Vaccine mRNA: Câu chuyện của 3 nhà khoa học giành giải VinFuture
Từng không dám nghĩ mình sẽ tạo ra được những điều lớn lao, nhưng mong ước mang đến những điều tốt đẹp đã thôi thúc 3 nhà khoa học tạo ra vaccine mRNA giúp bảo vệ mạng sống của hàng tỷ người trên hành tinh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) cho 3 nhà khoa học - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đó là chia sẻ của các nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD trong lễ trao giải thưởng VinFuture tối 20/1 tại Hà Nội với công trình "Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người".
Ngày 21/1, các nhà khoa học được trao giải thưởng VinFuture có buổi giao lưu với chủ đề "Talk Future". Tại đây, 7 nhà khoa học đã chia sẻ những câu chuyện phía sau hành trình tạo nên những công trình khoa học vì mục tiêu phụng sự nhân loại.
Giải thưởng chính VinFuture đã được trao cho 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada), chủ nhân của công trình "Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người".
Đây là công trình đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19. Dựa trên thành tựu của các nhà khoa học trong nhiều năm nghiên cứu, vaccine mRNA phòng chống COVID-19 đã được phát triển trong thời gian kỷ lục, bảo vệ hàng trăm triệu người, không chỉ giúp nhân loại ứng phó COVID-19 mà còn mở ra cơ hội điều trị ung thư, bệnh tim, các bệnh truyền nhiễm khác. Hàng tỷ người trên thế giới đã được thụ hưởng thành quả của nghiên cứu này, được bảo vệ an toàn.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, GS. Katalin Kariko xúc động cho biết: "Tôi có mặt ở đây, ngày hôm nay để thay mặt cho hàng nghìn đồng nghiệp của tôi trên thế giới. Khó khăn của tôi chẳng là bao nếu so với những đồng nghiệp ngoài kia", Bà cho biết, để tạo ra công trình nghiên cứu này, bà cùng các cộng sự đã vượt qua rất nhiều căng thẳng. Từng không dám nghĩ mình sẽ tạo ra được những điều lớn lao, nhưng mong ước mang đến những điều tốt đẹp đã thôi thúc bà và 2 nhà khoa học Drew Weissman và Pieter Cullis tạo ra vaccine mRNA.
Chia sẻ về hành trình cùng nhau hợp tác để tạo ra vaccine mRNA, GS. Weissman chia sẻ, ông tình cờ gặp bà Kariko khi cùng dùng chung máy photo. Ông làm trong lĩnh vực nghiên cứu sinh học và muốn tạo ra vaccine, còn bà Kariko chuyên về sử dụng mRNA thông tin, vì vậy hai người hợp tác với nhau để ứng dụng công nghệ mRNA trong điều chế vaccine. "Hành trình cộng tác lúc ban đầu khó khăn vì không ai quan tâm đến mRNA và rất ít người chung chí hướng khi đi xin tài trợ hoặc xuất bản công trình nghiên cứu nhưng chúng tôi vẫn nghiên cứu và kiên trì đến khi đạt được thành quả", ông cho biết.
Tiếp đó, để đưa mRNA vào cơ thể phải qua một phương tiện nào đó, vì nếu không sẽ bị phân huỷ rất nhanh, GS. Weissman và Kariko đã thử nghiệm 40 hợp chất khác nhau và chỉ thành công khi sử dụng công nghệ nano lipid của GS. Cullis.
Khi được hỏi, đâu là yếu tố giúp các công trình khoa học đến với thực tế cuộc sống, GS. Cullis cho rằng, từ khoa học đến thực tế là hành trình không dễ dàng. "Tôi đã khởi nghiệp nhiều công ty và không phải công ty nào cũng thành công. Từ những ý tưởng nghiên cứu khoa học ra thực tế rất khó khăn, nhiều khi có sản phẩm khoa học nhưng người triển khai nhân rộng lại cho rằng chỉ hiệu quả trong phòng thí nghiệm, chứ không thể nhân rộng sản xuất".
Để khoa học có thể ứng dụng sâu rộng hơn trong tương lai, GS. Drew Weissman đã làm việc với các nhà khoa học tại Thái Lan, Malaysia, Singapore... vài năm và thực sự muốn đến Việt Nam và thành lập một chương trình hợp tác chung tại Đông Nam Á để các nhà khoa học có thể chung tay phát triển vaccine cho khu vực.
