Xây dựng Luật Thương mại điện tử tạo động lực phát triển bền vững kinh tế số Việt Nam
Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, khắc phục hạn chế hiện tại, thúc đẩy sáng tạo, bảo vệ quyền lợi các bên, đồng thời tạo động lực phát triển bền vững cho kinh tế số Việt Nam.
Thương mại điện tử là một lĩnh vực phức tạp, liên quan đến nhiều bên, cả trong nước lẫn nước ngoài, do vậy Bộ Công Thương đề nghị cần phải có một khung pháp lý ổn định, lâu dài. Thương mại điện tử Việt Nam được xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng năm 2022. Quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử B2C (hình thức giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng) tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỷ USD năm 2014 đến 20,5 tỷ USD năm 2023, trung bình tăng trưởng 20-30% cả giai đoạn, đóng góp 8% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2023.
Có được kết quả khả quan nêu trên là do các quy định pháp luật về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý tương đối rõ ràng, minh bạch. Hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử đang được điều chỉnh tập trung, chủ yếu tại hai văn bản: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (Nghị định 52), Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 (Nghị định 85).
Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý cao hơn và ổn định hơn của các văn bản pháp luật, Bộ Công Thương đề nghị cần xây dựng Luật Thương mại điện tử tạo cơ sở để điều chỉnh các vấn đề quan trọng, mang tính nguyên tắc và toàn diện trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Trên thế giới hiện có nhiều nước đã xây dựng Luật thương mại điện tử như Malaysia, Campuchia, Philipines, Hungary, Rumani, Macedonia, Ireland, Malta, Luxembourg, Iran, Trung Quốc... Nhiều nước xây dựng Luật thương mại điện tử dựa trên các khái niệm và nguyên tắc của Luật mẫu về thương mại điện tử của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL), trong đó, về cơ bản các nước công nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu điện tử nhằm tạo ra môi trường pháp lý an toàn cho các hoạt động thương mại điện tử.
Một số nước khác tuy không xây dựng Luật thương mại điện tử nhưng đã có những văn bản điều chỉnh riêng cho lĩnh vực này. Ví dụ, Uỷ ban châu Âu ban hành Chỉ thị về thương mại điện tử vào năm 2000 (Directive 2000/31/EC on electronic commerce) và gần đây là Đạo luật Kỹ thuật số (Digital Markets Act). Indonesia ban hành Quy định số 80/2019 về thương mại điện tử (Reg 80/2019), Quy định số 31/2024 về cấp phép kinh doanh, quảng cáo, hướng dẫn và giám sát các doanh nghiệp thương mại qua hệ thống điện tử (thay thế Quy định số 50/2020)...
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phù hợp với xu thế chung của thế giới, Việt Nam rất cần xây dựng Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này, góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế số.
Bộ Công Thương đã đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội luật hóa cam kết quốc tế, đồng thời đảm bảo hệ thống pháp luật về thương mại điện tử đồng bộ, thống nhất. Luật này nhằm khắc phục những bất cập trong thực thi các quy định hiện hành, thích ứng với sự thay đổi do công nghệ số mang lại. Đồng thời, luật sẽ hoàn thiện chính sách theo hướng khuyến khích sáng tạo, đảm bảo tính minh bạch, khả thi, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo nền tảng cho thương mại điện tử phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào nền kinh tế số.
Khi xây dựng Luật Thương mại điện tử sẽ tập trung vào 5 chính sách lớn. Thứ nhất, bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành. Thứ 2, quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ liên quan. Thứ 3, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử. Thứ 4, quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại. Thứ 5, quy định về xây dựng, phát triển Luật Thương mại điện tử.