Việt Nam chưa thể có “Công dân điện tử”?

08:29, 29/08/2013

Trao đổi tại tọa đàm trong khuôn khổ Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2013, tổ chức tại Hà Nội, ngày 28/8, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: Theo những số liệu thống kê, hiện ở Việt Nam có khoảng 31% người sử dụng Internet, trong đó phần lớn chỉ thấy công chức điện tử, viên chức điện tử sinh viên điện tử… chứ nhân dân điện tử, rồi công dân điện tử thì còn ít lắm…

Ông Lê Doãn Hợp, người ngồi chính giữa tại buổi tọa đàm

Cũng theo ông Hợp, 3 yếu tố quan trọng nhất trong một “Chính phủ điện tử” đó là: Chính quyền điện tử, doanh nghiệp điện tử và công dân điện tử. Tương ứng với đó, phải thể hiện được vai trò gắn kết có tính tương tác cao giữa chính phủ với chính quyền các cấp, chính phủ với doanh nghiệp và chính phủ với công dân.

Hơn 10 năm nay, lộ trình phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể, với thành công của những thành phố điện tử điển hình có thể kể đến như Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Hải Phòng…  Nhiều lĩnh vực được chú trọng phát triển, ngày thêm hoàn thiện như Hải quan điện tử, Thuế điện tử, Bệnh viện điện tử…

Tuy vậy, môi trường kết nối có tính tương cao giữa Chính phủ - Doanh Nghiệp - Công dân vẫn chưa được đảm bảo. Quan hệ giữa chính phủ và chính quyền cơ quan các cấp, như ủy ban các tuyến xã, tuyến huyện dù có tính hệ thống cao; chính phủ với doanh nghiệp ngày càng “cởi mở” hơn, nhưng giữa chính phủ với công dân thì còn nhiều hạn hẹp.

“Sẽ không thể gọi là một Chính phủ điện tử, khi không có những công dân điện tử”, ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.

Trang Thường
TIN LIÊN QUAN