Windows 8 và nền tảng ARM – Lợi hay hại ?
08:23, 25/12/2011
ARM hiện đang rất mạnh mẽ trong môi trường di động với thị phần tới 99% trên các lĩnh vực điện thoại thông minh, máy tính bảng… Thêm vào đó, Apple có khả năng đang xem xét ARM cho MTXT của họ.
Ưu điểm
Thời lượng pin tốt hơn:
Các chip ARM đều được thiết kế với tiêu chí chủ đạo là sử dụng càng ít điện càng tốt. Bản thân iPad – chiếc máy bảng với thời lượng pin được cho là đáng kinh ngạc cũng sử dụng chip ARM và dễ dàng đạt mức sử dụng trên 11-12 tiếng. Điều này khiến cho thế hệ các chip ARM xuất hiện song hành cùng Windows 8 trong những năm tới càng được kì vọng hơn. Bản thân Intel và AMD cũng có những giải pháp di động như Atom hay Fusion nhưng chúng đều chưa vượt được qua ARM.
Giá thành rẻ hơn:
Hiện tại, AMD và Intel “nắm” hầu hết thị trường vi xử lý x86 khiến cho các nhà sản xuất có không nhiều lựa chọn về sản phẩm này. Trong khi đó, công ty nắm giữ kiến trúc ARM lại không thực sự sản xuất chip. Thay vào đó, ARM Holdings lại tạo ra những thiết kế mẫu rồi cấp phép sản xuất cho các đối tác khác như Qualcomm, nVIDIA, Texas Instruments. Điều này tạo điều kiện lý tưởng cho họ thoả sức sáng tạo và giành giật khách hàng- điều khiến cho mức giá của các chip ARM luôn rất cạnh tranh và hệ quả tất yếu là khách hàng cuối được hưởng lợi. Mức chênh lệch về giá của các vi xử lý ARM sẽ được thấy rõ ở các phân khúc sản phẩm mà AMD hay Intel cũng có mặt – điển hình là máy tính bảng hoặc netbook.
Ít virus đe doạ:
ARM và x86 là hai nền tảng phần cứng điện toán hoàn toàn khác nhau. Bản thân Microsoft cũng chưa hé lộ gì nhiều về khả năng cho phép vận hành các ứng dụng x86 trên nền ARM thông qua Windows 8 mơi của họ. Tuy nhiên, chính việc người dùng buộc phải có các phần mềm tương thích riêng cho ARM cũng đồng nghĩa với việc các loại virus vốn được viết riêng cho x86 sẽ không thể chạy trên Windows 8 với phần cứng ARM. Nói cách khác, hầu hết người dùng ARM sẽ miễn nhiễm với hàng trăm ngàn các loại virus được thiết kế nhắm tới Windows x86 từ trước tới nay.
Nhược điểm
Hiệu năng chưa cao:
Một chip x86 của Intel sẽ xử lý các tác vụ thực tế nhanh hơn rất nhiều chip ARM ở cùng xung nhịp. Những thiết kế mới của ARM có thể vận hành ở mức 2,5 GHz- điển hình như Cortex A-15. Tuy vậy, nó vẫn chẳng là gì nếu so sánh với các dòng Core i5 hay i7 từ Intel. Dĩ nhiên, hầu hết các thế hệ vi xử lý hiện tại đều khá nhanh và đủ cho phần lớn mọi nhu cầu thông thường. Chính vì điều này mà nhiều người dùng vẫn lạc quan về những thế hệ MTXT đầu tiên với ARM và Windows 8 sẽ thừa đủ năng lực xử lý các tác vụ cơ bản như duyệt web, soạn thảo văn bản, giải trí cơ bản… trong khi những game thủ hoặc người dùng cao cấp tốt nhất vẫn nên gắn bó với nền tảng x86… ít nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Đồ hoạ 3D – câu hỏi lớn ?
Các chip ARM đều được phát triển dựa trên thiết kế hệ thống trên chip (SoC). Điều này khiến nó khác hẳn với những bộ xử lý chỉ gồm chip silicon đơn như sản phẩm từ Intel hay AMD. Bản thân các chip ARM đều được tích hợp cùng hệ thống đồ hoạ 3D- điển hình như Tegra 2 với đồ hoạ GeForce. Mặc dù vậy, các chip tích hợp trong ARM thường khá cũ và có sức mạnh hết sức khiêm tốn so với những gì người dùng x86 đang được tận hưởng. Nói cách khác, bạn vẫn có thể thưởng thức các trò chơi 3D trên ARM nhưng chất lượng chắc chắn sẽ không bằng được với hệ máy tính x86 truyền thống.
Chưa hỗ trợ được 64-bit:
Toàn bộ các chip ARM hiện tại đều có kiến trúc 32-bit. Bản thân ARM chưa tung ra những thiết kế 64-bit cho nền tảng này. Mặc dù 32-bit là vừa đủ với môi trường di động nhưng nếu nền tảng này muốn “lấn sân” thị phần x86, nó buộc phải có 64-bit – thứ đã quá thông dụng với các máy tính x86. Kiến trúc 64-bit cũng cần thiết để máy tính ARM có thể sử dụng trên 4GB RAM – điều đang bị hạn chế hiện tại.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh