Xu hướng của thương mại điện tử trên di động
14:04, 07/04/2016
Lazada Việt Nam vừa tổ chức chương trình trao đổi về TMDĐ với chủ đề: Chọn thương mại di động - chọn dẫn đầu những đột phá vào ngày 6/4/2016 tại TP.HCM.
Thương mại di động (M-Commerce) được hiểu là thương mại điện tử trên các thiết bị di động, về cơ bản là sự phân phối hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng ở bất cứ đâu thông qua công nghệ mạng không dây. Đây là một trong những phương thức tiện lợi và hiệu quả cho cả người cung cấp dịch vụ lẫn người tiêu dùng, thụ hưởng dịch vụ.
Nói về tiềm năng của thương mại di động, ông Nitin Gajria, Giám đốc Google tại Việt Nam nhận định: “Sự ra đời của thiết bị di động đã tạo nên một bước chuyển lớn trong thói quen người tiêu dùng. Dựa vào bản đo lường của Google tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày, một người sẽ cầm điện thoại lên và xem khoảng 150 lần, tức là hơn 10 lần mỗi giờ. Điều này có tác động rất lớn đối với thương mại di động cũng như quảng cáo di động, nơi mà các doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa và nắm bắt kịp thời mọi khoảnh khắc người dùng tìm kiếm bất kì nội dung, thông tin cụ thể nào. Những khoảnh khắc dự tính này (intend moment) từ người dùng chính là các yếu tố vi mô, là lúc mà họ tập hợp tất cả thông tin và đưa ra quyết đinh mua sắm. Và đây cũng chính là thời điểm các đơn vị quảng cáo xuất hiện và có những chiến lược hợp lý của riêng mình.”
Bên cạnh đó, xác định thương mại di động sẽ là xu hướng phát triển trọng tâm tại Việt Nam thời gian tới, các doanh nghiệp tham gia cũng chia sẻ bức tranh tổng quan của thị trường và những kinh nghiệm thực tế khi ứng dụng mô hình này tại Việt Nam.
Theo ông Lê Xuân Long, giám đốc Marketing của Lazada Việt Nam cho biết: “Hiện nay, thương mại di động là định hướng phát triển trọng tâm tại Lazada, khi giá trị giao dịch hàng hóa qua điện thoại (bao gồm trên website cho di động và ứng dụng) chiếm gần 60% tổng giá trị giao dịch và chúng tôi kỳ vọng sẽ vượt qua mốc 80% trong năm 2020. Với mục tiêu lấy khách hàng là trọng tâm, Lazada muốn nâng cao trải nghiệm “mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi” cho khách hàng trên tất cả các nền tảng, và biến đây thành ưu thế cạnh tranh riêng của mình.”
Tham dự buổi trao đổi còn có Uber - cung cấp ứng dụng di động trong lĩnh vực giao thông vận tải và MoMo - cung cấp về dịch vụ thanh toán trên di động. Đại diện các doanh nghiệp cùng thể hiện quan điểm về tầm quan trọng và tính ưu việt của thương mại trên các ứng dụng di động.
Với sự đầu tư và phát triển đồng loạt của nhiều doanh nghiệp như thời điểm hiện tại, thương mại di động hứa hẹn sẽ tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ, trở thành một phương thức dịch vụ ngày càng được ưa chuộng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong thời gian tới.