nhập khẩu theo tiêu chí quản lý rủi ro: luồng xanh thông quan tự động trong ba giây, luồng vàng kiểm tra hồ sơ và luồng đỏ kiểm tra thực tế một phần hàng hóa.

Ngành hải quan đang xây dựng đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin, khung kiến trúc Chính phủ điện tử ngành hải quan.

Hằng năm, trong số hơn 10 triệu hồ sơ hải quan phát sinh, có khoảng hơn 99% số hồ sơ hải quan được thực hiện trên hệ thống, số thu thuế điện tử đạt hơn 95%. Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua thông quan tự động tại tất cả các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống này cũng xử lý hơn 99,6% tờ khai và thời gian tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trong thời gian chỉ từ 1-3 giây.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, nhờ hệ thống thông quan tự động, thời gian thông quan những lô hàng xuất khẩu giàm 3 giờ, và giảm 6 giờ với lô hàng nhập khẩu. Với khoảng 11- 12 triệu tờ khai/năm, hệ thống thông quan điện tử đã giúp tiết kiệm khoảng 200 triệu USD.

Năm 2019, Tổng cục Hải quan tiếp tục xây dựng và triển khai đề án “Chương trình nộp thuế điện tử Doanh nghiệp nhờ thu”. Đề án được nâng cấp trên nền tảng Hệ thống nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu có số lượng lớn tờ khai phải nộp tiền thuế, có đủ năng lực tài chính.

Ông Nguyễn Dương Thái - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Hiện đã có 43 ngân hàng phối hợp thu với Tổng cục Hải quan, 29 ngân hàng triển khai kết nối 24/7, 6 ngân hàng triển khai chương trình doanh nghiệp nhờ thu. “Thời gian nộp thuế trước đây tính bằng giờ thì hiện tại chỉ tính chỉ bằng giây không kể thời gian khai báo”, ông Nguyễn Dương Thái - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết.

Không chỉ phục vụ cho cơ quan Hải quan và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hệ thống thu thuế điện tử còn phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, chẳng hạn việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển Hải Phòng qua Cổng thanh toán điện tử Hải quan 24/7 được triển khai đầu năm 2020 với 4 ngân hàng phối hợp thu.

Cũng theo đại diện Tổng cục Hải quan, trong tương lai, hệ thống này sẽ phục vụ thanh toán bằng phương thức điện tử không chỉ giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước (B2G) mà còn cả thanh toán điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp tham gia Cơ chế một cửa quốc gia.

Giảm bớt thủ tục kiểm tra – tận dụng thời cơ trong giao thương quốc tế

Về hiện đại hóa hành chính, ngành hải quan đang xây dựng đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin, khung kiến trúc Chính phủ điện tử ngành hải quan, đề án đầu tư hệ thống seal định vị điện tử phục vụ giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ, tiếp tục triển khai Hệ thống quản lý hàng hóa tự động (VASSCM) tại cảng biển.

Hiện nay, toàn ngành đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4 đạt gần 90% tổng số TTHC. Trong đó, DVCTT thực hiện mức độ 4 đạt 85% (yêu cầu của Chính phủ giai đoạn 2019 - 2020 là 30%); 100% các DVCTT mức độ 3, mức độ 4 được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia (yêu cầu giai đoạn 2019 - 2020 là 30%); sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động đạt 100% (yêu cầu giai đoạn 2019 - 2020 là 20%); hệ thống DVCTT đã cung cấp giao diện cho các thiết bị di động đạt 100% (yêu cầu giai đoạn 2019 - 2020 là 50%).

Tổng cục Hải quan dự kiến đưa thêm 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2020.

Ðáng chú ý, 100% DVCTT được xử lý bằng hồ sơ điện tử, thông tin của doanh nghiệp tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến, DVCTT sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đều vượt xa tỷ lệ yêu cầu của Chính phủ giai đoạn 2019 - 2020.

Ngành cũng đã phối hợp 13 bộ, ngành triển khai 198 TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia với hơn ba triệu hồ sơ của gần 37 nghìn doanh nghiệp, bảo đảm 100% doanh nghiệp truy cập và được xác thực qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Ðến nay, Việt Nam đã thực hiện trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D bản điện tử với 10 nước ASEAN; ngành hải quan ký kết với 43 ngân hàng thương mại phối hợp thu thuế điện tử "mọi lúc, mọi nơi" với số thu đạt 95,3%.

Theo nhìn nhận của cộng đồng doanh nghiệp, thông qua nỗ lực điều phối của Tổng cục Hải quan, họ đã giảm bớt rất nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành vốn đang chiếm tới 72% thời gian thông quan, qua đó tận dụng được nhiều thời cơ trong hoạt động giao thương quốc tế.

Theo dự kiến, Tổng cục Hải quan sẽ tích hợp 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2020 theo Danh mục dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2020 mà Bộ Tài chính vừa ban hành.

Tổng cục Hải quan cũng là cơ quan chủ trì thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Báo cáo từ đơn vị này cho biết: tính đến ngày 30/5, có 13 Bộ, ngành tham gia kết nối; 198 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia xấp xỉ 3,104 triệu bộ hồ sơ và trên 38,7 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Thùy Dung