Bày tỏ suy nghĩ về con đường vượt qua khó khăn để đi đến thành công, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã có những chia sẻ rất tâm huyết.
Với GS. Kariko, để tạo ra giải pháp cho nhân loại phải xuất phát từ đam mê, tình yêu rất lớn. Tình yêu đó giúp bà vượt qua nhiều khó khăn, kể cả khi bị nhiều công ty từ chối công trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, bà Kariko cho rằng để tạo ra thành công còn cần sự tập trung tuyệt đối vào những gì đang theo đuổi.
Còn GS. Drew Weissman cho rằng, thành công sẽ đến từ sự kiên trì. Ông đã kiên trì theo đuổi công việc của mình hàng chục năm và chưa bao giờ có ý định từ bỏ.
Trong khi đó, ông Pieter Cullis nhận định, tinh thần hợp tác, khả năng làm việc nhóm cũng là một trong những yếu tố để tạo nên thành công. Ông cho biết trong 40 năm làm việc cùng nhóm nghiên cứu trên nhiều dự án khác nhau, đã xảy ra rất nhiều bất đồng nhưng tinh thần hợp tác chính là bí quyết để tất cả hướng đến mục tiêu chung.
7 nhà khoa học được vinh danh trong 4 giải thưởng VinFuture Trước đó, trong lễ vinh danh tối 20/1, 7 nhà khoa học đã được vinh danh trong 4 giải thưởng VinFuture. Đây đều là những nhà khoa học hàng đầu thế giới, và công trình của họ đã và đang mang lại tác động, thay đổi cho cuộc sống của hàng tỷ người. Giải thưởng chính: Công trình "Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người" GS. Katalin Kariko (67 tuổi) là người Mỹ gốc Hungary, được biết đến là "mẹ đẻ" của công nghệ mRNA sử dụng trong vaccine COVID-19. GS. Drew Weissman (62 tuổi) là chuyên gia người Mỹ về bệnh truyền nhiễm. Ông đã dành hơn 15 năm nghiên cứu về mRNA nhằm sản xuất vaccine với niềm tin vào khả năng của mRNA tuỳ chỉnh. GS. Pieter Cullis (76 tuổi) là người Canada, Giám đốc Viện Khoa học sự sống tại Đại học British Columbia (Canada). Giải "Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển" với phát minh gel có chứa dược chất tenofovir - sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng HIV Bà Salim Abdool Karim là một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, với những nghiên cứu chính là tìm hiểu sự lây lan của HIV ở Nam Phi và phòng chống nhiễm HIV ở phụ nữ. Ông Quarraisha Abdool Karim là nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, có nhiều đóng góp trong việc phòng ngừa và điều trị HIV. Ông còn đóng vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống COVID-19 của Nam Phi với tư cách là đồng Chủ tịch Ủy ban cố vấn của Bộ trưởng Nam Phi về COVID-19. Giải dành cho nhà khoa học nữ với nghiên cứu "Sự phát triển của thiết bị điện tử hữu cơ dẻo linh hoạt được ứng dụng trong các ứng dụng bề mặt sinh học và cảm biến" GS. Zhenan Bao, nữ giáo sư người Mỹ gốc Trung Quốc đã nghiên cứu về da điện tử siêu co giãn như da thật, có thể tự phân hủy, tự chữa lành vết thương, cấy được vào cơ thể người. Bà phát triển bán dẫn công nghệ cao có thể bắt chước như da thật, cảm giác đau đến não. Đây là công trình khoa học mở ra cơ hội cho hàng triệu người khuyết tật được phục hồi chức năng hiệu quả. Giải dành cho nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới "Khám phá và phát triển vật liệu khung hữu cơ - kim loại MOFs" GS. Omar M.Yaghi là một nhà hoá học, hiện làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia thuộc Đại học California-Berkeley (Mỹ). Công trình nghiên cứu của ông mang đến câu trả lời cho câu hỏi về nước và những tiến bộ về khoa học vật liệu liệu có thể đạt được gì. Nước có thể tạo ra từ không khí để tách CO2 từ không khí và từ đó tạo ra nhiên liệu đốt. |
Theo/baochinhphu.vn