Vì sao Mỹ vẫn là miền đất của cơ hội cho các doanh nghiệp?

15:44, 25/09/2017

Mỹ, với lượng dân số khá đông đảo gồm 326 triệu dân, là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia châu Á.

Ông Daryl Tay, Giám đốc điều hành, UPS Việt Nam

Trong bối cảnh đó, quyết định ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ của Chính phủ Mỹ đã dấy lên mối quan ngại cho nhiều khách hàng và doanh nghiệp toàn cầu. “Liệu Mỹ vẫn tiếp tục mở cửa cho hợp tác kinh doanh?” là câu hỏi thường được đề cập trong thời gian gần đây.

Câu trả lời của UPS chúng tôi tất nhiên là CÓ. Hãy nhìn vào những con số sau đây. Từ tháng 1 đến tháng 5/2017, kim ngạch xuất khẩu từ châu Á đến thị trường Mỹ đạt một con số đáng kinh ngạc – 414 tỷ USD; trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt gần 12,45 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thêm vào đó, chi tiêu cho tiêu dùng trong tháng 5/2017 được dự báo sẽ tăng so với cùng kỳ năm ngoái, đồng nghĩa với nhu cầu mua sắm tại Mỹ vẫn ở mức cao. Vậy, làm thế nào để đảm bảo doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội này? Và đâu là những điểm cần chú ý nhằm tránh những sai lầm đắt giá? 

THỰC TẾ #1: Chính phủ Mỹ thực chất đang TẠO ĐIỀU KIỆN xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đặc biệt cho các nền kinh tế đang phát triển.

“Mức tối thiểu” (De minimis) là thuật ngữ giá trị tiền USD thấp nhất của các hàng hoá đủ tiêu chuẩn, không bắt buộc thực hiện các thủ tục hải quan mậu dịch và không chịu thuế nhập khẩu. Đầu năm 2016, cựu Tổng thống Mỹ Obama đã thông qua Đạo luật Thực thi và Thuận lợi hóa Thương mại 2015, bao gồm điều khoản nâng mức tối thiểu đối với các lô hàng nhập quốc tế vào Mỹ có giá trị từ 200 lên 800 USD trên mỗi lô hàng.

Tất nhiên, đây không phải là một vấn đề to tát với những doanh nghiệp lớn – thường vận chuyển những lô hàng lớn; nhưng với những công ty vừa và nhỏ, đây là một yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi. Sự thay đổi này cũng giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp thương mại điện tử thường xuyên phải chuyển những lô hàng đơn lẻ đến các khách hàng cá nhân, cũng như các nhà bán lẻ với những lô hàng giá trị nhỏ. Vậy điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào trên thực tế? 

Ví dụ với một công ty công nghệ cao có quy mô nhỏ, chuyên sản xuất máy bay không người lái (drone) cho những tín đồ công nghệ, trước đây, khi phải gửi một chiếc máy bay không người lái trị giá 400 USD cho một khách hàng tại Mỹ, lô hàng này sẽ không chỉ phải chịu thuế nhập khẩu, mà còn phải trải qua một quy trình chuyển hàng phức tạp với nhiều giấy tờ phát sinh.

Chưa kể, việc chuyển hàng còn đòi hỏi doanh nghiệp cần có hiểu biết và kiến thức chuyên sâu về các giao thức hải quan cần thiết để hoàn thành giấy tờ chính xác. Tuy nhiên, hiện tại – với Đạo luật mới, do đủ tiêu chuẩn nằm trong mức tối thiểu dưới 800 USD, lô hàng này sẽ có thể qua hải quan mà không mất thêm bất cứ chi phí hay giấy tờ phát sinh nào khác, đồng thời, người gửi cũng không cần tìm hiểu quá kỹ về các quy trình hải quan phức tạp. Đây chính là một lợi thế đối với các doanh nghiệp nhỏ. 

THỰC TẾ #2: Mỹ đang triển khai “Cơ chế Một cửa” (Single Window) nhằm đơn giản hoá thủ tục chuyển hàng

Do Mỹ bao gồm 50 bang với những thủ tục pháp lý và thuế suất khác nhau, quốc gia này mới đây đã triển khai “Cơ chế Một cửa” (Single Window) nhằm cung cấp một hệ thống điện tử thống nhất và tập trung, giúp các đơn vị vận chuyển hàng hóa nộp những giấy tờ cần thiết qua một công cụ trực tuyến duy nhất. Có tên chính thức là Môi trường Thương mại Tự động ACE (Automated Commercial Environment), hệ thống này giúp quá trình chuyển hàng đến Mỹ trở nên đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, và tiết kiệm chi phí hơn bao giờ hết.

Trước đây, đội ngũ giao hàng phải điền các giấy tờ một cách thủ công cho hàng loạt các cơ quan liên bang khác nhau, như cơ quan Bảo vệ Biên giới và Hải quan Hoa Kỳ (CBP), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), v.v… Hiện nay, công đoạn này có thể thực hiện chỉ qua một cổng duy nhất, sau đó giấy tờ sẽ được tự động gửi đến các cơ quan có liên quan. Rõ ràng, cơ chế này đã giúp giảm bớt gánh nặng cho những nhà xuất khẩu sang Mỹ; đồng thời cung cấp khả năng phát hiện lỗi sai về mặt giấy tờ ngay lập tức, từ đó giảm thiểu đáng kể tình trạng hàng hóa bị giữ lại tại hải quan do sai sót trên mẫu đơn.

THỰC TẾ #3: Mỹ là một nền kinh tế đa dạng với nhiều khác biệt vùng miền

Mỹ thường được xem như một thị trường bị thống trị bởi các ngành công nghiệp chuyên nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, giả thiết này không chính xác hoàn toàn. Thực chất, Mỹ là tập hợp của những nền kinh tế đa dạng với những tính chất rất khác nhau. Việc thấu hiểu được thực tế này, cũng như loại hàng hóa phù hợp cho từng địa phương, sẽ giúp doanh nghiệp cân nhắc khả năng thành công của sản phẩm khi thâm nhập thị trường Mỹ.

Tiêu biểu, Mỹ hiện vẫn sở hữu một trong những ngành công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới. Trên thực tế, kể từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, sản xuất đã trở thành một trong những ngành đóng góp nhiều nhất vào sự phục hồi của nước Mỹ. Nhờ đó, hàng loạt bang tại Trung Tây và phía Nam của Mỹ - trung tâm sản xuất của quốc gia này, đã có thể phát triển vượt trội.

Thuộc phía Nam là những nền kinh tế, như Texas, với chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xếp ngang hàng với các quốc gia như Canada và Ấn Độ, đồng thời cũng là nơi coi tài nguyên năng lượng là yếu tố quyết định cả chính trị và kinh tế. Trong khi đó, Atlanta, Georgia, với môi trường cạnh tranh về thuế và pháp luật, lại là một thị trường rất hấp dẫn đối với các tập đoàn lớn, và các công ty khởi nghiệp về công nghệ. Còn ở bờ Tây có California, bang đông dân nhất nước Mỹ, lại chiếm 13% GDP cả quốc gia. Tại đây, công nghệ thông tin và kỹ thuật tại Thung lũng Silicon, công nghiệp điện ảnh và âm nhạc của Hollywood, xử lý dữ liệu và ngành xuất bản trên mạng lưới Internet lại là những ngành tiêu biểu, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của toàn bang.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ, tận dụng và khai thác được những cơ hội tiềm năng tại Mỹ, ngoài việc tập trung vào ngành hàng tiêu dùng đơn thuần. Các doanh nghiệp có thể cân nhắc mở rộng việc cung cấp linh kiện cho các sản phẩm công nghệ được lắp ráp tại Atlanta hay Georgia, thử thâm nhập vào nguồn cung ứng máy móc cho các nhà máy tại vùng Trung Tây, hoặc lên kế hoạch cung cấp các công cụ địa chất cho các “ông lớn” về dầu mỏ như Texas.

THỰC TẾ #4: Hãy kiểm tra những điều sau khi tiến hành xuất khẩu

Khi xuất khẩu sang Mỹ, các chủ hàng cần tuân thủ những bước và quy trình như sau: 

1. Tính toán chi phí: Khi quyết định giá thành sản phẩm phân phối tại thị trường Mỹ, trước hết, doanh nghiệp cần tính toán cả chi phí vận chuyển, từ việc lựa chọn phương thức vận chuyển phù hợp với yêu cầu về giá cả và tốc độ chuyển hàng, đến việc hiểu rõ mức thuế lô hàng phải chịu khi qua hải quan. 

2. Chuẩn bị hàng: Doanh nghiệp cần hoàn tất mọi giấy tờ thủ tục trước khi giao hàng, cũng như xác nhận và chuẩn bị giấy phép chuyển hàng với những mặt hàng như hóa chất và vật tư y tế. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần liên lạc chặt chẽ với đối tác giao vận nhằm đảm bảo việc đóng gói, sắp xếp hàng hóa hợp lý. Nếu không, cả quá trình vận chuyển có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng của hàng hóa.

3. Lên lịch và Theo dõi quá trình vận chuyển: Một dịch vụ khách hàng chỉ được coi là tốt khi doanh nghiệp có thể nắm rõ toàn bộ quy trình vận chuyển ngay khi hàng được xuất kho. Đây chính là cơ hội tuyệt vời nhằm thể hiện các dịch vụ hậu mãi vượt trội tới khách hàng. Một khi hàng hóa đang trong quá trình vận chuyển, hãy cập nhật cho khách hàng tiến độ và vị trí của hàng hóa. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần cân nhắc đến những dịch vụ theo dõi và báo cáo tiến độ giao hàng của các đối tác giao vận – bởi đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng với khách hàng.

4. Hậu giao hàng: Dù cho khách hàng đã nhận đầy đủ hàng hóa, nhưng trường hợp phải đổi trả hàng là rất dễ xảy ra. Chính sách đổi trả hàng tiết kiệm và hiệu quả sẽ phát huy tác dụng, giúp thúc đẩy doanh thu về lâu dài. Do vậy, đối tác cung cấp dịch vụ logistics cho doanh nghiệp sẽ là chuyên gia tư vấn nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp nhất cho chính doanh nghiệp và khách hàng.

Có thể thấy rằng, nước Mỹ chắc chắn đang mở cửa cho hợp tác kinh doanh. Thâm nhập vào thị trường Mỹ là một quy trình khá rõ ràng nếu bạn có sự cẩn trọng và hiểu biết đúng đắn về toàn bộ thủ tục cần thiết. Hơn nữa, các thay đổi về chính sách trong những năm gần đây, như “Cơ chế Một Cửa” (Single Window) và định mức tối thiểu (de minimis), cũng giúp đơn giản hoá quá trình này, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển tại Mỹ. Vậy, bạn còn chần chừ gì nữa? 

Daryl Tay, Giám đốc điều hành, UPS Việt Nam