Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sử dụng nhân tài trong giáo dục

10:18, 11/02/2024

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sử dụng và trọng dụng nhân tài vẫn còn nguyên giá trị, nhất là với lĩnh vực giáo dục đào tạo của nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu: “Phải trọng dụng nhân tài, trọng dụng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc của chúng ta".

PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo - giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này.

* Theo PGS, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sử dụng và trọng dụng nhân tài được thể hiện như thế nào?

- Từ xa xưa, cha ông ta luôn coi hiền tài là “rường cột”, là “nguyên khí của quốc gia”. Quốc gia hưng thịnh cần có vai trò đóng góp to lớn của người tài ở các lĩnh vực khác nhau. Quan văn tham gia vào “trị dân, trị nước” cho quốc thái dân an. Quan võ tham gia phát triển quân sự cho “binh hùng tướng mạnh” để bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân.

Thấm nhuần truyền thống và phương sách dùng người của cha ông, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc trọng dụng nhân tài. Người cho rằng, người tài là “người tài đức, có thể làm những việc ích nước lợi dân”.

Từ đó, Người đặt ra yêu cầu: “Phải trọng dụng nhân tài, trọng dụng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc của chúng ta”. Theo Người, để thu hút, tập hợp được nhân tài, phải có tinh thần khách quan, tôn trọng, không định kiến trong nhìn nhận, đánh giá vị trí xuất thân của họ, lấy thước đo tinh thần vì dân, vì nước là chính, không quá so đo đến những tiêu chí khác như đảng phái, dân tộc, tôn giáo.

Cũng với việc thu hút nhân tài, Người luôn chú trọng đến việc sử dụng nhân tài phù hợp với tài năng của họ, phát huy được tài năng của họ để phục vụ đất nước. Người luôn yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết sử dụng, trọng dụng người tài một cách hợp lý, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài.

PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo. Ảnh: Internet.

PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo. Ảnh: Internet.

Người cho rằng “lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”. “Trọng dụng nhân tài phải làm thường xuyên, liên tục như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra những quan điểm thể hiện tầm nhìn chiến lược của Người trong việc trọng dụng nhân tài, đồng thời Người cũng là tấm gương mẫu mực về việc thu hút, cảm hóa rất nhiều bậc trí thức, học giả nổi tiếng (trong nước, ngoài nước), các chức sắc tôn giáo, kể cả những quan lại bậc cao của chế độ cũ nhiệt tình tham gia cách mạng, mang hết tài năng phục vụ đất nước, với những đóng góp vô cùng to lớn cho công cuộc kháng chiến – kiến quốc, được Tổ quốc và nhân dân mãi mãi ghi nhận.

* PGS có thể cho biết, tư tưởng của Người về phát huy tiềm năng, trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ trí thức cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà được thể hiện như thế nào?

- Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ trí thức. Người luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức.

Theo Người, “trí thức là một lực lượng đặc biệt quan trọng của cách mạng”, “trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”, và để phát huy vai trò của họ, Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ trí thức cho cách mạng.

Người đề ra phương châm vừa cải tạo và sử dụng những trí thức cũ, vừa xây dựng và phát triển lực lượng trí thức mới. Với những trí thức cũ, Người đã rất đề cao, coi trọng họ, động viên khuyến khích họ tham gia vào sự nghiệp cách mạng.

Với đội ngũ trí thức mới, Người chủ trương tăng cường tuyển chọn, đào tạo những trí thức xuất thân từ công nhân và nông dân – nòng cốt của cách mạng.

Trong quá trình xây dựng và đào tạo trí thức, bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, Hồ Chí Minh yêu cầu cần đặc biệt coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức, phong cách làm việc cho đội ngũ trí thức. Tiêu chí đào tạo người trí thức trong chế độ mới được Hồ Chí Minh xác định cụ thể, đó là phải đào tạo toàn diện cả đức và tài.

Với người trí thức mới, tài phải đi đôi với đức, trong đó đức là gốc. Để có được tài, đức, đội ngũ trí thức một mặt phải không ngừng học tập, nắm vững khoa học kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, mặt khác phải có tinh thần lao động tích cực, khiêm tốn, học hỏi nhân dân.

Người chủ trương cho mở một số trung tâm nghiên cứu khoa học và các cơ sở đào tạo bậc cao đẳng và đại học trong nước, gửi nhiều thanh niên, học sinh sang đào tạo về chuyên môn khoa học ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

* Trước yêu cầu của thời kỳ mới, việc phát huy tiềm năng, trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ trí thức cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà được đặt ra như thế nào – Thưa PGS?

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Người về xây dựng đội ngũ trí thức thực sự có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Quán triệt tư tưởng của Người, Đảng ta luôn quan tâm đến xây dựng đội ngũ trí thức cũng như đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và internet, đòi hỏi đội ngũ trí thức ngày một lớn mạnh đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước, Đảng đã có nhiều nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức và gần đây nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương Tám (Khóa XIII).

Để hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng, phát huy vai trò và năng lực của đội ngũ trí thức góp phần vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Tạo mọi cơ chế và điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy tốt nhất năng lực, trình độ chuyên môn của mình.

Phát hiện, sử dụng và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức.

Có chính sách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ trí thức.

Phát huy trách nhiệm của trí thức trong truyền bá tri thức, nâng cao dân trí, phục vụ cộng đồng.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước với đội ngũ trí thức.

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo!

"Quan điểm và cách trọng dụng nhân tài của Hồ Chí Minh thật sự vẫn nguyên giá trị, là cơ sở cho Đảng, Nhà nước ta trong việc hoạch định đường lối, chính sách để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, tập hợp huy động mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh" - PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

(https://giaoducthoidai.vn/van-dung-tu-tuong-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-su-dung-nhan-tai-trong-giao-duc-post671695.html)