Việt Nam chỉ có 300 chuyên gia về phát triển AI

05:02, 28/10/2021

Việt Nam có tiềm năng rất lớn để nghiên cứu, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này còn đối mặt với thách thức về hạ tầng kỹ thuật, thông tin, nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo.

Sáng 27/10, Diễn đàn trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam - Australia đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) Bùi Thế Duy cùng với sự tham gia của Đại sứ quán Úc, các chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) trong nước cũng như quốc tế.

Tại sự kiện này, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo Việt Nam – Australia cùng chia sẻ kinh nghiệm về cách xây dựng và duy trì cộng đồng nghiên cứu, phát triển công nghệ AI, nhất là trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, các chuyên gia, nhà quản lý cũng cùng trao đổi nhiều thông tin quan trọng xung quanh Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và kế hoạch hành động về AI của Australia.

Diễn đàn trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam - Australia là sự kiện nối tiếp chuỗi 5 cuộc tọa đàm chuyên đề cùng với các hoạt động nhằm hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển, ứng đụng AI đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành hồi đầu năm 2021.

Đồng thời, thông qua các hoạt động kết nối tương tự, Mạng lưới Hợp tác về trí tuệ nhân tạo Việt Nam – Australia được hình thành cũng hội tụ được nhiều nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu về AI tại Việt Nam và Úc.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy.

Phát biểu khai mạc diễn đàn AI Việt Nam - Australia, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chào mừng và đánh giá cao sự hiện diện, góp mặt của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa hàng hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, cũng như những đóng góp quan trọng thời gian qua để AI dần trở thành một trong những công nghệ chủ chốt của Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ, hiện nay AI đã có những bước phát triển mạnh mẽ, là một trong những công nghệ chủ chốt góp phần cho sự thay đổi và phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của AI, từ đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Qua đó, mong muốn thúc đẩy sự phát triển AI tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Bộ Khoa học và Công nghệ với sự hỗ trợ của Chương trình Aus4Innovation đã triển khai nhiều hoạt động hiện thực hóa Chiến lược.

Ông Duy đánh giá, việc tổ chức diễn đàn nhằm tập trung thúc đẩy hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam và kết nối các tổ chức đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia.

Qua sự kiện này, Việt Nam mong muốn có thể kết nối các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, các doanh nghiệp giữa hai nước, góp phần tạo ra sự thay đổi về kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng mong muốn, tại diễn đàn, các đại biểu sẽ chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến thúc đẩy cộng đồng AI, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả hai quốc gia, đặc biệt là giúp Việt Nam trở thành tâm điểm nghiên cứu, phát triển AI trên thế giới.

Đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới.

Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), từ năm 1960-2018, toàn thế giới có tổng cộng hơn 1,6 triệu công trình nghiên cứu, bài báo khoa học liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong khoảng thời gian này, thế giới có tổng cộng hơn 340.000 ứng dụng của AI. Đáng chú ý khi Mỹ và Trung Quốc luôn là 2 quốc gia đứng đầu trong danh sách các nước phát triển nhất về ngành công nghệ này.

Ở cùng thời kỳ, Việt Nam có tổng cộng 2.739 nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Tại khu vực ASEAN, Việt Nam hiện xếp thứ 5 về số lượng công bố khoa học. Việt Nam cũng xếp thứ 13 trên tổng số 50 nước châu Á tham gia khảo sát và xếp thứ 47 trên bình diện thế giới.

Đến cuối năm 2017 ,đã có hơn 200.000 người trên khắp thế giới làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Dự đoán của các chuyên gia cho thấy, đến năm 2030, thế giới sẽ cần 1 triệu nhân lực phục vụ ngành công nghệ AI.

Theo nhiều nguồn thống kê, hiện có khoảng trên 1.600 cán bộ người Việt hiện đang nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực có liên quan tới trí tuệ nhân tạo. Trong đó, chỉ có khoảng 700 người đang làm công việc này tại Việt Nam. Nếu tính theo số chuyên gia, con số này thậm chí còn ít hơn, chỉ khoảng 300 người.

Thống kê của WIPO cho thấy, tính đến năm 2018, trong 6 nước khu vực ASEAN có phát minh, sáng chế về trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đứng thứ 2 với tổng cộng 372 hồ sơ. Theo các chuyên gia tại diễn đàn Vietnam Australia AI Forum, đây là dấu hiệu khả quan cho sự phát triển của AI tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, thách thức mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt là chưa có cơ sở đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo ở đẳng cấp thế giới.

Cùng với đó, Việt Nam cũng thiếu hụt cơ sở nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ở đẳng cấp khu vực.

Cả Việt Nam hiện chỉ có 300 chuyên gia về trí tuệ nhân tạo.

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo hiện chưa thực sự phổ biến trong xã hội. Tính tới thời điểm hiện tại, thị trường trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam còn khá nhỏ, mới chỉ có 65 startup về trí tuệ nhân tạo. Hệ thống dữ liệu mở, công tác lưu trữ và chia sẻ dữ liệu còn hạn chế.

Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật và thông tin phục vụ phát triển công nghiệp trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam cũng không được đánh giá cao.

Các nhà nghiên cứu tham dự diễn đàn lưu ý đây là những thách thức mà Việt Nam cần phải giải quyết nếu muốn trở thành một trung tâm về AI trong khu vực và thế giới.

Tại Việt Nam, đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030.

Chiến lược này được ban hành với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI để biến nó thành một trong những công nghệ chủ chốt của Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Điều này nhằm phát triển kinh tế, xã hội và biến Việt Nam trở thành trung tâm của khu vực trong nghiên cứu, ứng dụng AI.

Cụ thể, Chính phủ Việt Nam nêu rõ mốc đến năm 2025 phải nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.

Đến năm 2030, Việt Nam cũng phấn đấu sẽ nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Để làm được điều này, Việt Nam phải xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực, phát triển 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao.

Ngoài ra, các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước phải có khả năng kết nối để tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ AI.

Phương Mai (T/h)