Vụ phà Hàn Quốc chìm: Đã tìm thấy thi thể nạn nhân người Việt

08:08, 24/04/2014

Sau tai nạn phà Sewol bị chìm, các nhà chức trách Hàn Quốc đã bắt giữ thuyền trưởng, 2 thuyền phó và một số thuyền viên của chiếc phà này để điều tra. Và nhiều thông tin “động trời” mới hé lộ… Trong khi đó thi thể của chị Phan Ngọc Thanh, cô dâu Việt đã được tìm thấy vào đêm qua.

Người nhà đã nhận diện được thi thể chị Thanh

Chị Phan Ngọc Thanh khi còn sống

Theo phóng viên TTXVN, vào lúc 21h58’ ngày 23/4, các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy thi thể của chị Phan Ngọc Thanh, cô dâu Việt (hiện mang quốc tịch Hàn Quốc) quê ở Cà Mau, là hành khách cùng chồng và 2 con nhỏ đi trên chuyến phà Sewol bị chìm của Hàn Quốc.

Bố đẻ chị Thanh là ông Phan Văn Chạy và em gái út Phan Ngọc Hạnh đã có mặt tại bãi biển và xác nhận thi thể của cô dâu việt xấu số Phan Ngọc Thanh.

Chị Phan Ngọc Thanh sinh ngày 28/2/1985 tại Cà Mau, lấy chồng rồi sau đó nhập quốc tịch Hàn Quốc ngày 10/7/2013 với tên tiếng Hàn là Han Yun-Ji. Gia đình Việt Hàn này đã sinh được hai người con là bé trai Kwon Hyuk-kyu (6 tuổi) và bé gái Kwon Ji-yeon (5 tuổi). Bé Kwon Ji-yeon là nạn nhân ít tuổi nhất trên chuyến phà này được cứu sống.

Thủy thủ đoàn chưa từng được huấn luyện an toàn

Các nhà điều tra Hàn Quốc vừa phát hiện, các thủy thủ đoàn trên phà Sewol không nắm rõ kỹ năng điều khiển phà cũng như chưa từng được huấn luyện về an toàn. "Không thủy thủ nào, kể cả thuyền trưởng phà Sewol, đủ tiêu chuẩn", Chosun Ilbo dẫn lời của một nhà điều tra cho hay.

Theo quy định của Cheonghaejin Marine, đơn vị quản lý và vận hành phà Sewol, toàn bộ thuyền viên phải được diễn tập cách dập lửa, giải cứu hành khách và kỹ thuật rời tàu 10 ngày một lần. Họ còn phải diễn tập cả những tình huống giả định, như tàu bị hư hại do va chạm, đâm phải đá ngầm hoặc trục trặc động cơ, hay vấn đề thương vong 6 tháng một lần. Tuy nhiên, qua điều tra, các thủy thủ đoàn trên phà Sewol cho hay, họ chưa từng trải qua khóa huấn luyện nào như vậy.

Lee Joon-seok, thuyền trưởng phà Sewol, bị cảnh sát thẩm vấn hôm 16/4 nói rằng ông bị thương phần hông khi con phà nghiêng đột ngột và nhân viên cứu hộ bảo ông hãy rời phà. Trong khi đó, kết quả chụp X-quang tại một bệnh viện ở thành phố Mokpo hôm 19/4 cho thấy hông của người đàn ông 69 tuổi này hoàn toàn bình thường.

 

Các thân nhân trong vụ phà Sewol bị chìm vẫn đang ngóng tin.

Các công tố viên điều tra thảm họa chìm phà cho biết những người còn sống sót trong số 20 thành viên thủy thủ đoàn khai rằng họ chưa từng được tập huấn về cách đối phó với những tình huống khẩn cấp trên biển. Điều này càng tăng thêm căn cứ pháp lý chống lại nhà điều hành phà, Chonghaejin.

