UPS triển khai mạng lưới sản xuất in 3D theo yêu cầu tại châu Á
UPS cho biết, đối tác Fast Radius của họ sẽ mở nhà máy in 3D tại 1 cơ sở của UPS tại Singapore vào cuối năm nay nhằm mở rộng hệ thống in 3D theo yêu cầu.
UPS cũng sẽ thành lập một nhóm Nghiên cứu Giải pháp Cấp cao ở châu Á để xây dựng một Trung tâm Ưu Việt, phát triển giải pháp chuỗi cung ứng và thúc đẩy sự ứng dụng rộng rãi của công nghệ in 3D với khách hàng.
Doanh nghiệp có thể sử dụng Nền tảng Sản xuất Theo yêu cầu của Fast Radius để sản xuất phụ tùng công nghiệp đã được xúc tiến vận chuyển thông qua mạng lưới giao thông toàn cầu và trong khu vực châu Á của UPS.
UPS đã công bố chính sách mở rộng trong một sự kiện báo chí có sự tham dự của các đại diện đến từ Hội đồng Phát triển Kinh tế Singapore, Fast Radius và SAP. Vào tháng 5, UPS và SAP đã công bố một thỏa thuận đồng đổi mới về giải pháp tích hợp chuỗi cung ứng mở rộng của SAP và mạng lưới thiết bị kết nối Internet (Internet of Things) với mạng lưới sản xuất và logistics phụ trợ của UPS, nhằm cung cấp dịch vụ trọn gói “từ sàn sản xuất tới cửa khách hàng”.
Các công ty ảo hóa hàng tồn kho không những có thể tiết kiệm chi phí bằng cách giảm số lượng các phụ tùng “dự phòng” mà còn có thể sản xuất hiệu quả với chi phí ít hơn mà chất lương không thay đổi, hơn nữa còn giảm thiểu thời gian vận chuyển bởi các phụ tùng được sản xuất ở những cơ sở gần nhu cầu hơn.
Các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô có thể sử dụng công nghệ in ấn 3D để:
• Giảm tồn kho đối với phụ tùng tiêu thụ chậm
• Giảm chi phí vận chuyển vì hàng hóa được vận chuyển bằng công nghệ số
• Quá trình sản xuất bớt tốn kém và nhanh chóng hơn so với công nghệ sản xuất truyền thống
• Nguyên mẫu và quá trình sản xuất ban đầu được thực hiện với số vốn ít hơn và trong thời gian ngắn hơn
• Sản xuất hàng hóa theo yêu cầu theo hướng có lợi hơn
• Chế tạo và tiếp nhận các nguyên mẫu chất lượng cao nhanh chóng
Một khi nhà máy này đi vào hoạt động, khách hàng có thể đặt hàng in 3D thông qua trang web của Fast Radius hoặc trực tiếp tới thăm nhà máy tại UPS House ở Singapore. Fast Radius sẽ gửi đơn đặt hàng tới cơ sở sản xuất tối ưu và hợp lý nhất tại Singapore hoặc Mỹ dựa trên các yêu cầu về tốc độ, vị trí địa lý và chất lượng sản phẩm. UPS có thể giao hàng sớm nhất là ngay trong ngày. Tại Mỹ, mạng lưới in 3D cũng bao gồm hơn 60 cơ sở UPS, cung cấp nhiều địa điểm in ấn và bao quát phạm vi địa lý rộng rãi.
"Việt Nam đã thu hút được nguồn đầu tư 5,2 tỉ USD cho lĩnh vực sản xuất và xử lý chỉ trong 4 tháng đầu năm nay – nhiều nhất so với các lĩnh vực khác", Daryl Tay, Giám đốc Điều hành UPS Việt Nam nhấn mạnh. "Ưu tiên của chúng tôi là hỗ trợ ngành sản xuất của Việt Nam trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo và mở rộng mạng lưới sản xuất theo yêu cầu trong khu vực châu Á - một minh chứng cho cam kết của chúng tôi. Bằng cách thêm dịch vụ in 3D vào danh mục đầu tư, các nhà sản xuất địa phương sẽ có khả năng ảo hóa phụ tùng tồn kho tiêu thụ chậm, hoặc sản xuất số lượng nhỏ hơn mà vẫn đảm bảo tương quan hiệu quả và chi phí, từ đó đem tới hiệu suất lớn hơn cho chuỗi cung ứng.
Theo dự đoán của Báo cáo Wohleres năm 2016, ngành công nghiệp in 3D sẽ tăng từ 5,2 tỉ USD vào năm 2015 đến 26,5 tỉ USD vào năm 2021. Báo cáo cho biết nếu công nghệ in 3D chỉ chiếm 5% ngành công nghiệp sản xuất thế giới, hàng năm, ngành này có thể đạt tới con số 640 tỉ USD.
Gia Bách