Xuất khẩu các sản phẩm chế biến chế tạo sang Canada thời gian tới sẽ nhiều khó khăn

10:42, 17/08/2024

Triển vọng duy trì kim ngạch hoặc tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo chủ lực của Việt Nam vào thị trường Canada năm 2024 và các năm tiếp theo được dự báo sẽ có nhiều thách thức...

Các sản phẩm điện, điện tử xuất khẩu sang thị trường Canada trong 6 tháng năm 2024 giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 6 tháng năm 2024 các sản phẩm điện, điện tử xuất khẩu sang thị trường Canada đạt 1,16 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mặt hàng có giá trị tới khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn và đóng vai trò quan trọng vào triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Canada.

Tương tự, các sản phẩm da giày xuất khẩu tính đến hết tháng 5/2024 đạt 306 triệu USD, giảm 4,7%; các sản phẩm bằng da đạt trên 100 triệu USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng với sản phẩm dệt may, đồ gỗ nội thất, xuất khẩu 6 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023.  

BA THÁCH THỨC LỚN

Nhận định về tình hình thị trường Canada trong năm 2024 và các năm tiếp theo, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho rằng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với triển vọng duy trì kim ngạch xuất khẩu hoặc tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Thách thức lớn nhất, do cầu của thị trường suy giảm. Suy thoái kinh tế, lãi suất cao và lạm phát cao hiện vẫn hạn chế các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu, mua sắm.

Thách thức thứ hai, đến từ góc độ cạnh tranh, vì lợi thế thuế quan mà CPTPP mang lại cho hàng xuất khẩu Việt Nam đã dần mất đi, do Canada đang đẩy mạnh ký kết các Hiệp định thương mại tự do với một loạt các đối tác Nam Mỹ và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây đều là những nước có cơ cấu mặt hàng khá tương đồng với Việt Nam. Trong khi đó xuất khẩu của Việt Nam gặp bất lợi lớn về chi phí vận tải, thời gian giao hàng so với các đối thủ cạnh tranh.

Ngoài việc mất lợi thế về thuế quan, chi phí logistics nội địa tại Canada cao khiến giá xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ. Giá xăng dầu vận tải cao, tình trạng chậm bốc dỡ hàng tại các cảng ở Canada do thiếu nhân công cũng là những lý do khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nhà xuất khẩu Nam Mỹ.

Thách thức thứ ba, đến từ chính khả năng của doanh nghiệp đáp ứng với những tiêu chuẩn xuất khẩu mới, đặc biệt là các vấn đề về sản xuất xanh, tiêu chuẩn bao bì, thuế chuyển dịch carbon xuyên biên giới.

Đặc biệt, đối với nhóm hàng điện tử, Canada vừa công bố tham vấn người dân và các Hiệp hội về quy định buộc các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu hàng điện tử phải có trách nhiệm hơn để tiến tới nền kinh tế tuần hoàn. Quá trình lấy ý kiến sẽ kéo dài 3 tháng, từ nay đến tháng 9/2024, nhưng đã có tác động khiến các nhà nhập khẩu thận trọng hơn trong quyết định nhập hàng.

 MẶT HÀNG NÀO CỦA VIỆT NAM SẼ CÓ TRIỂN VỌNG ?

Phân tích của Thương vụ Việt Nam tại Canada cho thấy cơ cấu hàng xuất khẩu công nghiệp nội địa của Việt Nam sang Canada chủ yếu là nhóm ngành hàng dệt may, đồ chơi và đồ gỗ nội thất (chiếm 40% giá trị kim ngạch). Song nhóm mặt hàng này dự báo khó có khả năng giữ mức tăng trưởng cao trong năm 2024 và các năm tới.

Đối với nhóm mặt hàng điện thoại, linh kiện, máy móc thiết bị và sản phẩm điện tử (50% tổng kim ngạch) là nhóm ngành hàng chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung ứng, hiện phụ thuộc mạnh về nguồn cung đầu vào của các sản phẩm và linh kiện trung gian.

Thị trường Canada đang có sự chững lại về nhu cầu và xu hướng dịch chuyển đối tác sang các nước đồng minh như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức. Dự báo trong các năm tới, nhóm mặt hàng vẫn có khả năng tăng trưởng xuất khẩu tốt là: da giày, sản phẩm từ da, sản phẩm mũ đội đầu.

Nhóm các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như cao su, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu và hoá chất (5%)… có sự sụt giảm mạnh và tiềm năng tăng trưởng trở lại phụ thuộc vào tốc độ khôi phục các đơn hàng và tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Canada.

Các ngành hàng cơ khí hàng hải, ô tô, cơ khí chính xác và túi xách vẫn là những lĩnh vực duy trì được tăng trưởng và có lợi thế cạnh tranh.

“Đáng lưu ý, đây hầu như là những ngành hàng Trung Quốc chiếm thị phần khá lớn, vì vậy Việt Nam có nhiều lợi thế để được các doanh nghiệp Canada tìm đến như nguồn cung thay thế. Đối với các lĩnh vực ngành hàng này (trừ túi xách), Việt Nam đều có thị phần chưa lớn và hoàn toàn có tiềm năng mở rộng thị phần trong thời gian tới”, bà Quỳnh nhận định.