Xây dựng ‘cơ quan thuế số’ tiến tới ‘cơ quan thuế thông minh’

14:21, 06/08/2024

Thời gian tới, Cục Thuế Hà Nội sẽ tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành Thuế, chuyển đổi số các công tác quản lý thuế, xây dựng “cơ quan thuế số” tiến tới “cơ quan thuế thông minh”; hỗ trợ tối đa, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người nộp thuế phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cục Thuế TP. Hà Nội sẽ tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành Thuế. Ảnh minh họa

Thu ngân sách đạt 82,5% dự toán

Theo Cục Thuế Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội 7 tháng năm 2024 ước thực hiện 337.200 tỷ đồng, đạt 82,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2023. Có được kết quả này là nhờ những giải pháp quyết liệt, đồng bộ của ngành thuế Thủ đô.

Kết quả thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến nay của Cục Thuế Hà Nội cho thấy nhiều điểm đáng ghi nhận. Tất cả các hạng mục thu đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đáng chú ý là thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã đạt 70.200 tỷ đồng, đạt 89,3% và tăng 35,9%; thuế thu nhập cá nhân 32.400 tỷ đồng, đạt 79,1% và tăng 30,1%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 21.300 tỷ đồng, đạt 79,8% và tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023...

Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Vũ Mạnh Cường cho biết, công tác thu ngân sách đầu năm 2024 đạt kết quả cao một phần nhờ nguồn thu từ hoạt động thương mại điện tử. Từ đầu năm đến nay, Cục Thuế đã tập trung quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có phát sinh doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử.

Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa mã số thuế cá nhân theo Đề án 06 của Chính phủ, Cục Thuế Hà Nội đã định danh thông tin được 418 doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử, 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm, nội dung số; 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của hơn 366.800 gian hàng, tương ứng 197.848 mã số thuế.

Cục Thuế đã phối hợp các sàn thương mại điện tử, ngân hàng thương mại, các đơn vị trung gian vận chuyển để thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu. Trên cơ sở đó xây dựng ứng dụng để tra cứu cơ sở dữ liệu theo tổ hợp các tiêu chí với thao tác đơn giản, xử lý nhanh, kết quả chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan thuế, tổng số thu từ hoạt động thương mại điện tử nửa đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt gần 10.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành Thuế Thủ đô cũng đã tích cực triển khai hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu, là một trong những đơn vị đầu tiên hoàn thành 100% cơ sở kinh doanh xăng dầu xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng; đồng thời, hoàn thành 94,6% kế hoạch năm 2024 về việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Đánh giá về kết quả thu ngân sách của Cục Thuế thành phố Hà Nội, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành nhấn mạnh: "Kết quả này rất ấn tượng, đóng góp rất quan trọng vào kết quả thu chung của toàn ngành thuế. Số thu của Cục Thuế Hà Nội năm sau luôn cao hơn năm trước và ngày càng bền vững, điều này cho thấy các giải pháp đang đi đúng hướng".

Tiến tới 'cơ quan thuế thông minh'

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng thời gian tới, ngành Thuế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024, Cục Thuế cần đẩy mạnh thu về đất và mở rộng cơ sở thu với lĩnh vực thương mại điện tử.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị, Cục Thuế cần đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành thuế, chuyển đổi số các công tác quản lý thuế, xây dựng "cơ quan thuế số" tiến tới "cơ quan thuế thông minh", giúp giảm chi phí và thời gian, góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nộp thuế phát triển sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Duy trì hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác hỗ trợ, đặc biệt là giải pháp hỗ trợ bằng phương thức điện tử để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc thực thi chính sách pháp luật thuế, qua đó giúp doanh nghiệp, người nộp thuế duy trì ổn định, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục thực hiện việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân theo Đề án 06; tiếp tục nghiên cứu bổ sung các giải pháp để điện tử hóa, số hóa các khâu, các bước để hỗ trợ người nộp thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử…

Đồng thời, tập trung theo dõi tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế cũng như tình hình của doanh nghiệp để có biện pháp quản lý thu, chống thất thu phù hợp, hiệu quả; tập trung chống thất thu thuế các lĩnh vực có dư địa khai thác tăng thu lớn như thương mại điện tử, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, nhà đất...

Cục Thuế TP. Hà Nội cũng tập trung rà soát, chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định. Tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý. Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa công tác thu nộp, hiện đại hóa công tác quản lý thuế đối với các hình thức kinh doanh mới trên nền tảng kinh doanh số.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://thanglong.chinhphu.vn/xay-dung-co-quan-thue-so-tien-toi-co-quan-thue-thong-minh-103240806092434975.htm)