Xây dựng Cổng thương mại điện tử cho cá nhân kinh doanh kê khai, nộp thuế
Tổng cục Thuế cho biết đang nghiên cứu xây dựng Cổng thông tin điện tử nhằm tạo thuận tiện cho cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế.
Theo đó, các đơn vị của Tổng cục Thuế đã tổ chức nhiều cuộc họp để trao đổi nghiệp vụ, thống nhất phương án triển khai Cổng thương mại điện tử dành cho cá nhân.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết: Do chính sách hiện hành chưa có tính đặc thù đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nên việc áp dụng chung cách thức quản lý như đối với hoạt động kinh doanh truyền thống dẫn đến có nhiều bất cập, vướng mắc khi triển khai thực hiện.
Ngoài ra, trong thời gian đầu khuyến khích tính tự giác tuân thủ của người nộp thuế, các cơ quan thuế đều có những hỗ trợ cho người nộp thuế nhằm tối ưu hoá số tiền phải nộp do vi phạm pháp luật thuế.
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết: Khi thực hiện livestream bán hàng trên mạng, tức là hoạt động này đã phát sinh doanh thu, có thể phát sinh thu nhập. Khi đã phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các Luật thuế, sắc thuế cũng như chịu sự quản lý giám sát của cơ quan thuế.
Thời gian qua, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế. Với cá nhân, nếu phát sinh doanh thu và thu nhập thì chịu thuế đối với thu nhập, được điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Nếu là hộ kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử hay livestream có phát sinh doanh thu (gọi là hoa hồng) thì quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý hộ kinh doanh (theo hình thức khoán hoặc kê khai về thuế).
Theo số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử: Năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83.000 tỷ đồng. Năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, kết quả thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm lũy kế trong 3 năm (2021, 2022 và 2023), tổng số các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đưa vào diện rà soát là 31.570 (doanh nghiệp là 6.257, cá nhân là 25.313). Tại đây, tổng số các trường hợp đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm là 22.159 cơ sở kinh doanh (doanh nghiệp là 543, cá nhân là 21.616) với số thuế tăng thêm là 2.900 tỷ đồng.