Xử lý ''rác'' viễn thông bằng công nghệ
181.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, 56,65 triệu cuộc gọi giả mạo đã bị các nhà mạng phát hiện và ngăn chặn trong gần một năm qua. Con số này cho thấy quyết tâm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong xử lý “rác” viễn thông bằng ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các loại “rác” viễn thông vẫn đang là vấn nạn cần phải tiếp tục xử lý mạnh tay trong thời gian tới.
ác cuộc gọi “rác” vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, gây phiền phức cho người sử dụng điện thoại di động.
Giảm cuộc gọi “rác”, cuộc gọi giả mạo
Chị N.H.O (thuê bao số 0919xxxx09) ở phố Lưu Hữu Phước, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) cho biết, thời gian gần đây, hầu như thuê bao của chị không nhận được cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo, ngoại trừ tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng tư vấn gói cước. Trong khi đó, một số khách hàng lại phản ánh vẫn nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo, tin nhắn “rác”.
Theo chị N.N.Tr (thuê bao 0903xxxx80), ở phố Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) gần đây, chị thường nhận được cuộc gọi mời vay tiền, mua bất động sản. Còn chị T.H.V (thuê bao 0985xxxx83) ở phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) cho hay, ngoài cuộc gọi mời mua đất, thì thường xuyên nhận được cuộc gọi có đầu số “lạ”, như: +451494316607, 870522495247, 87056767088450… Nghi là những cuộc gọi giả mạo đầu số nước ngoài nên chị không nghe máy, để tránh phiền phức.
Theo đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cũng như các nước trên thế giới, kể cả quốc gia phát triển, tại Việt Nam tình trạng cuộc gọi giả mạo, cuộc gọi “rác” có chiều hướng gia tăng (đặc biệt đã xuất hiện hình thức gọi quảng cáo tự động - robocall). Từ tháng 7-2020, Cục đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai giải pháp ngăn chặn cuộc gọi “rác”, cuộc gọi giả mạo. Tính đến hết tháng 6-2021, sau 11 tháng triển khai, các nhà mạng đã ngăn chặn hơn 181.000 thuê bao phát tán cuộc gọi “rác”; 56,65 triệu cuộc gọi giả mạo. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, hơn 92.000 thuê bao phát tán cuộc gọi “rác”, hơn 35 triệu cuộc gọi giả mạo bị ngăn chặn.
Đánh giá về việc xử lý “rác” viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện sim “rác” giảm 60%; số người phàn nàn về tin nhắn “rác” giảm gần 70%; số cuộc gọi “rác” giảm 32%.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Theo Cục Viễn thông, hiện các nhà mạng áp dụng các thuật toán dự đoán trên hạ tầng dữ liệu lớn (big data), học máy (machine learning) đối với tất cả các cuộc gọi, đồng thời kết hợp thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng để xác định cuộc gọi “rác”, từ đó thực hiện biện pháp khóa chiều gọi đi của thuê bao phát tán cuộc gọi “rác”.
Kết quả, số lượng phản ánh của người dân về cuộc gọi “rác” qua tổng đài 5656 tăng trung bình 13-15%/tháng. Số cuộc gọi “rác” phát tán và số thuê bao bị ảnh hưởng có xu hướng giảm rõ rệt. Cụ thể, trong tháng 6-2021, có khoảng 8,4 triệu cuộc gọi “rác” giảm 31,9%; hơn 5,4 triệu thuê bao bị ảnh hưởng giảm 23,5% so với tháng 12-2020.
Với cuộc gọi giả mạo, dựa trên khuyến nghị của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Cục Viễn thông đã hướng dẫn các nhà mạng xây dựng hệ thống phát hiện và ngăn chặn. Thực tế, số lượng phản ánh về các vụ lừa đảo qua điện thoại đến cơ quan công an đã giảm khoảng 75% so với trước, góp phần bảo vệ người sử dụng dịch vụ viễn thông, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hòng lọt qua hệ thống ngăn chặn cuộc gọi giả mạo, gây khó khăn cho các nhà mạng khi xử lý cuộc gọi, tin nhắn giả mạo đầu số hay các ứng dụng nước ngoài. Do đó, đối với cuộc gọi giả mạo, người dân cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại và báo ngay đến số điện thoại 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.
Đồng tình với quan điểm phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để ngăn chặn “rác” viễn thông, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên cho rằng, nên ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để ngăn chặn “rác” viễn thông, vì AI mới phân loại được nội dung tin nhắn rác. Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng cần thêm tiêu chí giải quyết vấn đề lợi ích cho nhà mạng trong xử lý rác viễn thông. Ngoài ra, cần hiểu rằng chúng ta chỉ hạn chế thấp nhất, chứ không thể ngăn chặn triệt để “rác” viễn thông.
Nói về giải pháp trong thời gian tới, Phó Cục trưởng tập sự Cục Viễn thông Nguyễn Minh Thắng cho biết, Cục Viễn thông sẽ chỉ đạo các nhà mạng tiếp tục nghiên cứu và thường xuyên cập nhật các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi giả mạo, cuộc gọi “rác”. Đồng thời phối hợp với cơ quan công an để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo số điện thoại nhằm mục đích lừa đảo, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh và trật tự xã hội cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo/hanoimoi.com.vn