Vi phạm nghiêm trọng các quy tắc an toàn

Một vấn đề nghiêm trọng khác, đó là phà Sewol không được trang bị túi khí. Các nhà chức trách cho biết không hề có túi khí trên phà Sewol. Theo tờ Chosun Ilbo, việc công ty vận hành phà Sewol không tuân theo các nguyên tắc an toàn cơ bản, đã dẫn đến thảm họa lật rồi chìm phà vào ngày 16/4.

Phà được trang bị 46 xuồng cao su cứu sinh và mỗi chiếc có thể chở 25 người. Tuy nhiên, chỉ có một chiếc hoạt động được.

Phà Sewol (nguyên bản) được chế tạo ở xưởng đóng tàu Nhật Bản vào năm 1994, công ty hàng hải Chonghaejin (Hàn Quốc) đã mua lại nó năm 2012, tức phà cũ, đã qua sử dụng. Sau đó, Chonghaejin đã thay đổi thiết kế phà Sewol, đẩy trọng tâm lên cao để có thể chở thêm 116 hành khách. Như vậy, phà Sewol có thể chở được tối đa từ 840 đến 956 hành khách và trọng lượng tự thân tăng từ 6.586 lên 6.825 tấn.

Vào thời điểm bị chìm, phà Sewol đang chở 180 phương tiện giao thông và 1.157 tấn hàng hóa. Ngoài ra, Sewol còn chở thêm 3 xe moóc với trọng lượng hơn 50 tấn.

Theo các chuyên gia, việc “hoán cải” lại phà Sewol đã làm trọng tâm của phà bị đẩy lên cao, hơn nữa do lượng hàng hóa được chất lên tàu quá nhiều ở khoang trên, điều này có thể khiến con tàu không thể lấy lại cân bằng sau khi nó bị nghiêng về một phía. Thêm nữa, việc các container, xe tải, xe moóc có trọng tải lớn không được cột chặt trên phà Sewol cũng có thể là một nguyên nhân khiến con tàu bị lật.

Những hành khách và thủy thủ đoàn sống sót cho hay, họ nhìn thấy những container dịch chuyển sang một bên sau khi con tàu chuyển hướng đột ngột. Nhiều hành khách cho biết họ đã nghe thấy một tiếng động lớn rồi con tàu nghiêng về một bên.  

Khi phà Sewol rời thành phố Incheon, nó chở khoảng 100 container được chất thành 3 đến 4 lớp. Tuy nhiên, một số thành viên thủy thủ đoàn khẳng định, số hàng hóa trên tàu đã được buộc bằng dây thừng thay vì dây xích. Các thuyền viên đã yêu cầu hành khách giữ nguyên vị trí sau khi con phà lật úp vì họ có thể bị container va vào.

Ở các nước phát triển, hành khách sẽ được dạy cách sử dụng xuồng cứu sinh, pháo sáng hay tìm các lối thoát hiểm khi đi trên tàu phà đề phòng trường hợp xấu. Tuy nhiên, thuyền trưởng và các thuyền viên của con phà Sewol lại là những người đầu tiền rời khỏi tàu. Thuyền trưởng lẽ ra phải là người ở lại cho tới khi hành khách lên bờ an toàn và cần thực hiện mọi biện pháp cứu hộ. Tuy nhiên, thuyền trưởng phà Sewol đã không tuân theo các nguyên tắc an toàn cơ bản này.

Lục soát văn phòng của chủ phà Sewol

Ngày 23/4, các công tố viên Hàn Quốc đã lục soát văn phòng và nhà riêng của ông Yoo Byung-un - người đứng đầu công ty gia đình Chonghaejin Marine Co. Ltd - chủ điều hành chiếc phà xấu số Sewol bị đắm ngoài khơi đảo Jindo ngày 16/4. Ngoài ra, một nhà thờ được cho là của ông Yoo có quyền lợi cũng bị lục soát.

Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ định khu vực phà chìm, thành phố Ansan, trường Danwon là “vùng thảm họa đặc biệt” để chi ngân sách bồi thường cho gia đình các nạn nhân và chi trả cho các hoạt động đang diễn ra.

Thanh Trà (tổng hợp)