Việt Nam chiếm 15% thị trường mua sắm online tại Đông Nam Á
Số lượng người Việt mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước và Việt Nam hiện đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á…
- Rủi ro lừa đảo thông qua hệ thống thanh toán mua sắm trực tuyến
- Vĩnh Phúc: Phát hiện 52 gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19 có sai phạm về trình tự, thủ tục
- “Ăn mệt nghỉ, chơi thả ga, sắm cháy ví’’ ở đâu trong kì nghỉ tháng Tư? Toạ độ ăn-chơi-mua sắm “hot” nhất dịp nghỉ Lễ tháng Tư
Theo số liệu Statista, tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình của Đông Nam Á tăng từ 74 tỷ USD năm 2020 lên 120 tỷ USD năm 2021. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu 27,4%/năm. Dự báo, doanh thu thương mại điện tử năm 2025 tại khu vực Đông Nam Á dự kiến đạt 234 tỷ USD.
Trong năm 2022, số lượng người Việt mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước, tổng chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến đạt 12,42 tỷ USD. Cùng thời điểm này Google và Bain & Company dự báo quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Ngày 12/7, Công ty bưu chính thương mại điện tử (e-logistics) Ninja Van đã công bố Báo cáo nghiên cứu về hình thức kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo đó, Việt Nam là quốc gia đứng đầu với số lượng mua hàng trực tuyến trung bình lên đến 104 đơn hàng/năm, 73% đáp viên cho biết họ thường xuyên mua hàng trên các nền tảng mua sắm thương mại điện tử và 59% cho biết họ đã từng nhiều lần đặt hàng hoặc mua sắm trên các website quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam hiện đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỷ lệ 16% và ngang bằng với Philippines. Báo cáo cho thấy người Việt Nam yêu thích việc mua sắm online và đang dẫn đầu khu vực ở nhiều chỉ số.
Theo một báo cáo khác từ Statista, Việt Nam dự kiến sẽ sở hữu thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia trước năm 2025. Việt Nam hiện đang có mức quy mô mua hàng trung bình (ABS) là 26 USD, cao hơn hai nước đông dân là Thái Lan (25 USD) và Indonesia (18 USD).
Báo cáo cũng chỉ ra thói quen mua hàng quốc tế trên các sàn thương mại điện tử của người tiêu dùng ở Đông Nam Á và thể hiện tiềm năng của hình thức kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới cho các nhà bán lẻ trong khu vực.
Ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc Kinh doanh Ninja Van Việt Nam cho biết, thị trường Việt Nam đang là một trong những quốc gia tiềm năng nhờ sự tăng trưởng bền vững và rõ nét trong những năm gần đây. Trong 12 tháng qua, Ninja Van Group đạt số lượng 2 triệu đơn hàng được giao mỗi ngày trong khu vực Đông Nam Á với mật độ phủ sóng 100%. Từ đó mang đến trải nghiệm giao nhận hàng hóa, kinh doanh thương mại xuyên biên giới trong khu vực Đông Nam Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Trong hai năm qua, số lượng người mua sắm trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á đã tăng đáng kể, đạt khoảng 70 triệu người tính đến thời điểm hiện tại. Trên quy mô khu vực, 70% tổng dân số ở Đông Nam Á đã bắt đầu mua sắm trực tuyến trước cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Số lượng người mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á dự kiến tăng đến con số 380 triệu trước năm 2026.
Theo đánh giá của ông Dũng, thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng phát triển, tạo bước đà cho các doanh nghiệp vươn mình ra thế giới, mở rộng quy mô kinh doanh tại nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, do những thách thức đến từ cổng thanh toán, logistics, quy định và luật pháp, nhiều cửa hàng kinh doanh Việt Nam vẫn chưa tham gia hoạt động này.
Báo cáo Nghiên cứu về hình thức kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới được thực hiện tại 6 quốc gia, gồm có Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam với gần 9.000 đáp viên tham gia. Trong đó, hơn 50% phản hồi từ những người mua hàng đã phản ánh tầm quan trọng của việc nhận biết thương hiệu của một công ty vận chuyển để chủ động chọn nhà cung cấp và cả dịch vụ bảo hiểm.
PV