Ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước

09:05, 13/07/2024

Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Ảnh: Thông tin và Truyền thông

Đáng chú ý, Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP về thực hiện quy định của pháp luật về chính sách ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước, quy định của pháp luật đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ số đặc thù.

Theo đó, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này phải ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước, thực hiện theo quy định của pháp luật đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ số đặc thù.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thúc đẩy triển khai mạnh mẽ, gấp rút các nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) để đạt mục tiêu của Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các đề án, kế hoạch CĐS của bộ, ngành, địa phương, việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP là rất kịp thời, thể hiện quyết tâm chính trị và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ các vướng mắc, “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách cho thực hiện chuyển đổi số.

Với Nghị định sửa đổi, bổ sung này, những vấn đề vướng mắc lớn trong hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT phục vụ CĐS đã được giải quyết, nhiều “điểm nghẽn” trong công tác đầu tư ứng dụng CNTT đã được tháo gỡ cho các cơ quan nhà nước (CQNN) khi thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch CĐS.

Theo đó, các bộ chuyên ngành có trách nhiệm rà soát, xây dựng, công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của phần mềm phổ biến ngành, chuyên ngành, lĩnh vực; Bộ TT&TT có trách nhiệm rà soát, xây dựng, công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của phần mềm phổ biến quốc gia; Các tổ chức, cá nhân cung cấp phần mềm phổ biến có trách nhiệm công bố công khai những sản phẩm phần mềm phổ biến do mình xây dựng, phát triển đáp ứng được các chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản đó.

Quy định này kỳ vọng giải quyết được vấn đề tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, thất thoát NSNN có thể xảy ra trong đầu tư ứng dụng CNTT.

Đây cũng là lần thứ hai sửa đổi quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN để đồng bộ, tuân thủ với các quy định của pháp luật luật đầu tư, pháp luật NSNN, pháp luật đấu thầu hiện hành những vẫn bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị

https://doanhnghieptiepthi.vn/uu-tien-dau-tu-mua-sam-san-pham-cong-nghe-thong-tin-san-xuat-trong-nuoc-161240712202657046.htm