Vai trò của doanh nghiệp công nghệ trong quá trình chuyển đổi số

Thùy Dung 10:44, 17/08/2020

CĐS (Chuyển đổi số) là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, đó là cơ hội cho các nước, các doanh nghiệp vượt lên trong cuộc CMCN 4.0, nhưng cũng là nguy cơ tụt hậu, bị bỏ lại ngày càng xa đối với các quốc gia, doanh nghiệp không quan tâm đến nó. CĐS không chỉ đơn giản là ứng dụng công nghệ thông tin mà nó còn là nút đột phá trong phát triển KT-XH.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ: Phát triển nền tảng số, giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.

Điều này cũng cho thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ trong việc dẫn dắt quá trình chuyển đổi, từ việc đóng góp xây dựng Chính phủ số kinh tế, số xã hội, số các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ có đủ năng lực đi ra toàn cầu.

Cụ thể, từ khi trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia vận hành đã tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và hàng chục triệu giờ công lao động.

CĐS tại Việt Nam trong thời gian tới là tất yếu, mang tính cấp thiết. (Ảnh minh họa)

Với phương thức doanh nghiệp đầu tư xây dựng, vận hành và Nhà nước thuê lại, thời gian qua, nhiều dự án Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử đã được triển khai một cách hiệu quả.
Là 1 trong những doanh nghiệp dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Ngay từ khi chuyển dổi số còn đang là câu chuyện "nằm" trên lý thuyết, VNPT đã sớm xây dựng chiến lược VNPT4.0 trong đó xác định tập đoàn phải trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm dịch vụ Số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030.

Ông Hà Thái Bảo – Phó TGĐ Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) chia sẻ: “Mục tiêu của Chính phủ chính là đặt người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm. Do đó, chúng tôi phải đáp ứng nhu cầu rất cao nhất là với các bộ, ngành, địa phương chúng tôi phải đưa vào công nghệ mới nhất và phải làm chủ công nghệ này để đảm bảo các vấn đề về an toàn, bảo mật cũng như là an ninh mạng”.

Ông Hà Thái Bảo – Phó Tổng giám đốc VNTP-IT (Bên phải).

Không chỉ lĩnh vực công, quá trình chuyển đổi số nền kinh tế cũng gắn liền với các doanh nghiệp. Chuyển đổi từ dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ sổ hàng đầu tại Việt Nam, VNPT đã thực hiện chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, du lịch, đô thị thông minh. Tất cả những lĩnh vực trê đều là các cơ hội nâng cao tính cạnh tranh khi đi ra thế giới.

Ông Phạm Đức Long – Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc VNTP nhấn mạnh: “Để trở thành doanh nghiệp trụ cột dẫn dắt chương trình chuyển đổi số quốc gia. Trước tiên VNPT phải tự chuyển  đổi mình thành một số, hoạt động trên môi trường số. Đồng thời, làm chủ các công nghệ, nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Ông Phạm Đức Long – Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc VNTP.

Bên cạnh đó, VNPT phải phát triển các nền tảng  IoT Platform. Trên các cơ sở nền tảng này VNPT sẽ cùng với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tạo thành một hệ sinh thái, các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho việc chuyển đổi số của các cơ quan ban, ngành của Chính phủ cũng như là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam) đánh giá: “Ở tầm vóc quốc gia cần có những doanh nghiệp lớn của Việt Nam để hoạt động vai trò đó là vai trò đầu tàu, vai trò dẫn dắt và vai trò tạo dựng hệ sinh thái. Từ đó sẽ kéo tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác tham gia cái hệ sinh thái số của mình để cung cấp dịch vụ tốt hơn”.

Cần có 1 doanh nghiệp lớn đứng ra kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo dựng hệ sinh thái mang tên "hệ sinh thái số".

Trong bối cảnh viễn thông ngày càng suy thoái, cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội và phát triển bằng việc cung cấp các dịch vụ số, công nghệ số mới cho các doanh nghiệp, tổ chức trong một nền kinh tế số đang ngày càng rộng mở.

Dịch Covid-19 càng cho thấy chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Theo thống kê, doanh nghiệp chuyển đổi số thành công năng suất sẽ tăng khoảng 30%. Họ cần nghĩ lớn nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ, có tính lan tỏa, xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp chứ không chỉ là trào lưu nhất thời.

Thùy Dung