Viettel là doanh nghiệp Việt Nam có sức ảnh hưởng nhất về đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á
Trong 27 tổ chức được Clarivate công nhận có sức ảnh hưởng về đổi mới sáng tạo năm 2021 tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Viettel là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất.
Viettel là doanh nghiệp dẫn dắt về đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Theo báo cáo đánh giá độc lập của Clarivate, công ty dẫn đầu mảng cung cấp thông tin về uy tín chất lượng nghiên cứu - đổi mới sáng tạo, Viettel là doanh nghiệp Việt Nam có sức ảnh hưởng nhất về đổi mới sáng tạo năm 2021 khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Đánh giá của Clarivate căn cứ vào 4 tiêu chí: số lượng bằng sáng chế, số lượng trích dẫn, thành công của bằng sáng chế và mức độ toàn cầu hóa.
Được công bố vào ngày 21/9 tại London (Vương quốc Anh), danh sách 276 tổ chức do công ty Clarivate đưa ra gồm các trường đại học, cơ quan nghiên cứu của chính phủ và các tập đoàn công nghệ dẫn dắt về đổi mới sáng tạo năm 2021 trên toàn cầu.
Tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á, có 27 tổ chức được công nhận. Viettel là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách này. Bên cạnh đó còn có Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc hạng mục Cơ sở giáo dục Đại học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thuộc hạng mục Tổ chức nghiên cứu của Chính phủ.
Theo danh sách của Cơ quan Quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Viettel là doanh nghiệp công nghiệp - công nghệ cao của Việt Nam có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Mỹ nhiều nhất. Tính đến hết tháng 9/2021, Viettel đã có 44 bằng độc quyền sáng chế được cấp tại Việt Nam và 7 bằng sáng chế được cấp tại Hoa Kỳ.
Viettel đang là doanh nghiệp Việt có nhiều bằng độc quyền sáng chế nhất.
Viettel cũng là công ty duy nhất trên thế giới vừa sở hữu mạng lưới, vừa nghiên cứu phát triển trang thiết bị viễn thông. Việc Viettel thử nghiệm thành công cuộc gọi video trên thiết bị thu phát sóng gNodeB 5G tự nghiên cứu, sản xuất vào đầu năm 2021 đã đưa Việt Nam vào danh sách 6 quốc gia sở hữu công nghệ 5G.
Các giải pháp Viettel nghiên cứu sản xuất như hệ thống tính cước thời gian thực vOCS, hệ thống cung cấp dịch vụ gọi thoại và video chất lượng cao IMS, hệ thống mạng lõi chuyển mạch gói EPC, bộ định tuyến Site Router... cũng đang được ứng dụng thành công tại các thị trường nước ngoài mà Viettel đang đầu tư. Hệ thống vOCS của Viettel đang được sử dụng tại 11 nước, phục vụ hơn 120 triệu khách hàng.
Trong bối cảnh đại dịch, Viettel cũng là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ vào giải quyết các vấn đề của quốc gia. Hàng loạt giải pháp do Viettel phát triển đang được sử dụng trong công tác phòng chống dịch như: hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), tờ khai y tế điện tử (Vietnam Health Declaration), hệ thống giám sát bệnh truyền nhiếm toàn quốc, hệ thống quản lý tiêm chủng ngừa COVID-19 quốc gia...
"Viettel cam kết với tầm nhìn sáng tạo vì con người và xác định chiến lược xuyên suốt của tập đoàn là tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số. Do đó, Viettel sẽ luôn đi đầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển để làm chủ công nghệ lõi để thực hiện chiến lược ‘Make in Vietnam’ và chiến lược chuyển đổi số quốc gia" - ông Lê Đăng Dũng - quyền Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Viettel khẳng định.
PV