Windows 8 - Hồi sinh netbook và máy tính cũ ?
Khi những chiếc netbook lần đầu tiên xuất hiện, Windows Vista thực sự là một cơn…ác mộng – đặc biệt là đối với thế hệ Atom đầu tiên vốn có sức mạnh xử lý không cao. Chính vì lý do này, việc Microsoft sau đó tích cực đầu tư công sức vào nghiên cứu cắt giảm lượng bộ nhớ chiếm dụng thực sự khiến những người sở hữu netbook vui mừng.
Windows 8 - hồi sinh netbook và máy tính cũ ?
Sự bùng nổ của netbook trong giai đoạn đầu 2010 càng khiến cho vai trò của Windows 7 trở nên quan trọng và dĩ nhiên, hàng triệu người đang sở hữu chúng sẽ muốn một bản Windows 8 có thể sử dụng tốt. Việc Windows 8 nhanh nhạy và sử dụng ít bộ nhớ hơn nữa thậm chí sẽ giúp cho các ứng dụng thế hệ mới – vốn đòi hỏi thêm bộ nhớ vẫn có khả năng vận hành tốt trên netbook. Như thế, việc người dùng có thể tận dụng những chiếc netbook thêm vài năm nữa cho các tác vụ di động trở nên hoàn toàn khả thi thay vì phải đầu tư một khoản lớn cho iPad hoặc các mẫu máy tính bảng hiện đại. Có thể nói, Windows 8 chính là một cơ hội mới mà Microsoft mang tới cho người dùng không chỉ trên netbook mà cả những máy tính cá nhân có có tuổi đời trên 2 năm.
Câu hỏi đặt ra là Windows 8 sẽ vận hành thực tế thế nào trên những chiếc máy vốn suốt ngày bị kêu ca vì cấu hình thấp ? Theo Sinosky, chiếc netbook của ông với 1GB RAM có thể chạy tốt Windows 8 nhưng liệu những tác vụ sử dụng trên đó có thực sự trơn tru?
Thực tế sử dụng và trải nghiệm
Trên netbook Lenovo với cấu hình trung bình gồm BXL Atom N450 1,66 GHz, bộ nhớ RAM 2GB, Windows 8 phiên bản Developer Preview 32-bit cần khoảng 19 giây để khởi động vào màn hình đăng nhập – nhanh hơn chút ít so với Windows 7 (khoảng 22 giây). Chỉ cần mở một số các ứng dụng cơ bản như trình duyệt Chrome của Google hay vài tài liệu Word, con số này nhanh chóng tăng lên 800MB. Điều này cho thấy ngay cả khi bạn sở hữu netbook với RAM 1GB, Windows 8 vẫn có thể vận hành tốt. Thêm vào đó, so với Windows 7, Windows 8 trên netbook thử nghiệm vận hành nhanh hơn. Các tác vụ đáp ứng tốt hơn với mệnh lệnh của người dùng – đặc biệt giảm thiểu hiện tượng trễ khi đóng, mở ứng dụng. Một số các thử nghiệm về phim ảnh cho thấy hiệu năng dựng hình chưa được tốt nhưng những “món” cơ bản như YouTube vẫn được trình diễn một cách hoàn hảo. Việc biên tập tài liệu với Microsoft Office hay các gói phần mềm khác như OpenOffice đều không gặp trục trặc gì.
Ở phương diện độ ổn định, Windows 8 dù vẫn ở khâu thử nghiệm xây dựng nhưng không hề bị lỗi. Tuy nhiên thời lượng sử dụng pin trên mẫu Netbook với Atom N450 lại tụt đi khá nhiều (còn khoảng 2/3 thời gian). Tuy nhiên, thử nghiệm cùng phiên bản trên netbook với chip Atom Z520 (Dell Inspiron Mini 1210), thời lượng pin so với trong Windows 7 lại chỉ chênh lệch chút ít. Điều này cho thấy Windows 8 hiện tại chưa thực sự được tối ưu cho từng nhóm sản phẩm phần cứng cụ thể.
Một số điểm bất ổn về phần cứng hiện hành
Mặc dù các bản Windows 8 thử nghiệm hiện tại không gặp trục trặc gì đối với những cấu hình máy tính cơ bản (bộ vi xử lý, bộ nhớ trong, đồ hoạ…) nhưng có nhiều tính năng khác chưa thực sự “vừa vặn”. Nếu bỏ qua việc các ứng dụng tích hợp còn chưa thể chạy một cách hoàn hảo – chuyện rất bình thường với các bản hệ điều hành thử nghiệm, thì Windows 8 vẫn có những chi tiết khiến các chủ nhân của hệ máy tính nhỏ như netbook gặp khó khăn trong việc sử dụng. Lý do nằm ở chỗ Microsoft luôn hướng Windows 8 tới các thiết bị với màn hình cảm ứng. Đây cũng là niềm hi vọng của hãng trong việc xâm nhập vào sân chơi máy tính bảng. Tuy nhiên, chính những tối ưu hoá theo hướng này đôi khi lại khiến cho các thao tác điều khiển truyền thống trên chuột và bàn phím trở nên khó khăn hơn – ít nhất là trên phiên bản dùng thử hiện nay.
Bản thân giao diện Metro với các biểu tượng lớn, số lượng trang duyệt nhiều rất phù hợp với netbook nhưng trừ khi bạn sở hữu màn hình cảm ứng hoặc chuột ngoài, việc dò dẫm qua các trang này là ác mộng trên touchpad bé nhỏ của netbook hay các loại MTXT cỡ nhỏ nói chung. Hầu như việc di chuyển con trỏ hết chiều ngang màn hình là không thể - chưa kể tới các thao tác đặc trưng như kéo một biểu tượng từ trang duyệt thứ nhất sang trang thứ 4 hay thứ 5 chẳng hạn. Dĩ nhiên, bạn có thể dùng phím chuyển như Page Up hay Page Down cùng các phím mũi tên để chuyển trang nhưng điều này sẽ buộc bạn phải liên tục nhìn vào bàn phím rất bất tiện. Rõ ràng, Metro được tối ưu hoá cho các thao tác với bàn tay trên màn hình cảm ứng hơn và việc Microsoft mặc nhiên buộc người dùng phải sử dụng Metro khi nhấn vào Start là chưa hợp lý. Ngược lại, ngay cả khi ở chế độ màn hình cảm ứng của netbook – nhằm mô phỏng môi trường máy tính bảng, việc thao tác với Desktop truyền thống lại rất khó khăn bởi số lượng biểu tượng quá nhiều trong khi các menu vẫn nhỏ bé như trước. Dù vậy, nhiều khả năng phiên bản Windows 8 ARM cho máy tính bảng chuyên dụng sẽ có nhiều điều chỉnh nhằm giải quyết vấn đề này.
Nhìn chung, với khả năng tận dụng tài nguyên hiệu quả hơn nhằm nâng cao hiệu năng, Windows 8 là một giải pháp đầy hứa hẹn ngay cả trên các hệ MTXT siêu di động cấu hình thấp mà netbook hay một số mẫu với chip siêu tiết kiệm điện là điển hình. Dĩ nhiên, giao diện sử dụng của phiên bản này vào thời điểm hiện tại còn nhiều bất cập nhưng với tư cách mới chỉ là bản thử nghiệm, Windows 8 có thừa đủ thời gian để hoàn thiện mình trước khi ra mắt cộng đồng một cách chính thức vào nửa sau 2012.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh