Không thể chấp nhận EVN báo lỗ mãi do bù giá điện 'mua cao, bán thấp'

11:15, 08/11/2024

Góp ý vào dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh, cần minh bạch, chấm dứt bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, có những quy định pháp lý đủ mạnh để thị trường điện cạnh tranh vận hành thực sự cạnh tranh, công khai, minh bạch và công bằng.

Yêu cầu công khai toàn bộ cơ cấu giá điện

Trong phiên thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) mới đây, Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, Điều 86 của dự thảo quy định về các loại giá điện, vai trò của Chính phủ trong điều tiết giá điện. Tuy nhiên, theo đại biểu, điều này chưa làm rõ được cơ chế xử lý giá điện thay đổi nhanh; không rõ ràng về các loại chi phí cấu thành giá.

Tương tự, Điều 87 chưa có quy định về sự minh bạch đối với các yếu tố chi phí thực tế để lập giá điện như chi phí sản xuất, phân phối và lợi nhuận của các nhà cung cấp, tránh tình trạng tăng giá không hợp lý. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn về tần suất điều chỉnh giá điện; Chính phủ cần thông báo trước thời gian điều chỉnh để người tiêu dùng có thể dự đoán và điều chỉnh chi tiêu của mình.

Cùng với đó, cần bổ sung điều khoản yêu cầu công khai toàn bộ cơ cấu giá điện đến người dân, giải thích rõ ràng cách thức tính toán giá điện và các yếu tố chi phối việc tăng hoặc giảm giá điện.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, cần bổ sung điều khoản yêu cầu công khai toàn bộ cơ cấu giá điện đến người dân. Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ căn cứ xây dựng các biểu giá điện, từ chi phí đầu tư, năng lực truyền tải, sửa chữa nâng cấp truyền tải; phí bảo dưỡng, bảo trì. Bên cạnh đó, nghiên cứu cách tính toán biểu giá điện của một số nước trên thế giới, tách bạch tương đối rõ về giá điện phục vụ công ích cũng như các hoạt động mang tính chất thị trường.

“Người tiêu dùng cần có thông tin đầy đủ để hiểu rõ bản chất của sự việc, để chia sẻ và đồng thuận; đồng thời qua đó là người giám sát trực tiếp, điều tiết trực tiếp việc sử dụng điện của mình. Đây cũng là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà luật đang hướng đến” - đại biểu nói.

Không thể chấp nhận việc bù chéo trong giá điện

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị làm rõ và bổ sung quy định cụ thể về đảm bảo cơ cấu giá điện hai thành phần và có lộ trình rõ ràng về xóa bù chéo giữa các nhóm khách hàng. 

Việc này, theo ông Hòa để đảm bảo bình đẳng, giá điện theo thị trường, khuyến khích tiết kiệm điện cho sản xuất. 

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu tỉnh Đồng Tháp góp ý tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Hòa nói đồng tình việc thực hiện giá điện hai thành phần (công suất và giá điện năng) để rõ ràng, minh bạch và chấm dứt bù chéo giữa các nhóm khách hàng. 

“Không thể để khách hàng này thu giá cao, để bù cho nhóm khác thu thấp hơn. Như vậy sẽ không khuyến khích sử dụng tiết kiệm, thiếu công bằng”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nói.

Ông Hòa cũng nhấn mạnh, giá điện theo thị trường sẽ tránh việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ hằng nằm, do phải bù chênh lệch giá. “Mua cao thì phải bán cao, không thể mua cao lại bán thấp”, ông nói thêm.

Chung mối quan tâm, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung và làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, đặc biệt là giá cho từng loại hình năng lượng khác nhau và cho từng khu vực. 

Ông Bình đề xuất xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như độ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng. Điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào khung giờ thấp điểm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong tiếp cận thông tin về giá điện và quy trình điều chỉnh giá điện.

Việc điều chỉnh giá điện, theo đại biểu đoàn Trà Vinh, nên được công khai, minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. 

Loạt vấn đề bức xúc do chưa có thị trường điện cạnh tranh

“Hàng loạt những vấn đề đang gây bức xúc, tranh cãi liên quan đến ngành điện như: giá điện, mua bán điện, phát điện và hòa điện lên lưới của các nhà máy ngoài EVN; bù chéo… có nhiều nguyên do nhưng có 1 nguyên do căn bản là chúng ta chưa có thị trường điện cạnh tranh”, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nói.

Theo Luật Điện lực, thị trường điện cạnh tranh có 3 cấp độ: cấp độ 1 là thị trường phát điện cạnh tranh; cấp độ 2 là thị trường mua, bán buôn điện cạnh tranh; cấp độ 3 là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Cả 3 cấp độ này, ông Hậu cho rằng, chỉ là bề nổi của thị trường điện cạnh tranh. Theo ông, muốn có thị trường điện cạnh tranh thực sự phải tách bạch thực sư 3 khâu then chốt là: phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia.

Cùng với đó, tách bạch rõ ràng giữa kinh doanh với quản lý Nhà nước, giữa kinh doanh với thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Muốn có thị trường điện cạnh tranh thực sự phải tách bạch thực sư 3 khâu then chốt là: phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia.

Đại biểu đoàn Tây Ninh sốt ruột sau 20 năm kể từ khi có Luật Điện lực, trái tim của hệ thống điện quốc gia là trung tâm điều độ điện quốc gia mới chính thức tách ra khỏi EVN chuyển về Bộ Công Thương từ 8/2024. 

Việc này còn đang lo ổn định tổ chức, nhân sự và chưa biết đến bao giờ sẽ thực sự ra khỏi “cái bóng khổng lồ” của EVN, ông Hậu nói.

Mạch máu của hệ thống điện quốc giá, tức là hệ thống truyền tải điện thì vẫn trực thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia.

Với những sửa đổi trong dự thảo luật lần này, theo ông Hậu, chưa có những quy định pháp lý đủ mạnh để sự thay đổi mang tính quyết định, giúp cho thị trường điện cạnh tranh vận hành thực sự cạnh tranh, công khai, minh bạch và công bằng.

Từ đó, ông Hậu đề nghị nếu thông qua tại kỳ họp này thì chỉ tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. 

“Nếu sửa đổi toàn diện cần có sự nghiên cứu sâu, xem xét kỹ hơn nên cần qua 2 kỳ họp”, đại biểu đoàn Tây Ninh nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nhận định, với các quy định của dự thảo luật thì không biết đến bao giờ mới có thị trường điện cạnh tranh thực sự”. “Tôi cho rằng phải mùa quýt chúng ta mới có thị trường điện cạnh tranh thực sự”, ông Hạ nói.

Bởi, theo ông Hạ, trước khi bắt đầu vận hành các cấp độ thị trường điện cạnh tranh các điều kiện sau đây phải hoàn thành, gồm: hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ cấu lại ngành điện; cơ sở hạ tầng hệ thống điện và thị trường điện; cải cách cơ chế giá điện, giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền.